Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị xung quanh hoạt động giảng dạy của GV nhằm giúp GV có thêm thông tin để định hướng và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình cho phù hợp.
- Về phương tiện giảng dạy: Các thiết bị, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giảng dạy. Tuy vậy, nếu không sử dụng chúng một cách hợp lý thì hiệu quả sư phạm không những không tăng lên mà còn gây nên sự khó hiểu, rối loạn, căng thẳng cho SV. Nghiên cứu nhận thấy GV cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động giúp SV nhận ra kiến thức từ các phương tiện này như: hướng dẫn SV quan sát, phân tích, thao tác với chúng…chứ không chỉ để minh họa.
- Về nội dung giảng dạy: Bên cạnh tính hữu ích, tính giáo dục được SV đánh giá cao, GV cần chú trọng đầu tư hơn nữa tính mới mẻ của nội dung giảng dạy. Theo đó, GV cần thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức mới cho bản thân, cập nhật thông tin liên quan đến chuyên ngành giảng dạy để đạt sự hài lòng cao hơn từ phía SV.
- Về phương pháp giảng dạy: Việc xếp thứ hạng cuối trong sáu nhân tố cũng đã phần nào bộc lộ một vài hạn chế trong phương pháp giảng dạy. Vì vậy, GV cần phải tiếp tục quan tâm điều chỉnh, cải tiến phương pháp giảng dạy của mình. Trong đó, GV cần chú trọng xây dựng một bầu không khí học tập sinh động, tích cực; giúp SV tiếp cận hơn với phương pháp nghiên cứu khoa học hay chỉ đơn giản là tìm cách giúp họ dễ dàng hiểu được nội dung bài.
- Về sự nhiệt tình của GV: SV cảm nhận và hài lòng với sự nhiệt tình của GV dành cho mình. Tuy nhiên SV cũng kỳ vọng GV sẽ thể hiện sự nhiệt tình đó nhiều hơn bằng những việc làm cụ thể. Chẳng hạn như GV có thể giảng bài một cách hào hứng hơn, “truyền lửa” hơn để khơi gợi hứng thú học tập của SV. GV cũng cần quan tâm xây dựng cho mình một phong cách dạy ổn định - một phong cách dạy có thể hấp dẫn được nhiều SV học tập tích cực.
- Về sự quan tâm của GV đối với SV: Đây là thành phần cótầm quan trọng nhất trong mô hình, là điều mà SV mong muốn nhất trong hoạt động giảng dạy của GV nhưng đáng tiếc lại không phải là thành phần nhận được sự hài lòng cao nhất của SV. Mặc dù so với bậc giáo dục phổ thông, sự quan tâm của GV đến SV trong môi trường giáo dục đại học có nhiều khác biệt. SV ở độ tuổi này đã có sự chín chắn, độc lập và tự quyết hơn nhiều trong học tập cũng như trong cuộc sống; nhưng không phải vì thế mà GV có thể “giao quyền” quá nhiều cho các em, GV cũng cần thường xuyên thể hiện sự quan tâm của mình đến SV bằng cách lắng nghe SV nhiều hơn. GV cần chủ động đi tìm hiểu và nắm bắt thêm thông tin từ phía SV cũng như sẵn sàng giúp đỡ SV khi cần. Quá trình này một mặt có thể giúp GV xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với SV; một mặt có thể giúp GV có thêm nguồn thông tin để định hướng, điều chỉnh hoạt động giảng dạy.
Trên đây là những gợi ý mà GV và lãnh đạo nhà trường có thể tham khảo để có những cải tiến, điều chỉnh trong nổ lực nâng cao hơn nữa sự hài lòng của SV nói riêng và chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung.