Đối với đồng vị 60Co, tỷ số đỉnh-Compton được định nghĩa là tỷ số giữa số đếm tại năng lượng 1332,5 keV và trung bình số đếm vùng Compton của năng lượng 1332,5 keV (trong khoảng từ 1040 keV đến 1096 keV) [11]. Tỷ số này tăng theo kích thước đầu dò (do nhiều tán xạ Compton được hấp thụ và đóng góp vào đỉnh năng lượng toàn phần) và chất lượng của độ phân giải năng lượng (độ phân giải càng tốt thì đỉnh phổ sẽ hẹp và cao hơn).
CHƯƠNG 2
MÔ HÌNH HÓA HỆ PHỔ KẾ GAMMA GMX35P4-70 BẰNG MCNP5
Trong chương này việc mô hình hóa hệ phổ kế gamma dùng đầu dò HPGe số hiệu GMX35P4-70 bằng chương trình MCNP5 được trình bày. Để thực hiện điều này cần tìm hiểu chi tiết cấu hình của hệ đo, vật liệu tương ứng, các thông số về mật độ, thành phần hóa học, nồng độ từng nguyên tố tham gia trong chất cấu thành vật liệu tương ứng, các đặc trưng của nguồn phóng xạ, loại phân bố năng lượng, xác suất phát hạt, loại hạt gây tương tác trên đầu dò, kiến thức về quá trình tương tác của các hạt quan tâm, các ảnh hưởng liên quan, loại đánh giá cần xác định… Các hiểu biết đầy đủ và chính xác về loại bài toán cần xác định như thế giúp người sử dụng xây dựng được tệp đầu vào thành công. Để làm được điều đó phép thử trên mô hình xây dựng được áp dụng liên tục. Cứ mỗi một thay đổi nhỏ của bài toán cần đánh giá luôn có sự thử nghiệm kiểm tra độ tin cậy tương ứng. Chính vì vậy trong phần áp dụng mô hình ở chương III, ở mỗi bước đi của bài toán đều có kiểm tra kết quả đạt được của mô hình với kết quả thực nghiệm, hoặc kết quả có được từ các phương pháp khác để kiểm chứng. Dưới đây trình bày tổng quát và tuần tự các bước thực hiện mô hình hóa hệ phổ kế.