(a) Kiểm tra trước khi tháo: Khi sửa xe, không bao giờ tháo rời ngay lập tức. Đầu tiên, kiểm tra xe kỹ lưỡng, xác định bản chất của hư hỏng và xem liệu việc đại tu có thực sự cần thiết hay không. Nếu cần đại tu phanh, chỉ bắt đầu việc đại tu sau khi đã kiểm tra toàn bộ xe. Kiểm tra trước khi đại tu sẽ giúp ta quyết định công việc sửa chữa nào là thực sự cần thiết.
(b) Kiểm tra trong qua trình tháo: Bất cứ khi nào tháo chi tiết đều phải kiểm tra nó kỹ lưỡng. Kiểm tra xem chi tiết được lắp ban đầu như thế nào, nó có bị mòn, hỏng… Việc này rất quan trọng bởi vì có một vài hư hỏng gây ra bởi sự hư hỏng của bản thân chi tiết, một số khác do cách lắp hay do điều chỉnh không đúng.
(c) Giữ các chi tiết đã tháo theo đúng thứ tự: Một vài chi tiết sau khi tháo có thể giữ riêng để dùng lại. Tuy nhiên các joăng, đệm và các chi tiết tương tự phải được thay mới sau mỗi lần tháo chúng. Các chi tiết sẽ dùng lại phải để ở các khay riêng để chúng có thể được lắp lại đúng vào vị trí và hướng ban đầu. Khay đựng chi tiết không được dính dầu động cơ và các chất bẩn vì các chất này sẽ ảnh hưởng không tốt đến các cupben và các chi tiết cao su khác. Hơn nữa, không để dầu và mỡ dính vào mặt trong của má phanh và các bề mặt masát của đĩa phanh.
(d) Rửa và lau sạch các chi tiết tháo: Sau khi tháo rời các chi tiết thường dính bụi, cát, mỡ… phải làm sạch các tạp chất này ra khỏi chi tiết bằng cách lau, rửa hay thổi khí nén. Nếu các chi tiết được lắp lại mà không làm sạch, những tạp chất này sẽ gây khó khăn cho việc nhận dạng các hư hỏng. Hơn nữa nó có thể gây ra các hư hỏng mới sau khi chi tiết được lắp lại.
(e) Lắp lại các chi tiết: Các chi tiết phải được lắp lại chính xác theo đúng các bước quy định, phải sử dụng đúng các dụng cụ theo chỉ dẫn.
(f) Điều chỉnh sau khi lắp: Kiểm tra rằng các chi tiết được lắp đúng, sau đó điều chỉnh (nếu cần) để đạt đến giá trị tiêu chuẩn, dùng đúng dụng cụ đo và thiết bị kiểm tra. Cuối cùng, kiểm tra xem các chi tiết hoạt động có bình thường không.