Dạy học không còn là quá trình truyền thụ kiến thức đơn thuần. Dạy học ngày nay đòi hỏi không những cung cấp cho người học những kiến thức cần thiết mà còn xây dựng cho người học các kỹ năng tư duy bậc cao, kỹ năng tự học, kỹ năng độc lập nghiên cứu và cả kỹ năng phối hợp làm việc theo nhóm. Từ đó, định hướng dạy học là hướng đến tích cực hóa hoạt động của HS, tạo cơ hội học tập công bằng cho HS, phát huy khả năng tiềm tàng của người học, giúp họ tự lực xây dựng các kiến thức và phẩm chất cần thiết cho tương lai. DHDA là một mô hình dạy học thể hiện rõ các quan điểm này.
DHDA là mô hình dạy học phức hợp, trong đó người học được lôi cuốn tham gia một cách tích cực vào tìm hiểu một vấn đề hấp dẫn, vừa liên quan đến kiến thức cần học vừa liên quan đến thực tiễn. Các dự án với những nhiệm vụ đa dạng tạo nhiều cơ hội học tập hơn cho HS. Các vấn đề của DHDA thường mang tính thách thức và mới mẻ, không thể giải quyết chỉ nhờ kiến thức học thuộc lòng trong sách giáo khoa. DHDA đặt người học vào các vai trò tích cực, vừa là người đề xuất vấn đề, người giải quyết vấn đề và người đánh giá. Các dự án học tập luôn hướng đến các mục tiêu giáo dục cao hơn chứ không phải là mô hình hoạt động ngoại khóa.
Căn cứ vào mục đích nghiên cứu, chúng tôi đã thu được một số kết quả sau:
- Tìm hiểu cơ sở lý luận của mô hình DHDA nhằm phát huy tính tích cực, tự lực và kỹ năng làm việc theo nhóm của HS trong dạy học Vật lý.
- Nghiên cứu cấu trúc, nội dung, mục đích và nhiệm vụ dạy học của chương “ Các định luật bảo toàn” Vật lý 10 THPT. Qua đó đánh giá thực trạng dạy và học chương này.
- Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về mô hình DHDA và thực tiễn dạy học, chúng tôi xây dựng tiến trình dạy học chương “Các định luật bảo toàn” thông qua một dự án học tập, thiết kế ý tưởng và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.
- Tiến hành xin phép nhà trường, lựa chọn đối tượng và tiến hành thực nghiệm với hồ sơ đã soạn sẵn. Ghi chép tiến trình và các kết quả đạt được, từ đó xử lý kết quả bằng các thống kê toán học nhằm so sánh, đánh giá hiệu quả của mô hình DHDA áp dụng vào phần kiến thức đã chọn.
Trên cơ sở kết quả thu được chúng tôi có một số nhận xét sau:
- Áp dụng mô hình dạy học dự án vào dạy học Vật lý ở trường THPT là một hướng đi đúng, phù hợp với định hướng lấy HS làm trung tâm và cá thể hóa người học.
- DHDA đã giúp quá trình dạy học đạt được các mục tiêu quan trọng và đặc thù như phát huy tính tích cực, tự lực của HS; rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy sáng tạo và tăng cường kỹ năng hoạt động nhóm.
30 - Bên cạnh những thuận lợi, DHDA khi triển khai thực tế gặp một số khó khăn, nhưng khó khăn nhất vẫn là ở yếu tố người học và người dạy. Khi đã quyết định áp dụng mô hình DHDA, người GV cần xác định phải đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản, người học cần có sự chuẩn bị và tham gia một cách tích cực.
- Để có thể triển khai rộng rãi mô hình DHDA ở trường THPT, cần sự tác động từ nhiều phía, từ nhà quản lý giáo dục, xã hội đến người GV và HS. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm đổi mới và hướng đến các mục tiêu dạy học cao hơn của người GV.
Trong khuôn khổ giới hạn của đề tài, chúng tôi mới chỉ triển khai thực nghiệm được ở một lớp của một trường THPT, do đó không tránh khỏi khiếm khuyết. Trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của nhà trường và đồng nghiệp, chúng tôi sẽ triển khai ở nhiều khối lớp, nhiều trường với nhiều đối tượng khác nhau. Với hướng đi đó, chúng tôi tin tưởng đề tài sẽ đóng góp phần nào vào việc đổi mới phương pháp dạy và học Vật lý ở trường THPT.
31