Các thức uống như cà phê, chè đặc, nước nho... rất tốt cho người huyết áp thấp. Để tăng huyết áp, bệnh nhân cũng cần tập luyện thể thường xuyên, trong đó các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông... đều thích hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới không coi huyết áp thấp là biểu hiện của tổn thương tim. Theo quy định, chỉ số huyết áp đạt dưới 100/60 mmHg được coi là huyết áp thấp.
Huyết áp thấp sinh lý gặp ở những người khỏe mạnh, với đặc điểm giá trị huyết áp duy trì trong suốt cuộc đời, không phát hiện được những biến đổi bệnh lý khi chẩn đoán lâm sàng. Trong trường hợp này, huyết áp thấp có thể do thể tạng, di truyền, do rèn sức bền thường xuyên (như vận động viện chạy, bơi, đạp xe cự ly dài) và do sự bù trừ thích nghi ở cư dân sống trên vùng núi cao.
Huyết áp thấp bệnh lý bao gồm tụt huyết áp cấp (với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ngất) và huyết áp thấp mạn tính. Huyết áp thấp mạn tính lại được chia ra thành hai loại: nguyên phát (do giảm trương lực thần kinh mạch máu) và thứ phát (triệu chứng của bệnh khác như thiếu máu, viêm họng mãn, viêm đường mật...).
Huyết áp thấp bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu (bệnh huyết áp thấp) thường gặp ở phụ nữ trẻ; với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch (đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi).
Để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường, những người có huyết áp thấp bệnh lý cần thực hiện các quy tắc sống sau:
Về ăn uống: Tuy giữa chế độ ăn và huyết áp thấp không có sự liên kết chặt chẽ, nhưng người ta thấy huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp. Vì vậy, phải duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh.
Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho.
Chất caffein trong cà phê có tác dụng làm tăng huyết áp, ngày có thể uống 1-2 cốc cà phê đặc, tốt nhất là cà phê không tan tự pha. Không uống quá 2 cốc/ngày để tránh bị nghiện, mất ngủ, rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, vì cà phê gây kích thích tiết dịch vị dạ dày nên những người bị viêm loét dạ dày nên uống với bột kem cà phê. Nếu không uống được cà phê thì có thể thay thế bằng nước chè đặc.
Nên ăn hơi mặn một chút để gây giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.
Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.
Về tập luyện: Rất nhiều người bị huyết áp thấp là do giảm trương lực thần kinh - mạch máu, thành mạch máu quá yếu (bị nhão), sức co bóp của tim yếu do cơ tim yếu (biểu hiện là tim đập nhanh, yếu). Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao. Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông... đều rất tốt.
Tập phải thường xuyên, tùy sức, không tập cố, không tập khi đói cũng như ngay sau khi ăn no. Riêng đi bộ nhanh có thể tập hằng ngày.
Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn mạn như sâu răng, viêm lợi, viêm họng, viêm đường mật... Phòng tái phát viêm họng mạn bằng các biện pháp giữ ấm cơ thể, súc miệng nước muối...