ĐỘNG GIAO NHẬN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU BẰNG ĐƯỜNG BIỂN TẠI CÔNG TY SUPER CARGO SERVICE
3.1 Nhận xét
3.1.1 Điểm mạnh
• Công ty được sự lãnh đạo sáng suốt của Ban quản trị đầy kinh nghiệm và năng động. Họ luôn nhạy bén nắm bắt những thay đổi của thị trường và nhanh chóng đưa ra những biện pháp thích ứng với những sự thay đổi liên tục đó, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh và làm hài lòng khách hàng.
• Đội ngũ nhân viên trẻ, nhiệt tình, được đào tạo nghiệp vụ cao, có kiến thức và trình độ sâu rộng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có thể xử lý được các tình huống bất ngờ, giải quyết nhanh chóng các vấn đề khó khăn như tham vấn giá, áp giá thuế, xin Giấy phép của Bộ Công Thương,… Đặc biệt, họ luôn giữ được mối quan hệ thân thiết, đoàn kết giữa các thành viên trong công ty với nhau từ bộ phận chứng từ đến bộ phận kế toán và bộ phận kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm công ty thu hút được lượng sinh viên thực tập khá đông, nhờ đó công ty có thể tận dụng và lựa chọn được những nhân viên có khả năng trong nguồn nhân lực đầy tiềm năng đó.
• Cơ sở vật chất của công ty được trang bị tiện nghi, hiện đại với đầy đủ các máy chuyên dùng trong văn phòng (máy in, máy fax, photocopy…), các dụng cụ văn phòng, số lượng máy vi tính được công ty cung cấp đầy đủ cho nhân viên, nhờ đó đem lại hiệu quả công việc cao và tiết kiệm thời gian hơn.
• Tên tuổi của công ty đã được khẳng định trên thương trường do chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động cao: vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được an toàn cho hàng hóa nên được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng nội địa và các đối tác nước ngoài. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho bản thân công ty tồn tại và phát triển.
• Mối quan hệ rộng rãi của ban giám đốc cùng với khả năng giao tiếp của đội ngũ Sales cũng là lợi thế lớn hỗ trợ cho công tác khai thác thương vụ đạt hiệu quả cao, tìm kiếm khách hàng mới và vẫn giữ được các khách hàng truyền thống, giúp đem lại lợi nhuận thường xuyên cho công ty.
• Vị trí gần sân bay, cảng biển như: Cảng Tân Cảng, Sân Bay Tân Sơn Nhất, Các dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu điện,… cũng là một lợi thế để công ty có thể hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không, không chỉ cung cấp các dịch vụ tư vấn cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, mà còn rất thuận lợi cho hoạt động giao nhận: nhân viên giao nhận không phải đi quá xa để thực hiện các thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển, xe cộ.
• Công ty hoạt động với nhiều nghành nghề kinh doanh, vừa nhập khẩu vừa phân phối trực tiếp cho các doanh nghiệp, vừa hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, vừa làm đại lý hải quan. Với loại hình kinh doanh như vậy, giúp cho lợi nhuận của công ty đa dạng, không phải phụ thuộc vào một loại hình nhất định nào và không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động của thị trường về một trong những loại hình dịch vụ trên, giúp công ty giữ được lợi nhuận thường xuyên.
3.1.2 Điểm yếu
• Hiện nay số vốn công ty còn hạn chế, thiếu vốn lưu động nên công ty phải vay vốn ngân hàng. Vì vậy, công ty phải trả tiền lãi, trong khi đó tiền lãi vay lại cao, do đó mặc dù lợi nhuận hàng năm công ty đều tăng nhưng do phải trả khoản vay nên lợi nhuận của công ty không thể tối đa.
• Sự biến động của tài chính, giá dầu tăng, suy thoái kinh tế cũng đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của công ty, khiến cho chi phí tăng cao, dẫn đến giá dịch vụ cung ứng cho khách hàng cũng tăng cao, không chỉ khách hàng không hài lòng mà còn phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh về giá cả của công ty giao nhận khác, điều này cũng làm lợi nhuận của công ty suy giảm. Thêm vào đó, sự ra đời ngày càng nhiều các công ty giao nhận tạo nên xu thế cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, trong khi công ty TNHH TM DV HH Phim Chính chỉ là một công ty quy mô nhỏ nên sẽ rất khó khăn để cạnh tranh với các công ty giao nhận lớn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giao nhận như đội xe đầu kéo, các kho bãi riêng…
• Công nghệ thông tin của công ty còn nhiều hạn chế. Ngoài trang web chính của SCS, công ty chưa đầu tư mạnh về mảng này. Khách hàng khi muốn theo dõi thông tin của lô hàng cũng gặp nhiều khó khăn.
• Đối với công tác thủ tục hải quan vẫn còn phải chi những khoản tiền tiêu cực cho nhân viên hải quan và nhân viên cảng trong quá trình làm thủ tục hải quan nên làm giảm lợi nhuận và dễ ảnh hưởng xấu đến những nhân viên trực tiếp thực hiện mà không trung thực do kê khai vượt quá số tiền đã chi. Việc này lãnh đạo công ty rất khó kiểm soát. Ngoài ra, các thủ tục hải quan còn rườm rà, rắc rối, gây mất thời gian cho việc cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có quá nhiều văn bản hướng dẫn thay thế, công ty không thể cập nhật và bao quát được toàn bộ dẫn đến còn có sai sót trong công việc, làm chậm tiến trình công việc và ảnh hưởng uy tín của công ty.
3.1.3 Cơ hội
• Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, nằm trong khu vực chiến lược ở Đông Nam Á, vị trí địa lý rất thuận lợi cho vận tải quốc tế, lại có bờ biển dài và cảng nước sâu, VN được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ giao nhận – logistics.
• Nhà nước đang chú trọng tới việc cải thiện lại các cơ sở vật chất như cảng biển, kho bãi, đường xá,…. Mở thêm các cảng và xây thêm cầu đường tạo thuận lợi cho việc giao nhận ngày càng phát triển hơn. Những mục tiêu này cũng chính là động lực thúc đẩy ngành giao nhận trong nước phát triển, tạo ra nhiều điều kiện cho ngành hoạt động, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ của toàn ngành.
• Hiệp hội giao nhận Việt Nam ra đời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Liên kết các doanh nghiệp lại với nhau tạo thành một tổ chức ổn định và vững mạnh.
• Tổng cục hải quan cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng/năm cho công nghệ thông tin, nâng cấp mạng nội bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thủ tục khai hải quan điện tử đã được triển khai giúp thủ tục xuất nhập khẩu được tiến hành thông suốt và nhanh chóng hơn.
• Ngày nay trên thị trường quốc tế lại tiến thêm một bước mới là không chỉ phát triển trên lĩnh vực giao nhận vận tải biển mà dịch chuyển dần sang kinh doanh dịch vụ logistics để thực hiện quản lý dây chuyền cung ứng. Xu hướng này mở ra cơ hội cho các công ty mở rộng quy mô hoạt động, định hướng phát triển cho tương lai.
3.1.4 Thách thức
• Thông tin thị trường còn hạn chế không tiếp cận được khách hàng. Mặt khác, do đặc thù ngành buôn bán qua mạng và điện thoại không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên yếu tố thương hiệu là một thách thức lớn công ty cần vượt qua.
• Trình độ nhân sự có chuyên môn cao mặt bằng chung còn thấp, trên cả nước không có trường đào tạo chuyên sâu về dịch vụ logistics – giao nhận.
• Hiện nay, trong ngành vận tải và giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu có rất nhiều công ty đang hoạt động. Ước tính ở Hà Nội có khoảng 200, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 400 doanh nghiệp. Có doanh nghiệp có tới vài trăm nhân viên nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ có vài ba người (Visaba Times – thời báo của hiệp hội giao nhận Việt Nam). Chính vì vậy, sức cạnh tranh trong ngành là rất cao, nó thực sự là một thách thức lớn không chỉ riêng SCS mà còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để khẳng định vị trí đứng trong ngành của mình.
• Cơ sở vật chất kỹ thuật, cảng biển, kho bãi chưa hiện đại, các thủ tục hải quan còn rườm rà, rắc rối, còn nhiều điểm chưa thống nhất, chặt chẽ, gây tiêu cực trong hoạt động giao nhận vận tải và dịch vụ. Khai thuế hải quan qua mạng mới được áp dụng, nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ. Điều này cũng hạn chế một phần khả năng hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, việc xin cấp giấy phép của Bộ công thương, xin cấp C/O cho hàng xuất, đăng kí giám định mẫu, đăng kiểm xe,…các thủ tục này cũng mất từ 5 đến 10 ngày. Gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
• Vòng quay vận động của thế giới ngày một tăng nhanh. Để thực hiện được dịch vụ các công ty logistics phải chuẩn bị rất nhiều về cơ sở vật chất, nhân sự, khách hàng,… Nếu không thực hiện được công ty sẽ trở nên lạc hậu, mất đi lợi thế cạnh tranh của mình so với công ty khác.