Mối liên hệ giữa Chaebol và chính phủ

Một phần của tài liệu Mô hình tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc và bài học về chính sách phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 31 - 32)

Những công ty được thành lập ở Hàn Quốc vào cuối những năm 40 đầu những năm 50, có mối liên hệ khá chặt chẽ với Chính phủ của tổng thống Ree Syung Man (nhiệm kì 1948-1960). Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp này lại nhận được những ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ.

Sau khi quân đội giành được chính quyền vào năm 1961, tổng thống Park Chung Hee đã tuyên bố sẽ xóa bỏ hoàn toàn nạn tham nhũng và bất công xã hội còn tồn tại từ thời tổng thống Ree. Một vài nhà tư bản công nghiệp đã bị bắt và bị buộc tội tham nhũng. Nhưng sau đó các lãnh đạo của chính quyền mới lại nhận ra rằng họ không thể thực hiện mục tiêu cải cách kinh tế của mình nếu không có sự giúp đỡ của các Chaebol. Một thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và Chaebol đã được ký kết nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng trước mắt là cải cách nền kinh tế đất nước.

Sự hợp tác giữa Chính phủ và Chaebol kéo theo nó là sự phát triển đáng kinh ngạc của nền kinh tế bắt đầu từ đầu những năm 60. Khởi đầu là sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp nhẹ, tiếp đến là công nghiệp nặng, hóa chất, công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu. Các nhà chính trị và các nhà lập kế hoạch của Chính phủ rất tin tưởng vào kế hoạch hợp tác với các Chaebol. Mối quan hệ hợp tác này thể hiện ở Chỗ chính phủ đưa ra các kế hoạc chi tiết để phát triển công nghiệp, các Chaebol thực hiện các kế hoạch đó. Park coi Chaebol là đầu tàu của nền kinh tế, khuyến khích sản xuất để xuất khẩu (điều này ngược với chính sách chỉ nhập khẩu của tổng thống Ree), quy định về hạn ngạch cũng được thiết lập.

Các Chaebol được Chính phủ cho phép hưởng một loại trợ cấp và đặc quyền, bao gồm việc hạn chế các công ty đa quốc gia tham gia thị trường, hỗ trợ chiến lược tạo vốn và các hoạt động phát triển công nghệ hướng vào xuất khẩu.Bên cạnh đó được bảo hộ về thị trường để làm chủ các công nghệ phức tạp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và buộc họ phải đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu của mình để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các Chaebol có thể phát triển mạnh là do hai nhân tố chủ yếu là: nguồn vốn vay từ nước ngoài và những ưu đãi đặc biệt từ phía Chính phủ. Bên cạnh đó tiếp nhận các nguồn công nghệ hiện đại từ nước ngoài cũng là nhân tố then chốt dẫn đến thành công (Hàn Quốc đã mua lại những công nghệ và bằng sáng chế từ nước ngoài để sản xuất nhưng lại bán sản phẩm với giá thành rẻ hơn các nước trên thế giới). Với chủ trương “vốn đi đầu” Chính phủ đã lựa chọn một số các công ty và đứng ra đảm bảo để các công ty đó có thể được tiếp nhận nguồn vốn vay từ nước ngoài, thêm vào đó là nguồn vốn huy động được từ các ngân hàng trong nước.

Mối quan hệ giữa Chaebol và Chính phủ thu được nhiều thành công và thực hiện được mục tiêu kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên các quyết định của Chính phủ đưa ra không được sự tham gia của giới kinh doang cộng thêm với sự can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các Chaebol đã dẫn tới việc lệ thuộc quá nhiều của Chaebol vào Chính phủ. Chính vì thế để có thể tự chủ và tăng sức đề kháng trước những biến động bất thường của môi trường kinh doanh, các Chaebol đã có nhiều hoạt động để giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào Chính phủ.

Một phần của tài liệu Mô hình tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc và bài học về chính sách phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 31 - 32)