1. Về nhận được điểm tốt:
“Tôi bị trượt một vài môn còn bạn tôi thì qua tất cả. Giờ đây anh ta là kỹ sư của Microsoft còn tôi là chủ của Microsoft”.
2. Về thất bại:
“Ca ngợi thành công là điều tốt đẹp, song rút ra bài học từ những thất bại còn quan trọng hơn”.
3. Về công bằng:
“Cuộc sống là không công bằng. Hãy chấp nhận nó”.
4. Về tôn giáo:
“Về khía cạnh phân bổ thời gian, tôn giáo không thật hiệu quả. Tôi có thể làm rất nhiều việc vào buổi sáng Chủ nhật”.
5. Về thành công:
“Thành công là một giáo viên tồi. Nó dụ dỗ người thông minh nghĩ rằng họ chẳng bao giờ thất bại”.
6. Về việc so sánh với người khác:
“Đừng bao giờ so sánh bạn với người khác. Nếu bạn làm vậy, bạn đang tự sỉ nhục mình”.
7. Về những phụ huynh tẻ nhạt:
“Trước khi bạn sinh ra, cha mẹ bạn không tẻ nhạt như bây giờ. Họ bị như vậy khi trả các hóa đơn cho bạn, giặt quần áo cho bạn và nghe bạn kể lể về mình. Do đó, trước khi bạn cứu lấy những khu rừng nhiệt
đới khỏi ký sinh trùng từ thế hệ của cha mẹ bạn, hãy tự diệt chấy rận trong chính căn phòng của mình trước.”
8. Về lòng tự trọng:
“Thế giới không quan tâm đến lòng tự trọng của bạn. Nó mong đợi bạn làm được điều gì đó trước khi bạn cảm thấy tốt về bản thân mình.”
9. Định nghĩa sự thông minh:
“Đó là một khái niệm khó nắm bắt. Phải có một sự sắc nét nhất định, một khả năng tiếp nhận những sự kiện mới. Khi bước vào một tình huống, được giải thích một chút và sẽ ngay lập tức nói với bạn rằng ‘Thế này thì thế nào?’. Đó là hỏi những câu hỏi sâu sắc, là khả năng ghi nhớ và kết nối những lĩnh vực có vẻ như không thật liên quan. Là sự sáng tạo nhất định để mọi người đều làm việc hiệu quả hơn.”
- ST –
Người đọc quá nhiều và dùng tới bộ óc quá ít sẽ rơi vào thói quen lười suy nghĩ.
- Albert Einstein -
Bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh Quảng Đông trong mùa thi tuyển năm 2011
Thế giới bao la, đâu đâu cũng có "điểm gốc". "Điểm gốc" có thể là khởi điểm của nẻo đường, có thể là đầu nguồn của dòng sông, có thể là tọa độ của trung tâm, có thể là cội nguồn của sự vật.
Mời anh/chị lấy " trở lại điểm gốc " làm tiêu đề, liên hệ với trải nghiệm và nhận thức đối với cuộc sống, làm bài văn nhận thức, tự đặt thể loại, bài làm trên 800 chữ.
Bài làm: Trở lại điểm gốc
Trên đầu đội bầu trời màu tro xám, bước nhanh qua đường bên kia bụi bay mịt mù, cuối cùng tôi dừng chân, đứng trước ngõ hẻm vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Tôi biết rằng, chỉ cần sải thêm một bước chân, là tôi sẽ trở về với "điểm gốc " của nhân sinh--- đó là ngõ hẻm mà tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó. Ngõ hẻm tràn ngập nhân tình thế thái, và là lớp học đầu tiên của tôi.
Dảo bước trên nền đường lát đá tảng, tôi bước chầm chậm vào tít sâu ngõ hẻm. Trước mắt là những ngôi nhà Tây Quan mà tôi đã lâu ngày không thấy. Trước cửa những thanh gỗ tròn chắn song ngang màu đỏ là ba bậc thang đá thâm thấp, không hiểu con mèo nhà ai đó đang phủ phục trên bậc thang đá trông lười biếng uể oải, nó đang khoan khoái dưới ánh nắng ấm áp đang đến giữa trưa. Thỉnh thoảng có làn gió thổi qua, con mèo già này liền giơ chân trước lên vuốt vuốt ria mép của mình, rồi kêu "meo" một tiếng, lăn mình cái rồi lại ngủ thiếp đi. Tôi biết rằng, tại đô thị ồn ào huyên náo này chỉ có ở trong ngõ sâu mới có được khung cảnh an nhàn và yên tĩnh như vậy. Mà điểm gốc nhân sinh của tôi lại bắt đầu từ trong khung ảnh hiền hòa như vậy.
Sau khi kéo song gỗ ngang, thì cánh cửa gỗ đã mở ra. Nhờ ánh sáng yếu ớt từ trong nhà chiếu ra, tôi thấy một cụ ông đầu tóc bạc phơ đang ngồi trên chiếc ghế đu đọc báo. Bất chợt, "bộp" một tiếng, một quả bóng cao su rơi lên tay vịn của ghế đu, liền ngay đó, một em bé độ khoảng hai tuổi tập tà tập tễnh đi đến bên chiếc ghế đu, nó níu vạt áo ông bập bẹ "ông, ông, bóng bóng". Ông bỏ kính lão xuống, vừa mỉm cười vừa đứng dậy, bế bé vào lòng, âu yếm nói khe khẽ rằng: "Ồ, bóng bóng đi đâu rồi, có phải ở đây không? Không phải à. Ồ ồ... ở đây này". Chỉ nghe thấy tiếng cười giòn tan như chuông vọng vào tai tôi, tôi như trông thấy ông nội đã qua đời từ lâu của tôi cũng đã từng ôm tôi như thế. Đúng vậy, trong những năm đầu chào đời của tôi, ngõ hẻm này đã chứa đựng biết bao tình thương đến từ người thân, đây là thứ tình cảm ấm áp đặc biệt của người Tây Quan.
Cửa sổ Mãn châu, mái ngói xanh, cây đa cổ, ngày càng nhiều phong cảnh đổ dồn vào tầm mắt tôi, vang lên trong trái tim tôi. Thế nhưng, một chữ "dỡ" màu đỏ đã phai nhạt nhưng lại chói cả mắt xuất hiện
chênh hênh trên bức tường ngôi nhà cũ của tôi. Cái chữ "dỡ " này thật là không khớp tí nào với khung cảnh xung quanh và cả bầu không khí xung quanh nữa. Lúc này, tôi mới sực tỉnh: Ngay từ khi cách đây 11 năm, cái ngõ hẻm này đã nằm trong danh sách phạm vi phải di rời, cũng có nghĩa là: "Điểm gốc nhân sinh của tôi sẽ bị xóa bỏ".
Những giọt nước mắt không kìm được cứ ứa ra khóe mắt tôi, tôi chỉ muốn gào lên rằng: Không được dỡ bỏ cái ngõ hẻm này, không được dỡ bỏ!Ngõ hẻm này không những là nơi chào đời của tôi, mà còn là nơi bồi dưỡng đức tính từ tốn của tôi, cũng là nơi đầu tiên mà tôi cảm nhận được sự ấm áp của trần gian vào thời kỳ ban đầu. Mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi mái ngói viên gạch trong ngõ hẻm này đều là những thứ bắt đầu hình thành nền văn hóa Lĩnh nam Trung Quốc. Nếu dỡ bỏ ngõ hẻm này, thì chẳng khác nào hủy bỏ gốc gác của tôi, huỷ bỏ cả cội nguồn của hàng trăm phố cổ trong thành phố Quảng Châu!Thế nhưng, tiếng hô hào như vậy liệu có ai nghe thấy không cơ chứ? Điểm gốc của nhân sinh, điểm gốc của nền văn hóa so với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của kinh tế, so với những tòa cao ốc mọc lên san sát, thì dường như đã trở nên quá ư nhỏ nhoi rồi.
Đêm hôm đó, tôi lại nằm mơ thấy ngõ hẻm cũ, nhưng có khác là lần này khi tôi trở về với "điểm gốc" của nhân sinh, thì chữ "dỡ" màu đỏ đã biết mất trong giấc mơ của tôi.
Vượt qua hay là chết? - Bài kiểm tra đạt điểm cao
Để bài: Là một chú đại bàng dũng mãnh, trải qua không biết bao thử thách để trở thành vị chúa tể của bầu trời xanh. Em hãy kể lại thử thách lớn nhất cuộc đời mình.
Bài làm
Vượt qua hay là chết?
Tôi là một chú đại bàng dũng mãnh - chúa tể của các loài chim: loài chim có quyền lực, có đôi cánh rộng mạnh mẽ và một sự tự do tuyệt đối. Tôi mạnh mẽ được như vậy là vì tôi đã phải trải qua bao nhiêu thử thách mà cuộc đời đặt ra cho tôi. Một trong những thử thách lớn nhất, khó khăn nhất trong cuộc đời tôi chính việc tôi phải lựa chọn hoặc là lột xác, hoặc là chết.
Khi ấy tôi tầm khoảng bốn mươi tuổi - một độ tuổi khá già đối với các loài chim, những móng vuốt dài và linh hoạt không còn đủ sức cùng tôi tóm giữ con mồi, chiếc mỏ dài và sắc nhọn trở nên cong và yếu, đôi cánh tôi trở nên nặng nề và già cỗi, những chiếc lông trở nên dày, khô xác và bết chặt vào ngực và khiến cho việc sải cánh trên bầu trời xanh thẳm trở nên quá sức. Nhưng tôi không muốn từ bỏ.
Ngày đầu tiên, tôi trở về tổ của tôi trên đỉnh núi và chọn cho mình một mỏm đá cứng và khỏe rồi lấy mỏ của mình đập vào tảng đá to đó. Mỗi khi tôi đập, cái mỏ của tôi đau khủng khiếp. Những cơn đau kéo dài, buốt đến tận óc tưởng chừng khiến tôi dừng bước. Nhưng tôi không thể. Cứ thế, tôi chịu mọi cơn đau và quyết tâm làm bằng được.
Ngày hôm sau,tôi cũng làm như vậy. Nhưng khi nó đã rời ra được một chút thì khi đập nó lại càng đau hơn. Tôi cảm thấy mỗi lần đập dường như là một lần tra tấn với những giọt máu cứ không ngừng tuôn. Đã có lúc tôi nản chí…
Ngày tiếp theo, tôi lại ra hòn đá hôm trước để tiếp tục công việc đau đớn ấy nhưng ai ngờ là hôm nay lại có nhiều đại bàng đến để đập mỏ như thế. Họ cứ bay đến xối xả như cả một rừng người – loài động vật to và nguy hiểm nhất đang đói bụng - rồi chiếm hết nhưng mỏm đá sắc nhất, nhọn nhất cho mình. Họ cũng như tôi, đang phải trải qua cuộc “lột xác” khủng khiếp. Phải rất chật vật tôi mới tìm được một chỗ đặt chân để tiếp tục công việc đập mỏ của mình. Trong một lần vì quá đau đớn, tôi bị ngất đi. Trong cơn mơ ấy, tôi được nhìn thấy bầu trời bao la vô tận xanh thăm thẳm và đã có một chú đại bàng sải đôi cánh dũng mãnh vút bay. Tỉnh dậy, tôi thấy mình xơ xác và yếu đuối nằm trên mỏm đá nhỏ và bé tí xíu. Và từ đó,tôi quyết định sẽ tiếp tục công việc của mình cho dù có đau đớn đến đâu. Cuộc sống của tôi, tương lai của tôi không phụ thuộc vào bất kì ai khác.
Từ đấy,tôi thức trắng cả đêm để đập mỏ, mặc cho những cơn đau đớn tê dại khủng khiếp hành hạ… Rồi đến một ngày, chiếc mỏ già nua của tôi cũng rời ra. Trong suốt thời gian còn lại, tôi ở trong tổ chờ cho mỏ mới mọc ra.
Khi mỏ mới bắt đầu hình thành, tôi lại bắt đầu bẻ hết toàn bộ móng vuốt. Tôi cho công đoạn này không đau đớn khủng khiếp như đập mỏ nhưng việc chứng kiến những chiếc móng vuốt dần bị tước ra khỏi chân cùng với máu chảy đầm đìa ướt đẫm tảng đá trong một thời gian dằng dặc thật chẳng phải là điều dễ dàng.
Đợi đến khi những mỏ và móng vuốt tôi đủ chắc, gắng gượng chịu đau bứt từng chiếc lông đã từng là niềm kiêu hãnh của tôi biết bao năm. Tôi trở nên trơ trụi, xấu xí và yếu đuối, kiên nhẫn nằm lại trong tổ chờ những chiếc lông mọc lại… Từng ngày, từng ngày trôi qua…
150 ngày khó khăn nhất trong cuộc đời đã kết thúc.
Tôi - chúa tể của bầu trời lại một lần nữa kiêu hãnh giang đôi cánh rộng vút bay trong trời thẳm.
Còn bạn? Bạn chọn nằm im chờ cái chết từ từ đến với mình hay chọn can đảm vượt qua thử thách?
Suy ngẫm về thành công
Thành công thật sự là không nhìn thấy được. Nhưng chúng ta theo đuổi thành công, theo đuổi thành công là động lực phấn đấu của chúng ta. Bạn đừng bao giờ thiết kế thành công một cách quá cụ thể, sự thành công có thể nhìn rõ đó, một khi thực hiện bạn sẽ cảm thấy trống trải, nó không phải là điểm đến của hạnh phúc.
Thành công nên là một lý tưởng, một mong mỏi, một sức mạnh không trông thấy được nhưng lại tràn đầy nhiệt huyết. Thành công luôn giữ một khoảng cách chỉ có thể mong như lại không thể vươn tới với ngày hôm nay không ngừng đổi mới, đầy cám dỗ, lúc ẩn lúc hiện.
Trên con đường đi tới thành công, chúng ta luôn nghi ngờ bản thân, vì cuộc sống của một người bình thường luôn rất cụ thể và rối rắm, nhỏ nhặt lại vô vị; nhưng đừng quên rằng, bản thân cuộc sống nên là một con sông êm đềm, thỉnh thoảng gợn sóng. Cuộc sống quá dữ dội sẽ gây lũ lụt, chỉ có thể xảy ra tai nạn.
Thành công có lúc giống như tình yêu, như một người yêu bạn nói với bạn rằng, bạn gặp, hoặc không gặp tôi, tôi vẫn ở đó, không buồn không vui. Bạn nhớ, hoặc không nhớ tôi, tình vẫn ở đó, không đến không đi.
Thành công cần chúng ta đi tìm kiếm, thành công nằm trong vô số chi tiết của cuộc sống chúng ta. Chúng ta phát hiện mỗi chi tiết này đều là một dấu chân trên con đường đi tới thành công. Con đường đi tới thành công chính là chặng đường không ngừng giải mã hôm nay.
Nguyên nhân một số người kêu ca khó đi đến thành công là, nhân bất chi kỷ, tài vô sở dụng(con người không nhận biết rõ về bản thân, tài năng không nơi sử dụng). Nhưng, chân lý của cuộc sống là, để người khác hiểu về bạn, không bằng bạn đi tìm hiểu về người khác. Đây mới là chìa khóa mở ra con đường đi tới thành công. Nếu bạn muốn đi càng xa thì cần tiếp tục tìm hiểu về bản thân, tìm hiểu bản thân khó hơn so với việc tìm hiểu người khác. Biết được quy luật này, chúng ta lại tiến thêm một bước tới thành công.
Thành công không phải một sớm một chiều, cần có lòng bền bỉ. Người thành công thật sự, đều là những người từng hết sức cuồng nhiệt, sau đó mới có đủ tỉnh táo, từng bị cám dỗ, sau đó là giữ được bản thân.
Con đường đi tới thành công, cũng là con đường đi tới chín muồi.
Suy nghĩ của anh (chị) đối với vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu văn sau: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...” (Mùa lạc - Nguyễn Khải)
BÀI LÀM
Triết lý nhà phật có nhắc đến cái gọi là thuyết luân hồi: Một con người, sự vật chết đi sẽ hoá thân, chuyển kiếp sang một kiếp sống mới, dưới một hình hài mới. Bản thân tôi không hoàn toàn tin vào nó, tôi cảm nhận được nó dưới một khía cạnh khác. Đọc “Mùa lạc” của Nguyễn Khải tôi nhận ra được một điều đó: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”
Sự sống ở đây, theo tôi là những giá trị hiện sinh, đó là sự sống của con người, cỏ cây, chim muông. Đó cũng có thể hiểu là sự sống trong tâm hồn, trong nhận thức. Sự sống và cái chết; hạnh phúc và hy sinh gian khổ là những khái niệm trái ngược nhau, thế nhưng “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc
hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”. Tại sao lại như thế? Theo tôi, trước hết là bởi không có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiều. Nó có muôn màu, muôn vẻ thiên hình và vạn trạng.
Ông cha ta đã từng khẳng định: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Đó chính là một dẫn chứng cho ý kiến trên.
Không ai cấm, trên xác cây khô kia nảy sinh những mầm xanh, qua mùa đông tàn tạ úa vàng mới đến ngày xuân trăm hoa đua nở. Đó chính là vì “sự sống nảy sinh từ trong cái chết”. Ở đây là một câu nói có tính chất khẳng định. Từ trong cái chết – cái tàn tạ, úa vàng sẽ nảy sinh ra sự sống – giá trị hiện sinh. Sự sống ấy dĩ nhiên không thể chung sống, phát triển trong môi trường ấy nhưng đó là nơi nó “nảy sinh”.