a. Biện pháp phòng chống cháy nổ
Các biện pháp chính bao gồm :
– Đảm bảo mặt bằng sản xuất phù hợp với yêu cầu phòng cháy chữa cháy, cụ thể như sau:
+ Đường nội bộ trong khu vực tỏa đến được tất cả các vị trí trong nhà xưởng, đảm bảo tia nước phun từ vòi rồng của xe cứu hỏa có thể khống chế được bất kỳ lửa phát sinh ở vị trí nào trong xưởng sản xuất.
+ Bể chứa nước cứu hỏa luôn luôn đầy nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa dẫn đến các họng lấy nước cứu hỏa luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng làm việc. Lượng nước trung bình cung cấp liên tục 15 l/s trong 1 giờ.
– Các đối tượng dễ cháy như kho nguyên liệu, thành phẩm và kho chứa chất thải nguy hại được lắp hệ thống thông gió và đảm bảo một không gian cách ly an toàn.
– Sắp xếp bố trí các máy móc thiết bị hợp lý, gọn và có khoảng cách an toàn cho công nhân làm việc khi có cháy nổ xảy ra.
– Thiết lập các hệ thống báo cháy, trang bị các phương tiện và thiết bị chữa cháy hiệu quả bao gồm bình CO2, vật dập lửa và các vật liệu khác như cát, và mặt nạ chống khí độc, đặt tại những vị trí thích hợp nhất để tiện việc sử dụng và thường xuyên tiến hành kiểm tra khả năng hoạt động tốt của các công cụ này.
– Đảm bảo các thiết bị máy móc không để rò rỉ dầu mỡ.
– Các máy móc, thiết bị có lý lịch kèm theo và được đo đạc, theo dõi thường xuyên các thông số kỹ thuật;
– Giảm tới mức thấp nhất lượng chất dễ cháy nổ trong khu vực sản xuất.
– Huấn luyện cho toàn thể cán bộ công nhân viên các biện pháp phòng cháy chữa cháy
– Công nhân vận hành được huấn luyện và thực hành thao tác đúng cách khi có sự cố và luôn luôn có mặt tại vị trí của mình, thao tác và kiểm tra, vận hành đúng kỹ thuật
– Tổ chức học tập nghiệp vụ rộng khắp: tất cả các phân xưởng đều có tổ nhân viên kiêm nhiệm công tác phòng cháy chữa cháy. Các nhân viên này được tuyển chọn trong số công nhân của phân xưởng và được huấn luyện, thường xuyên kiểm tra.
– Cấm tuyệt đối hút thuốc tại khu vực sản xuất và các nhà kho.