thành sản phẩm tại công ty Cổ phần Sơn Đức Việt
Qua thời gian thực tập tại công ty, em nhận thấy được một số ưu điểm và hạn chế của công ty. Dựa trên cơ sở những ưu điểm cũng như những tồn tại đã nêu ở trên, em xin đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện hơn công tác kế toán nói chung, cũng như công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty Cổ phần Sơn Đức Việt.
Đối với bộ máy kế toán: Công ty nên chọn hình thức tổ chức bộ máy kế toán nửa tập trung, nửa phân tán. Hình thức này có ưu điểm tạo điều kiện cho kế toán gắn với các hoạt động của công ty, thu thập thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, phục vụ có hiệu quả trong việc quản lý kinh doanh của công ty. Ngoài ra, công ty cần có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng, phù hợp đối với từng cá nhân trong phòng kế toán, để tránh tình trạng một số kế toán viên phải làm việc quá tải so. Như vậy sẽ đảm bảo mỗi kế toán viên luôn có thể hoàn thành được phần công việc của mình và hiệu quả làm việc được cao hơn.
Đối với chi phí NVLTT: Đối với sản phẩm của công ty, chi phí nguyên vật liệu chính chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi phí. Do đó, để hạ giá thành sản phẩm, công ty nên có biện pháp sử dụng chi phí này một cách ít lãng phí nhất. Công ty nên hạ thấp mức tiêu hao nguyên vật liệu, quản lý chặt chẽ mức tiêu hao.Cố gắng tạo mối quan hệ lâu dài với
các nhà cung cấp vật tư để được họ ưu tiên trong việc cung cấp vật tư đúng tiêu chuẩn về cả mặt số lượng lẫn chất lượng. Mặt khác, công ty cần tổ chức nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà kho, bến bãi để giảm thiểu hao hụt, thất thoát tự nhiên. Quy ra trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân thiếu trách nhiệm trong công việc, gây ra thiệt hại cho công ty.
Đối với chi phí NCTT: Cần nâng cao năng suất lao động của công nhân viên, đề ra chế độ lương thưởng hợp lý để khuyến khích người lao động. Bố trí cơ cấu lao động hợp lý, đánh giá đúng được trình độ tay nghề của người lao động để phân công công việc đúng với năng lực của mỗi người. Từ đó, giúp nâng cao năng suất lao động trong công ty. Mặt khác, công ty cần cập nhật chế độ kế toán mới. Đối với các khoản trích theo lương, ngoài việc trích BHXH, BHYT, KPCĐ như trước thì công ty cần bổ sung thêm khoản trợ cấp thất nghiệp. Tổng tỉ lệ phải trích là 30,5% trong đó: BHXH 22% (doanh nghiệp đóng 16%, người lao động chịu 6%), BHYT 4,5% (doanh nghiệp đóng 3% và người lao động chịu 1,5%), KPCĐ 2% do doanh nghiệp đóng và khoản trợ cấp thất nghiệp 2% (doanh nghiệp chịu 1% và người lao động chịu 1%).
Đối với chi phí sản xuất chung: Thực hiện khấu hao tài sản cố định theo phương pháp số dư giảm dần. Như vậy thì giá trị hao mòn của tài sản sẽ tăng lên trong những năm đầu, còn các năm sau thì sẽ giảm dần đi, công ty sẽ nhanh thu hồi được vốn, đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả tối đa. Mặt khác, công ty có thể giảm bớt khoản mục chi phí này bằng cách tiết kiệm điện, nước, điện thoại…
Đối với phương pháp tính giá thành sản phẩm: Hiện nay sản phẩm của công ty khá đa dạng, phong phú, nên việc áp dụng phương pháp hệ số sẽ gặp phải nhiều khó khăn và không đảm bảo tính chính xác cho việc tính giá thành. Công ty nên sử dụng kết hợp thêm phương pháp tính giá thành trực tiếp. Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ bất kể là khối lượng sản phẩm dở dang là ít.
Đối với sản phẩm hỏng: Trong quá trình sản xuất kinh doanh không thể tránh khỏi việc sản xuất sản phẩm hỏng. Và những sản phẩm này ít hay nhiều đều gánh chịu chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Do đó, đánh giá định mức sản phẩm hỏng là cần thiết. Đối với các thiệt hại sản phẩm hỏng trong định mức thì sẽ được tính vào giá thành của các sản phẩm hoàn thành. Còn đối với thiệt hại sản phẩm hỏng ngoài định mức thì phải tập hợp vào tài khoản riêng để cuối kỳ xem xét và quy ra trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. Để từ đó, việc đánh giá chất lượng và tính giá thành sản phẩm được chính xác hơn.
Đảm bảo nguyên tắc xuất, nhập nguyên vật liệu kịp thời để phục vụ sản xuất. Phải tăng cường kiểm kê, kiểm soát thường xuyên để tránh thất thoát nguyên vật liệu.