Nguyên lý miễn dịch căn bản nhất trong thuật toán AIRS là sự hiện diện của tế bào B. Hệ miễn dịch tự nhiên chứa một số lượng lớn tế bào B nhằm tạo những cơ chế phản ứng miễn dịch thích hợp. Nó được hình thành thông qua một quá trình bao gồm nhận dạng, kích thích và tăng sinh (lựa chọn dòng). Tế bào B có thể chống lại sự xâm lấn của các tế bào lạ phụ thuộc vào khả năng kết buộc giữa các điểm gắn kết của kháng thể với những quyết định kháng nguyên của tế bào xâm lấn. Sau đó sự
tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể này đưa ra khả năng nhận dạng của tế bào B. Như vậy, tế bào B đóng một vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên. Dựa trên sự kết buộc giữa kháng nguyên và kháng thể, tế bào B bị kích thích. Sau khi bị kích thích, tế bào B trải qua một quá trình dòng hóa và chuyển hóa để nhanh chóng sản xuất các con của chúng. Con của chúng sau đó sẽ tấn công và tiêu diệt các vật thể lạ. Vì vậy, có một mối quan hệ gần gũi giữa sự nhận dạng và cơ chế đáp ứng trong hệ miễn dịch.
Trong các hệ miễn dịch nhân tạo dùng cho nhận dạng mẫu, tế bào B là thành phần căn bản của máy học. Cụ thể hơn, cơ chế nhận dạng nguyên thủy xây dựng trên sự kết buộc kháng thể - kháng nguyên. Có rất nhiều phương pháp tính độ kết buộc này, trong đó, khoảng cách Euclidean giữa vectơ đặc trưng của tế bào B bị kích thích và vectơ đặc trưng của bộ dữ liệu huấn luyện thường dùng để xác định khả năng gắn kết giữa kháng thể của tế bào và kháng nguyên của sinh vật xâm lấn. Ngoài ra, khoảng cách Hamming cũng được dùng để tính khoảng cách cho độ tương đồng này. Tất cả các cách tiếp cận đều cố gắng để cung cấp một cơ chế có thể tính toán được nhằm kích thích sự tương tác giữa cách biểu diễn dữ liệu đang tồn tại trong hệ thống (xem như kháng thể) và những bộ dữ liệu huấn luyện (xem như kháng nguyên). Tất cả các hệ thống miễn dịch nhân tạo dùng nguyên lý kích thích tế bào B để tạo thêm các cơ chế học thích nghi.