Sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Thực trạng Quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.docx (Trang 31 - 33)

Có thể nói, sử dụng nguồn nhân lực là hoạt động tiếp theo của quá trình tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực. Việc tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sử dụng nguồn nhân lực, nếu như nguồn nhân lực được đào tạo tốt, nắm vững kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ thì việc sử dụng nguồn nhân lực sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại.

Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển, vai trò của con người cũng như việc sử dụng con người ngày càng được đề cao. Người ta không chỉ chú ý đến vai trò truyền thống của nguồn nhân lực mà còn quan tâm đến những ảnh hưởng của nguồn nhân lực đối với các yếu tố then chốt khác của tổ chức. Mac Millan và Schuller cho rằng: "Tập trung vào các nguồn nhân lực của hãng sẽ tạo được cơ hội quan trọng để đảm bảo chiến thắng đối thủ cạnh tranh". Việc sử dụng tốt nhất các nguồn lực như là một vũ khí quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của tổ chức là một xu hướng mới trong quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, do công tác tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất hợp lý nên việc sử dụng nguồn nhân lực cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Đó là sự bất hợp lý trong việc sử dụng lao động đã qua đào tạo, trước hết là lực lượng lao động quản lý. Do cơ chế cũ để lại, hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước hầu hết đã lớn tuổi và được đào tạo từ trước thời kỳ đổi mới, do đó trình độ cũng như kinh nghiệm quản lý của họ không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Mặt khác, trong việc sử dụng cán bộ hiện nay ở nhiều doanh nghiệp còn có hiện tượng "xin cho", tức là ham dùng người quen, người giỏi nịnh hót, hợp với mình để tạo phe cánh, ăn dơ với nhau. Còn đối với người thẳng thắn, chính trực, có tài… thì ghét bỏ, trù dập, tìm mọi khuyết điểm để phê phán, xử lý thiếu công bằng, gây mất đoàn kết nội bọ, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người lao động, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn doanh nghiệp.

Sử dụng nguồn nhân lực là một công việc khó, mỗi người đều có những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau, nếu biết bố trí đúng thời, đúng việc thì sẽ phát huy được mặt mạnh, khai thác tốt tiềm năng của họ. Để làm được điều này, các nhà quản lý phải đánh giá được khả năng của mỗi nhân viên, đồng thời phải là người sáng suốt, trí công vô tư để có thể bố trí cán bộ một cách hợp lý.

Một phần của tài liệu Thực trạng Quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.docx (Trang 31 - 33)