Một trong những lý do then chốt khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung duy trì tính ì và trì trệ trong một thời gian dài có lẽ là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp – cơ chế mà Việt Nam đã áp dụng trong một thời kỳ khá dài. Dưới cơ chế đó, các doanh nghiệp phải hoạt động theo các chỉ thị, những kế hoạch từ cấp trên chứ không phải do nhu cầu thị trường. Các chỉ tiêu do nhà nước đặt ra, các doanh nghiệp chỉ nhận vốn, nguyên vật liệu,…sau đó tiến hành sản xuất, việc tiêu thụ đầu ra cũng do nhà nước thực hiện. Chính cơ chế này đã làm thui chột tính sáng tạo và linh hoạt của các doanh nghiệp, gây ra hiện tượng khan hiếm trong sự dư thừa. Hoạt động với những điều kiện như vậy, doanh nghiệp không phải lo lắng về các đối thủ cạnh tranh, không cần biết thị hiếu của khách hàng, không cần biết họ nghĩ gì về sản phẩm của mình. Cũng do vậy, doanh nghiệp không quan tâm đến chiến lược cũng như quản lý chiến lược.
Tuy nhiên, qua nhiều sự thay đổi và biến cố của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước nhà nói riêng, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tư tưởng đổi mới, tự lực cánh sinh, đặc biệt là các DNVVN trong đó chủ yếu là công ty Tư nhân, công ty Trách nhiệm hữu hạn, công ty Cổ phần,…Thương trường là chiến trường. Doanh nghiệp tự hiểu rằng, trong sự cạnh tranh gay gắt này, họ không thể tồn tại nếu không có nỗ lực và hướng đi cho riêng mình.
Hơn nữa, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, khi thị trường đã thật sự mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Đối thủ cạnh tranh lúc này không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn là các doanh nghiệp nước ngoài. DNVVN Việt Nam phải nhận thức được rằng các doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn và có nhiều lợi thế hơn về cả vốn đầu tư, các mối quan hệ, giá cả và chất lượng sản phẩm. WTO mang lại cho DNVVN Việt Nam những thuận lợi chưa từng có, nhưng đi kèm với đó là những thử thách không hề nhỏ [13].
Như đã đề cập ở trên, cuộc khủng hoảng kinh tế mà cả thế giới đang phải trải qua cũng đã giết chết không biết bao nhiêu DNVVN Việt Nam. Họ đã khó khăn lại càng khó khăn về mặt tín dụng, mạng lưới nhà phân phối và khách hàng, … Đứng trước những khó khăn đó, DNVVN Việt Nam phải phát huy khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của mình, tự tìm ra cho mình hướng đi và con đường đúng đắn. Và để tìm ra con đường đó, Chiến lược và Quản lý chiến lược là một công cụ vô cũng hữư hiệu và có thể nói là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Một bản chiến lược kỹ lưỡng chuẩn bị cho sự chuyển mình của doanh nghiệp trong những năm tới đây là không thể thiếu.
2.2. Thực trạng quản lý chiến lược tại DNVVN Việt Nam
Khó khăn và bất cập còn tồn tại ở các DNVVN Việt Nam thì còn rất nhiều, nhưng trong đó, một vấn đề nổi cộm lên đó là việc thiếu một chiến lược kinh doanh rõ ràng ở các doanh nghiệp này. Chiến lược là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh, tuy nhiên, hầu hết DNVVN Việt Nam lại chưa đánh giá công cụ này đúng như tầm quan trọng của nó.
Như đã giới thiệu, để bổ sung số liệu cho đề tài nghiên cứu, tác giả có sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng câu hỏi. Đối tượng khảo sát là các DNNVV đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy mô khảo sát bao gồm 15 doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghệ thông tin, thiết bị y tế, hoá chất, xuất nhập khẩu,… và được thực hiện dưới hình thức gửi thư hoặc phỏng vấn trực tiếp. Kết qủa khảo sát được tổng kết như sau.
Về căn cứ chiến lược:
Khi được hỏi về bản tuyên bố tầm nhìn chiến lược, 13/15 doanh nghiệp trả lời là tổ chức của họ có đưa ra một bản tầm nhìn chiến lược và nó hoàn toàn phù
hợp với các hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp chưa cập nhật mới cho tầm nhìn của mình mặc dầu nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều biến đổi trong hơn 1 năm trở lại đây. Ngược lại, về bản tuyên bố sứ mệnh, chỉ có 7 trong số 15 doanh nghiệp được khảo sát trả lời là ‘’có’’. Phải chăng lí do là bởi vì họ chưa hiểu thuật ngữ ‘’sứ mệnh’’, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xác định một sứ mệnh rõ ràng cho tổ chức hay bởi họ chỉ biết mục tiêu phấn đấu mà không quan tâm rằng phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đã ban hành bản tuyên bố sứ mệnh thì đều hiểu rõ tầm quan trọng của nó và liên tục cập nhật theo những biến đổi của nền kinh tế.
Về phân tích điểm mạnh/điểm yếu, cơ hội/nguy cơ ( phân tích SWOT), có 10/15 doanh nghiệp được khảo sát trả lời là có sử dụng công cụ này. Tuy nhiên họ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phân tích SWOT của doanh nghiệp mình, thể hiện ở chỗ điểm số họ đánh giá cho khả năng này của doanh nghiệp là 3- 4 trên điểm tối đa là 5. Câu hỏi đặt ra là liệu những doanh nghiệp không phân tích điểm mạnh/điểm yếu cũng như cơ hội/nguy cơ thì họ dựa vào đâu để xác định hướng đi và chiến lược cho mình?
Tuy vậy, một điều đáng mừng là 100% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời là có xác định các mục tiêu dài hạn và đánh giá tầm quan trọng của những mục tiêu này ở mức độ cao nhất (5 điểm).
Tương tự, việc hoạch định chiến lược cũng rất được coi trọng ở các doanh nghiệp này.
Về triển khai chiến lược:
Khi được hỏi về loại hình chiến lược đang theo đuổi, chỉ có 8/15 doanh nghiệp trả lời chính xác chiến lược của họ là chiến lược cạnh tranh chi phí thấp,
chiến lược hội nhập dọc, chiến lược khác biệt hoá,… Còn lại các doanh nghiệp đều nhầm lẫn giữa chiến lược và mục tiêu mà họ đặt ra như trở thành nhà phân phối lớn, mở rộng thị trường, đạt doanh số cao,… Như vậy, thực tế là hầu hết các chủ doanh nghiệp vẫn còn rất mù mờ trong việc thiết lập chiến lược kinh doanh.
Về khả năng tài chính trong việc hoạch định và triển khai chiến lược, không có một doanh nghiệp nào trong số này tự tin hoàn toàn vào khả năng tài chính của mình. Điểm số mà họ đánh giá cho yếu tố tài chính là 3-4/5 điểm. Như vậy, vốn vẫn đã và đang là một vấn đề khá nan giải đối với DNNVV Việt Nam, và rõ ràng là nó có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý chiến lược.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức cũng là một yếu tố có ảnh hưởng lớn tới chiến lược và công tác quản lý chiến lược của doanh nghiệp. 12/15 doanh nghiệp tự tin rằng cơ cấu tổ chức hiện hành là phù hợp với các hoạt động của họ. Và điều đáng mừng là khi được hỏi về sự sẵn sàng chấp nhận những thay đổi đối với tổ chức thì có đến 13/15 trong số họ trả lời là luôn sẵn sàng. Điều đó thể hiện rõ rệt tính linh hoạt - một ưu điểm nổi bật của DNNVV.
Về nguồn nhân lực, 10/15 doanh nghiệp cho mức điểm tuyệt đối cho năng lực quản lý và thực hiện chiến lược của ban giám đốc, nhưng khả năng tự lập kế hoạch và phấn đấu thực hiện chiến lược của các cá nhân thì chưa được đánh giá cao.
Về đánh giá chiến lược:
100% số doanh nghiệp được điều tra trả lời rằng họ có thiết lập các chỉ số then chốt để theo dõi và đánh giá quá trình triển khai chiến lược, tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào dám tự tin cho điểm số cao nhất cho hiệu quả hoạt động đối với các chiến lược hiện tại của họ.
Về các điều chỉnh cần thiết đối với các sai sót trong quá trình triển khai chiến lược, 5/15 doanh nghiệp hoàn toàn tự tin ở sự nhanh nhạy và mức độ thành công trong công tác điều chỉnh của mình. Số còn lại đánh giá tiêu chí này ở mức độ trung bình (3-4/5 điểm).
Dựa trên kết quả khảo sát trên cùng với thực tế hiện nay của DNNVV Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy rằng thực trạng về quản lý chiến lược ở các doanh nghiệp này vẫn còn rất đáng lo ngại.
Việc này trước hết là hệ quả của những nguyên nhân xuất phát từ chính các chủ doanh nghiệp. Cuộc khảo sát quy mô được thực hiện bởi Cục phát triển DNVVN ( Bộ Kế hoạch và đầu tư ) cho thấy một kết quả đáng lo ngại rằng các chủ doanh nghiệp được ví như "các đấu sĩ trên vũ đài thương trường", nhưng trình độ học vấn thì chỉ có 54,5% trong tổng số 33.487 doanh nghiệp trả lời phiếu điều tra có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Có nghĩa là 45,5% số chủ doanh nghiệp còn lại có trình độ bậc trung học phổ thông và chưa qua đào tạo đại học. Số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ càng "đếm trên đầu ngón tay" với 3,7%. Tuy nhiên, số có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên, cũng chỉ khoảng trên dưới 30% được đào tạo về quản trị kinh doanh và có kiến thức kinh tế. 70% số chủ DN còn lại chưa được đào tạo. Đáng ngại nhất là các chủ DN tư nhân, chiếm đến 75,4% số chủ DN có trình độ học vấn dưới cấp 3; còn với công ty TNHH thì tỉ lệ này là 38%.