III. Kế hoạch công tác năm 2009 của ban chỉ đạo
2. Đánh giá thực trạng
2.1. Mặt tích cực.
Tuy mới thành lập cuối năm 2004 nhưng trong thời gian ngắn Ban Chỉ đạo đã nhanh chóng kiện toàn đầy đủ tổ chức điều phối từ Trung ương đến các ngành, các địa phương và ban hành được quy chế làm việc và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo cũng như Văn phòng Ban Chỉ đạo Điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm. Bước đầu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Xây dựng kế hoạch hoạt động cho Ban Chỉ đạo, chuẩn bị tài liệu và tổ chức hội nghị các vùng đều đặn mỗi năm 2-3 cuộc họp tại mỗi vùng; cùng với Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị giao ban hàng năm của Ban Chỉ đạo ( năm 2005 tổ chức 2 cuộc, năm 2006 tổ chức 1 cuộc ).
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Đôn đốc các Bộ, ngành các tỉnh triển khai công tác điều phối.
Thường xuyên cập nhật liên kết cung cấp số liệu thông tin của các ngành các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Mỗi tháng họp 02 lấn để trao đổi kiểm tra việc thực hiện các công việc theo chức năng của Văn phòng và bàn kế hoạch, biện pháp thực hiện các công việc được Ban Chỉ đạo giao.
Văn phòng đã tích cực chuẩn bị văn bản, đẩy nhanh tiến độ rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng, cũng như chuẩn bị tốt các văn bản pháp quy nhằm ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết 54- NQ/TW ngày 14/9/2005 về phát triển KT – XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 16/8/2004 về phát triển KT – XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010; Nghị quyết số 53 – NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển KT – XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Bộ chính trị.
2.2. Những tồn tại
- Chức năng chính của Văn phòng Ban chỉ đạo là giúp Ban chỉ đạo phát hiện các vấn đề cần điều phối, phối hợp cùng các Bộ, ngành, các địa phương trao đổi, thỏa thuận giải quyết và trình cấp trên cho ý kiến quyết định. Việc điều phối mới được triển khai ở Văn phòng Chính phủ và Văn Phòng Ban Chỉ đạo trong khi đó nhìn chung các Tổ điều phối của nhiều Bộ chưa thật tích cực trong nhiệm vụ này còn hoạt động một cách cầm chừng thụ động, biều hiện ở những mặt sau:
+ Tham gia các Hội nghị không đều và tham dự không đúng thành phần nên các vấn đề thảo luận thống nhất tại Đại hội chưa được triển khai tích cực.
+ Nhiều vấn đề có tham gia nhưng nhận thức chưa thống nhất, như vấn đề cảng trung chuyển ( không chỉ là nơi gom hàng và làm thủ tục có liên quan); Trung tâm y tế chất lượng cao đạt đẳng cấp quốc tế ( không phải là trung tâm y tế chuyên sâu); trung tâm đào tạo chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế ( không phải chỉ là cơ sở trọng điểm về đào tạo ). Sự nhận thức thiếu thống nhất như vậy đã gây chậm tiến độ xây dựng và làm khó khăn phối hợp.
+ Về nhân sự cũng có nhiều thay đổi nhưng các Tổ điều phối chưa kịp thông báo để tổ chức lại nên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều phối.
- Nhiều ngành, địa phương chưa coi trọng công tác điều phối, chưa chủ động phối hợp liên kết với nhau triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng nên việc triển khai công việc chậm, nhiều vấn đề vướng mắc có tính liên ngành, liên kết tỉnh chưa được giải quyết kịp thời. Sự phối hợp chưa được thường xuyên và chưa chặt chẽ. Do đó, mặc dù đã cố gắng đôn đốc phối hợp nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn.
- Các địa phương mong muốn có các hội nghị chuyên đề bàn thảo sâu về từng lĩnh vực nổi cộm nhưng các Bộ chưa hưởng ứng nên Văn phòng Ban chỉ đạo chưa thể tổ chức bàn thảo công tác điều phối theo các chuyên đề như mong muốn của các địa phương.
- Đồng thời hiện nay chưa có chế tài đối với các Bộ không tham gia tích cực công tác điều phối. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác điều phối chung của Ban Chỉ đạo.