thiện
5.1.1. Kết luận thu được từ quá trình phân tích và tính toán
Thông qua nghiên cứu mô hình xây dựng trong chương 3, chúng ta thấy rằng Optimistic Unchoking có khả năng dẫn đến sự mất công bằng trong mạng và hiện tượng free-riding. Đẳng thức (3) cho thấy rằng free-rider có thể nhận được một phần tài nguyên cung cấp bởi non free-rider thông qua Optimistic Unchoking.
Tuy nhiên, kết quả thu được từ định lý 1 đã cho thấy rằng, phần tài nguyên hệ thống mà free-rider có thể thu được thông qua Optimistic Unchoking là không đáng kể, khi số lượng free-rider trong mạng tăng lên (tương ứng với sự tăng lên của α), thì thời gian download trung bình của free-rider cũng tăng lên đáng kể trong khi thời gian download trung bình của non free-rider không thay đổi nhiều.
Mặt khác, từ kết quả thu được của định lý 2, chúng ta thấy rằng, khi số lượng seed trong hệ thống tăng lên thì thời gian download trung bình của free rider lại giảm đi, và khi số lượng seed trong hệ thống đạt đến một giá trị nhất định thì thời gian download trung bình của free-rider và non free-rider trở nên tương đương với nhau.
Như vậy, ta có thể thấy rằng, trong hệ thống chia sẻ file BitTorrent, free-rider chủ yếu nhận được nguồn tài nguyên từ seed.
5.1.2. Đề xuất phương án cải thiện
Ở trên chúng ta đã thấy được rằng, free-rider chủ yếu nhận được nguồn tài nguyên trong hệ thống nhờ có seed. Nguyên nhân của hiện tượng này là do trong cơ chế hiện tại của BitTorrent, seed là nút tự nguyện upload dữ liệu vào mạng, và nó sẽ upload dữ liệu cho một số lượng giới hạn các nút liên kết với nó có tốc độ download về từ nó nhanh nhất mà không phân biệt nút đó là free-rider hay non free-rider. Điều đó gây nên sự mất công bằng đối với các nút non free-rider.
Trong khóa luận này, tôi xin đề xuất một thay đổi nhỏ trong cơ chế hiện tại của BitTorrent đối với seed. Đó là, khi chọn lựa nút hàng xóm để upload dữ liệu, seed sẽ xem xét đến sự đóng góp của nút đó trong mạng, với một quy tắc đơn giản là thay vì upload đến một số lượng giới hạn nút có tốc độ download từ nó là nhanh nhất thì nó sẽ upload dữ liệu cho một số lượng giới hạn các nút có tổng tốc độ upload vào hệ thống nhanh nhất, và từ chối upload cho nút có tổng tốc độ upload vào mạng bằng 0.
Từ thay đổi nhỏ trên, chúng ta sẽ thấy rằng, trong hệ thống mới, seed sẽ ưu tiên hơn đối với các nút có đóng góp nhiều trong mạng, nút nào có tốc độ upload càng cao thì sẽ có cơ hội được phục vụ trước, như vậy sẽ cải thiện hơn tính công bằng trong mạng. Quy tắc thứ 2, không mở kết nối upload cho nút có tốc độ download bằng 0 nhằm loại bỏ cơ hội download từ seed của free-rider. Tuy nhiên, chúng ta lại thấy rằng, free- rider vẫn có thể nhận được một phần tài nguyên trong hệ thống do seed cũng vẫn áp dụng Optimistic Unchoking.
Do hạn chế về thời gian và trình độ, tôi chưa có điều kiện kiểm chứng và đánh giá hiệu quả của phương án thay đổi đã đề xuất ở trên thông qua mô hình các tham số, tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả sau khi thay đổi cơ chế đối với seed trong hệ thống BitTorrent ở chương sau, khi tiến hành thử nghiệm trên mô phỏng.