Thị trường hoán đổi được hình thành vào năm 1998 cùng với sự ra đời của thị trường kỳ hạn, nhưng giao dịch hoán đổi chỉ được thực hiện giữa Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại hoặc trên thị trường liên ngân hàng nhằm bù đắp sự thiếu hụt vốn VND tạm thời của các Ngân hàng thương mại. Doanh số giao dịch
hoán đổi tại VCB-HCM đã tăng lên đáng kể từ năm 1998, chứng tỏ loại giao dịch này cũng rất cần thiết đối với các ngân hàng. Đặc biệt trong năm 2001, tại VCB-HCM xảy ra tình trạng thiếu vốn VND trong khi đó lại dư thừa ngoại tệ, chính trong thời điểm đó, VCB-HCM đã thực hiện giao dịch hoán đổi với Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu vốn VND được giải quyết một cách kịp thời. Doanh số giao dịch các năm qua tuy có tăng nhưng vẫn còn rất nhỏ so với doanh số giao ngay và tổng doang số giao dịch (bảng 2.5).
Bảng 2.5 – Doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ tại VCB-HCM
Đơn vị tính: triệu USD
Năm Doanh số swap
Tỷ lệ tăng (%) (%) swap / giao ngay (%) swap / tổng doanh số 1998 152,55 11,00 8,96 1999 212,14 39,06 12,30 10,04 2000 293,59 38,39 11,90 9,95 2001 324,80 10,63 13,10 10,77 2002 373,70 15,06 14,00 11,40 2003 372,10 -0,43 12,50 10,25 2004 330,11 -11,29 9,87 8,10 2005 392,71 18,96 8,88 7,31 2006 459,25 16,94 7,79 6,51 2007 542,81 18,19 6,88 5,85 (Nguồn: Báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo Quyết định 1452/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì đối tượng khách hàng được phép giao dịch hoán đổi với các ngân hàng thương mại là các tổ chức kinh tế, các tổ chức khác và cá nhân không được sử dụng loại hình giao dịch này. Trong thực tế, VCB-HCM chỉ thực hiện giao dịch hoán đổi với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng nước ngoài, khách hàng là các tổ chức kinh tế hầu như không sử dụng giao dịch này. Đối với Ngân hàng Nhà nước, VCB-HCM chỉ thực hiện giao dịch hoán đổi khi thiếu vốn VND trong khi có thừa ngoại tệ. Tình trạng này xảy ra vào năm 2001, nhưng các năm sau đó cung VND đã bình ổn nên các năm gần đây
giao dịch hoán đổi giữa VCB-HCM và Ngân hàng Nhà nước cũng thưa dần. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng nghiệp vụ hoán đổi vì Ngân hàng Nhà nước e ngại các ngân hàng thương mại lợi dụng nghiệp vụ hoán đổi để đem tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bán cho Ngân hàng Nhà nước để lấy VND, sau đó dùng số VND này mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng để đầu cơ. Ngoài ra, khi xảy ra tình trạng thừa một loại ngoại tệ trong khi thiếu một loại ngoại tệ khác, lúc đó VCB-HCM sẽ liên hệ với ngân hàng nước ngoài và đề nghị thực hiện giao dịch hoán đổi. Ví dụ, hiện tại VCB-HCM thiếu EUR nhưng lại thừa USD trong thời gian 1 tháng, VCB-HCM sẽ liên hệ với ngân hàng nước ngoài đề nghị mua giao ngay và bán kỳ hạn EUR kỳ hạn 1 tháng thanh toán bằng USD. Lúc đó, tỷ giá hoán đổi sẽ do ngân hàng nước ngoài quy định. Các loại ngoại tệ mạnh thường được sử dụng trong giao dịch hoán đổi giữa VCB-HCM và ngân hàng nước ngoài là: USD, EUR, GBP, JPY... Như vậy, đối tượng khách hàng được phép sử dụng loại giao dịch này đã bị hạn chế, lại không được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sử dụng nên thị trường hoán đổi vẫn chưa có những bước phát triển đáng kể.