Kiện toàn cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giảng viên tự đào tạo

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên của trường đại học tiền giang.doc (Trang 26 - 28)

Những phân tích ở chương 2 đã cho thấy cơ chế khuyến khích tự đào tạo của trường hiện nay còn rất yếu. Nhà trường gần như không tác động gì đến hoạt động tự đào tạo của giảng viên, dẫn đến tình trạng nhiều khi giảng viên tự đào tạo nhưng lại không phù hợp với chiến lược phát triển của trường.

Việc sử dụng các phương pháp đào tạo - phát triển trong việc tự đào tạo khá đồng đều, mang tính kết hợp cao. Điều này cho thấy giảng viên đã nhìn thấy hiệu quả của sự kết hợp các phương pháp trong đào tạo.

Với những ưu thế của tự đào tạo, theo nhóm, nhà trường cần tập trung trong việc kiện toàn cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giảng viên tự đào tạo. Đồng thời, đây cũng là phương pháp để nhà trường can thiệp vào việc tự đào tạo của giảng viên, điều chỉnh nó cho hợp với hướng phát triển của nhà trường.

Những hỗ trợ mong muốn của giảng viên theo kết quả điều tra thì chủ yếu là thời gian, kinh phí và thủ tục.

- Về mặt thời gian, nhà trường cần có những chính sách để giảm thiểu hiện tượng “hành chính hoá giảng viên”, đặc biệt là giảng viên trẻ. Việc trực ở khoa của các giảng viên bình thường (không kiêm nhiệm quản lý) chỉ nên tiến hành trong 1- 3 tháng khi bắt đầu vào làm việc để quen với công việc. Không nên kéo dài việc trực trong nhiều năm cũng như không nên để các giảng viên phải trực quá nhiều buổi trong 1 tuần. Đặc biệt, cần tránh tình trạng giảng viên đến trực không có việc gì làm ngoài pha nước, tiếp sinh viên…Mặt khác, những công việc nhập điểm, làm phách, ghép phách là thuộc bộ phận văn phòng, do chuyên viên thực hiện, không phải nhiệm vụ của giảng viên. Khoa nào cũng có biên chế chuyên viên nên cần phân rõ nhiệm vụ, không để giảng viên phải cáng đáng việc này. Việc đi coi thi cần được phân bố hợp lý giữa các giảng viên, không nên để tình trạng giảng viên trẻ không được lên lớp nhưng lại liên tục đi coi thi. Khi giảng viên đi học, đơn vị và nhà trường nên có những ưu tiên trong việc sắp xếp công tác cho giảng viên đó để họ có thể vừa giảng dạy vừa học tập.

- Về mặt kinh phí, đây là sự động viên rất lớn đối với những người tự đào tạo. Theo tác giả, kinh phí nhà trường cấp nên gắn với kết quả học tập của giảng viên, có như vậy mới tăng tính kích thích. Chẳng hạn, nhà trường có thể quy định rõ tỷ lệ thanh toán học phí phụ thuộc kết quả học tập, mức thưởng cho giảng viên hoàn thành việc đào tạo trước hạn, chế độ phạt với những giảng viên quá hạn đăng ký mà không hoàn thành việc học tập…

- Về mặt thủ tục, hiện nay nhà trường nhìn chung đã làm tương tốt, không những tinh giảm gọn nhẹ những giấy tờ cần phải có mà việc phê duyệt các thủ tục đi học cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thủ tục xin cấp kinh phí hỗ trợ đi học còn khá phức tạp. Để tăng ý nghĩa khuyến khích tự đào tạo thì thủ tục xin cấp kinh phí cũng cần được đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho người xin kinh phí, tránh tình trạng giảng viên thấy việc xin hỗ trợ phức tạp quá mà không làm nữa. Như vậy, nhà trường sẽ không thể kiểm soát được hoạt động tự đào tạo của giảng viên.

Tóm lại, cơ chế khuyến khích giảng viên tự đào tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa góp phần giảm thiểu gánh nặng đào tạo của nhà trường vừa tăng hiệu quả đào tạo của cá nhân giảng viên.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên của trường đại học tiền giang.doc (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(30 trang)
w