CÀNG LONG, TỈNH TRÀ VINH

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHẰM KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC (Trang 25 - 28)

2.1.1.Tình hình tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

Càng Long là một trong 8 huyện thị của tỉnh Trà Vinh, vị trí nằm ở phía Bắc-Tây Bắc của tỉnh, ở tả ngạn sông Cổ Chiên, một nhánh đỗ ra biển của sông Cửu Long ( Mê Kông)

Phía Tây Bắc của Huyện Càng Long giáp huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; Đông Bắc giáp huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; Đông Nam giáp thị xã Trà vinh; Nam giáp huyện Tiểu Cần; Tây Nam giáp huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Trà Vinh.

Huyện lỵ Càng Long nằm trên Quốc lộ 53 ( trước là liên tỉnh lộ 7) giữa 2 thị xã Vĩnh Long (ở Tây Bắc) và thị xã Trà Vinh ( ở Đông Nam), cách thị xã Trà vinh 21 km.

Quốc lộ 53 chia huyện thành 2 vùng đất khác nhau: Cánh A ở phía Nam - Tây Nam là vùng giồng cát gò cao, giao thông đi lại thuận tiện; cánh B ở phía Bắc - Đông Bắc, đất thấp dần về phía sông Cổ Chiên, sông rạch chằn chịt, giao thông đi lại khó khăn.

Các kênh, rạch quan trọng hầu hết thuộc hệ thống đổ ra sông Cổ Chiên: Kênh Mây Tức, kênh Càng Long, rạch Cái Hóp, rạch Dừa Đỏ, kênh Suối Cạn, kênh Trà Ếch, kênh 19 tháng 5, rạch Bàng Tăng, rạch Láng Thé, rạch Ba Si. Các kênh rạch của Càng Long lại nối liền với các kênh rạch: Ngã Hậu, Tổng Tồn, Trà Ốp, Cần Chông thuộc hệ thống đổ ra sông Hậu nên mạng lưới giao thông thủy khá thuận lợi, nhưng lại gây khó khăn cho giao thông đường bộ.

Mạng lưới giao thông đường bộ có: Quốc lộ 53 chạy xuyên giữa từ Tây sang Đông, đoạn trên địa bàn huyện dài 16 km qua nhiều cây cầu: Mây Tức, Mỹ Huê, Cây cách, Láng Thé, Ba si. Quốc lộ 60 (trước là liên tỉnh lộ 6) từ Bến Tre qua Trà Vinh, Sóc Trăng đi qua huyện từ bến phà Đức Mỹ- Đại Phước qua Nhị Long- Bình Phú- Huyền Hội. Tỉnh lộ 911 từ Bình Phú qua Huyền Hội, Tân An, lộ số 2 chạy từ Càng Long qua An Trường, Tân Bình, Tân An, hương lộ 4 và hương lộ 7….

Dân số càng Long là 165509 người với 34115 hộ, có 85% hộ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Dân số Khmer có 8500 người chiếm tỷ lệ 5,14% dân số toàn huyện, sống tập trung ở 8 ấp thuộc 3 xã: Bình Phú, Phương Thạnh và Huyền Hội.

Trải qua các cuộc chiến tranh, toàn huyện có 4773 liệt sĩ, 2892 thương binh, 239 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân và 2 Anh hùng lao động.

Huyện Càng Long có 13 xã, 1 thị trấn gồm 135 ấp, khóm. Các xã cánh A nằm ở phía Nam quốc lộ 53: Mỹ Cẩm, An Trường, An Trường A, Tân Bình, Tân An, Huyền Hội. Các xã cánh B ở phía Bắc quốc lộ 53: Đức Mỹ, Nhị Long, Nhị long Phú, Đại Phước, Đại Phúc. Hai xã Phương Thạnh, Bình Phú và Thị Trấn Càng Long ở cả 2 cánh A và B.

Trước năm 1998 huyện Càng Long có 09 xã: xã Mỹ Cẩm và Thị Trấn Càng Long là Xã Mỹ Cẩm chia làm hai, An Trường và An Trường A vốn là xã An Trường, Tân An và Tân Bình vốn là xã Tân An, Nhị Long và Nhị Long Phú vốn là xã Nhị Long, Đại phước và Đại Phúc vốn là xã Đại Phước. Địa thế Càng Long hầu như được giữ nguyên từ lúc được hình thành đến nay. Duy chỉ có ba năm cuối của kháng chiến chống Pháp, với sự sát nhập của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà(6/1951-7/1954), địa giới của huyện Càng Long có sự điều chỉnh.Bốn xã cánh B có Bình Phú được cắt ra nhập vào huyện Châu Thành. Càng Long lúc ấy gồm 5 xã cánh A có Phương Thạnh, 3 xã của Châu Thành cũ, 6 xã huyện Tiểu Cần và 3 xã huyện Trà Cú.

Chiều dài huyện Càng Long chạy từ quốc lộ 53 (liên lộ tỉnh 7) đến bờ Bắc sông Hậu.

Vùng đất Càng Long vào thời Vua Minh Mạng (1832) là tổng Bình Khánh thuộc phủ Lạc Hoá tỉnh Vĩnh Long trong Nam Kỳ Lục tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Đến thời Vua Tự Đức (1859) Tổng Bình Khánh được chia làm hai tổng: Bình khánh và Bình Khánh Thượng, cho đến khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh. Đến 20/10/1898 với việc phân chia Nam kỳ Lục tỉnh làm 20 tỉnh và thành lập tỉnh Trà Vinh, thực dân Pháp lập quận Càng Long là một trong năm quận của tỉnh Trà Vinh. Dân số quận càng Long lúc ấy mới có 17105 người.

Trải qua biến thiên của lịch sử, qua cách mạng và qua giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Càng long hiện nay là một huyện của tỉnh Trà Vinh. Chi bộ Đảng huyện Càng Long thành lập đầu năm 1930 sớm nhất trên toàn tỉnh Trà Vinh.

Huyện Càng Long có tổng diện tích tự nhiên là 28895 ha, có 23117 ha đất nông nghiệp, trong đó có 16495 ha đất trồng lúa 70,4 ha đất trồng màu, 6551 ha trồng cây lâu năm và cây ăn trái. Mặt bằng đất đai tương đối thuận lợi, địa hình có nhiều sông ngòi, kênh rạch chảy qua, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện cuối năm 2008 đạt 1106 tỷ đồng; chia ra:

• Giá trị sản lượng nông nghiệp: 576 tỷ đồng.

• Giá trị sản lượng thủy sản: 101 tỷ đồng.

• Giá trị sản lượng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp: 68 tỷ đồng.

• Giá trị xây dựng: 180 tỷ đồng.

• Giá trị dịch vụ: 181 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người (GDP) tương đương 8,3 triệu đồng/người/năm. Dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng bộ, Càng Long đang từng bước phát triển về mọi mặt: nâng cao dân trí, chuyển dịch cơ cấu, tăng nhịp độ để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế- xã hội đạt được, báo cáo chính trị tại đại hội sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 đã nêu những tồn tại như sau:

Chất lượng, hiệu quả kinh doanh còn thấp, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, công tác đào tạo, thu hút vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (27,3%). Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần tiếp tục quan tâm giải quyết, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm.

Với truyền thống quê hương anh hùng, trong kháng chiến nhân dân Càng Long đã không tiếc máu xương, của cải vật chất để cùng với cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và đưa cả nước lên quá độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, việc giải quyết những tồn tại yếu kém về kinh tế- xã hội của địa phương sẽ được đảng bộ và nhân dân Càng long cùng các ban ngành đoàn thể nhanh chóng tìm cách vượt qua trên cơ sở phát huy những truyền thống tốt đẹp sẵn có, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục. Có như vậy mới góp phần tích cực thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa địa phương từng bước hoà nhập vào hành trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHẰM KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(31 trang)
w