CHĂN NUÔI TRÂU BÒ THỊT Mục tiêu
- Học sinh hiểu, giải thích được các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất thịt.
Nắm được qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng trâu bò thịt qua các giai đoạn, áp dụng đúng qui trình vào thực tiễn chăn nuôi.
Nội dung
8.1. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỮC SẢN XUẤT THỊT 8.1.1. Giống
Giống có ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất thịt. Dựa vào phẩm chất và sức sản xuất thịt nguời ta chia ra các nhóm bò như sau:
- Bò chuyên thịt: Có các giống nổi tiếng như Hereford, Santa gertrudis, Shorhorn, . . . Tốc độ sinh trưởng của những bò này nhanh (1 – 1,5 kg/ngày đêm), tỷ lệ thịt xẻ 65 – 70 %, mỡ tích lũy trong cơ thể sớm.
- Bò kiêm dụng sữa thịt: Như bò Red Sindhi, Brown Swiss, . . . Những bò này cũng có khả năng tăng trọng khá cao (0,6 – 0,8 kg/ngày đêm), phẩm chất thịt ngon, tỷ lệ thịt xẻ đạt 59 – 60 %.
- Bò sữa: Như bò Holstein Friesian. Những bò này có sự phát triển cơ bắp kém, tỷ lệ thịt xẻ thấp. Các giống bò sữa và kiêm dụng thường tích lũy ít mỡ trong thân thịt mà mỡ chủ yếu tích lũy trong khoang bụng. Cơ bắp của những gia súc này phát triển kém, tỷ lệ thịt xẻ thấp.
- Trâu bò cày kéo: Cơ bắp phát triển tốt, nhưng mỡ tích lũy trong cơ thấp, thịt cứng và thô.
8.1.2. Nuôi dưỡng
Sức sản xuất thịt trước tiên phụ thuộc vào mức độ dinh dưỡng. Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của các mức dinh dưỡng khác nhau đến thành phần của các mô trong thân thịt. Mức dinh dưỡng cao thì tỷ lệ mỡ và cơ trong thân thịt cao, còn mô liên kết và xương ít hơn. Mức dinh thấp làm giảm giá trị năng lượng của thịt và tăng tỷ lệ xương và mô liên kết.
Bảng 8.1. Ảnh hưởng của mức dinh dưỡng thành phần thân thịt
Mức nuôi dưỡng Tỷ lệ các mô trong thân thịt (%)
Cơ Mỡ Mô liên kết Xương và sụn
Cao 56,6 16,1 11,5 15,7
Trung bình 59,7 10, 3 12,3 17,5
8.1.3. Tuổi giết thịt
Trong quá trình phát triển của cơ thể trọng lượng thay đổi theo tuổi. Dưới 1 năm tuổi sự lớn lên của cơ thể chủ yếu là kết quả của sự tích lũy các mô cơ và xương. Đến 1,5 tuổi sự tích lũy protein, tức là sự phát triển của tế bào cơ vân nhanh, còn tỷ lệ tương đối của mô xương có xu hướng giảm thấp. Sau 18 tháng tuổi tốc độ tăng trưởng của tế bào cơ giảm, hàm lượng nước giảm, sự tích lũy mỡ tăng lên, mô liên kết giảm.
Thành phần hoá học của thịt cũng thay đổi theo tuổi. Tuổi càng cao thì sự tích lũy mỡ dưới da và mỡ nội tạng tăng lên. Như vậy khi tuổi tăng lên thì hàm lượng tương đối của xương và mô liên kết giảm còn tỷ lệ thịt và mỡ sẽ tăng lên. Khi giết thịt ở 18 tháng tuổi mỡ tích lũy trong cơ bắp cao hơn mỡ nội tạng. Sau 18 tháng tuổi tích lũy mỡ tăng.
8.1.4. Tính biệt và thiến
Thông thường ở các cơ sở chăn nuôi lấy thịt người ta giết thịt vào 15-18 tháng tuổi. Con đực thường có hoạt động sinh dục vào 9-12 tháng tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bê đực không thiến đạt tốc độ sinh trưởng cao hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn nên chi phí thức ăn/kg tăng trọng thấp hơn so với đực thiến. Tuy nhiên sự tích lũy mỡ trong cơ bắp ở bê đực thiến cao hơn và sớm hơn bê đực không thiến. Bê cái chậm lớn hơn bê đực cùng tuổi.
8.1.5. Ảnh hưởng của môi trường
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức sản xuất thịt bò trong quá trình nuôi và vỗ béo được phân làm 3 loại: Các yếu tố về thời tiết-khí hậu (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng), các yếu tố về lý hoá (ánh sáng, nước, chất lượng thức ăn, số lượng bò vỗ béo, cấu trúc chuồng trại…), và các yếu tố khác như: vi sinh vật gây bệnh, ký sinh trùng... Những yếu tố này có liên quan lẫn nhau và ảnh hưởng đến sức sản xuất thịt của trâu bò.
8.2. NUÔI BÊ TRƯỚC VỖ BÉO
8.2.1. Nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa
Phương pháp nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa là phương pháp nuôi huấn luyện bê ngay sau khi cai sữa để đưa đi vỗ béo ở một nơi khác. Thời gian nuôi thường kéo dài khoảng 30 – 45 ngày.
- Cai sữa bê trước khi chuyển đi vỗ béo. - Tiêm phòng khi bê còn theo mẹ
- Giữ cho bê khỏe mạnh và chuẩn bị cho chúng bước vào vỗ béo được tốt. Thức ăn hạt trong thời kỳ cai sữa nên hạn chế tới mức tối thiểu, cho cỏ khô dài vào trong máng trong 4 – 7 ngày đầu sau cai sữa. Trong thời gian này cung cấp thức ăn chất lượng tốt ngon miệng. Không dùng các loại thức ăn lên men như cỏ ủ chua trong 4 – 7 ngày đầu vì hầu hết bê chưa quen với mùi của những thức ăn này. Không dùng thức ăn nghiền mịn vì như vậy sẽ có nhiều bụi và tính ngon miệng sẽ giảm. Cung cấp đầy đủ nươc sạch.
8.2.2. Nuôi bê qua đông
Đây là phương pháp sử dụng nhiều thức ăn thô (cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp, cỏ tự nhiên, . . .) để nuôi bê với tăng trọng thấp trong vụ đông trước vỗ béo. Thông thường thì phương pháp này được áp dụng để chuẩn bị bê trước khi đưa ra chăn thả vỗ béo trên đồng cỏ vào vụ hè tiếp đó. Mục đích của phương pháp này chỉ đơn thuần là giảm chi phí thức ăn trong vụ đông mà vẫn bảo toàn được bê khỏe mạnh. Khi cho bê ra chăn thả trên đồng cỏ (khoảng 12 – 15 tháng tuổi) vào vụ cỏ tốt bê sẽ sinh trưởng. Phương pháp này thích hợp với các giống bò thịt nhỏ (cần thời gian qua đông để tăng trưởng khung xương), nhưng không thích hợp với những giống bò to (vì nuôi dài ngày chúng sẽ quá lớn so với yêu cầu của thị trường).
8.2.3. Nuôi bê sinh trưởng vừa phải
Phương pháp này thường sử dụng kết hợp thức ăn thô và bổ sung một lượng thức ăn tinh nhất định để nuôi bê có được tăng trọng vào khoảng 0,7 – 1,1 kg/con/ngày. Phương pháp này cho phép sử dụng được một số loại thức ăn chủ động, không đắt tiền, thậm chí cả các loại phụ phẩm để nuôi bê. Đây là phương pháp nuôi phù hợp với bò có thể vóc trung bình
8.2.4. Nuôi bê sinh trưởng nhanh
Đây là phương pháp nuôi bê sinh trưởng càng nhanh càng tốt. Khẩu phần ăn cho bê có lượng thức ăn tinh gần với lượng thức ăn tinh có trong khẩu phần vỗ béo. Tăng trọng mong muốn theo phương pháp này là trên 1,3 kg/con/ngày. Đây là phương pháp phù hợp với các giống bò khung to. Ưu điểm chính của phương pháp này là khai thác được tiềm năng di truyền của các giống bò thịt có tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có trình độ chăm sóc nuôi dưỡng cao vì bê dễ gặp nguy cơ rối loạn tiêu hoá.
8.3. VÕ BÉO TRÂU BÒ THỊT
Vỗ béo là nuôi dưỡng đặc biệt với mức ăn dồi dào, khẩu phần có giá trị hoàn thiện nhằm mục đích thu được ở con vật một lượng thịt tối đa với chất lượng thỏa
đáng. Thời gian vỗ béo tuỳ thuộc vào tuổi, độ béo của bò trước khi vỗ béo và yêu cầu của thị trường về trọng lượng bò, chất lượng thịt v.v. Thông thường thời gian vỗ béo là 60-90 ngày.
8.3.1. Các kiểu vỗ béo
a. Vỗ béo bê lấy thịt trắng (bê sữa)
Đây là kiểu vỗ béo bê sữa trước 3 – 4 tháng tuổi. Thông thường chỉ dùng bê đực, đặc biệt là bê đực hướng sữa. Nuôi bê chủ yếu bằng sữa nguyên và sữa thay thế. Mức sữa cung cấp khoảng 12 – 16 lít/ngày nếu yêu cầu tăng trọng không dưới 1000g/ngày. Nếu yêu cầu tăng trọng thấp hơn một ít (không dưới 900g/ngày) thì bên cạnh sữa có thể cho ăn thêm cỏ khô, thức ăn tinh và củ quả.
Hiện nay ở nước ta “bê thui” rất được ưa chuộng, nhưng bê thường được giết sớm mà không qua vỗ béo nên không khai thác được hết tiềm năng cho thịt của bê. Hơn nữa, trong chăn nuôi bò sữa, bê đực thường được giết trong vòng tuần đầu sau khi cho ăn hết sữa đầu, trong khi có thể vỗ béo thêm trong một thời gian trước khi giết thịt. Trong thời gian tới khi nhu cầu và giá thịt bê tăng cao thì đây có thể là một hướng phát triển quan trọng trong chăn nuôi bò ở nước ta.
b. Vỗ béo bê sớm sau cai sữa
Bê được đưa vào vỗ béo ngay sau khi cai sữa hay sau một thời gian huấn luyện 30 – 45 ngày. Hình thức này phù hợp cho những cơ sở vỗ béo thương phẩm hơn là các trang trại chăn nuôi hỗn hợp. Bê thuộc các giống bò thịt có tầm vóc lớn hay bê đực hướng sữa thích hợp với kiểu vỗ béo này (không cần thời kỳ nuôi bê sinh trưởng kéo dài).
c. Vỗ béo bò non
Đối tượng vỗ béo phổ biến nhất hiện nay ở các nước là bê (cả đực và cái) ở độ tuổi từ 1 – 1,5 tuổi (bò non). Thức ăn tinh trong khẩu phần không dưới 30 % giá trị năng lượng và có thể tăng lên ở giai đoạn cuối. Trước khi đưa vào vỗ béo đàn bê đã trải qua một thời kỳ nuôi sinh trưởng theo một trong các phương thức đã trình bày trong các mục sau. Bê đực hướng sữa không làm giống cũng có thể vỗ béo trước khi giết thịt ở độ tuổi này.
d. Vỗ béo bò trưởng thành
Bò sữa, bò sinh sản, các loại bò khác trước khi đào thải được qua một giai đoạn nuôi vỗ béo để tận thu lấy thịt. Đặc biệt trong chăn nuôi bò thịt việc sinh sản thường được điều khiển theo mùa vụ. Sau một vụ phối giống những bò cái không thụ thai sẽ được loại thải để đưa vào vỗ béo khai thác thịt mà không nuôi để chờ
đến vụ phối giống sau vì như thế sẽ không kinh tế. Thời gian nuôi béo thông thường là 2 – 3 tháng phụ thuộc vào độ béo ban đầu và nguồn thức ăn. Không nên kéo dài thời gian vỗ béo quá 3 tháng vì lúc này bò sẽ có tăng trọng kém, hiệu quả chuyển hoá thức ăn thấp và do đó mà hiệu quả kinh tế sẽ bị hạn chế.
8.3.2. Khẩu phần thức ăn để vỗ béo
a. Vỗ béo bằng thức ăn xanh
Hình thức này được thực hiện trong mùa vụ nhiều cỏ xanh. Có 2 cách vỗ béo bằng thức ăn xanh:
- Vỗ béo trên đồng cỏ: Trên cơ sở điều khiển sinh sản sẽ có được những đàn bê đồng đều và đến giai đoạn đưa vào vỗ béo thì năng suất đồng cỏ cao. Lúc đó đàn bê được chăn thả luân phiên trên đồng cỏ với thời gian từ 12 – 24 giờ/ngày. Trong thời gian chăn thả bê sử dụng được một lượng lớn thức ăn xanh trên đồng cỏ. Tuy vậy, cũng cần cung cấp cho chúng một lượng thức ăn tinh nhất định: Giai đoạn đầu vỗ béo 20 – 25 % và cuối giai đoạn vỗ béo 30 – 35 % giá trị năng lượng của khẩu phần.
- Vỗ béo tại chuồng: Áp dụng đối với những nơi không có đồng cỏ chăn thả nhưng lại có điều kiện để thâm canh đồng cỏ thu cắt với năng suất cao. Cỏ được thu cắt và cho ăn tại chuồng kết hợp cùng với thức ăn tinh.
b. Vỗ béo bằng thức ăn ủ xanh
Đối với những cơ sở tự túc được thức ăn có thể vỗ béo bằng thức ăn ủ xanh trong vụ thiếu cỏ xanh. Hiện nay ở các nước tiên tiến thức ăn ủ xanh được sử dụng quanh năm vì cho ăn thức ăn này tiện lợi cho việc phối trộn với thức ăn tinh và thức ăn bổ sung có thể phân phát dễ dàng thông qua một hình thức cơ giới hoá hay tự động hoá.
Thức ăn ủ xanh không cân bằng dinh dưỡng nên khi nuôi bò cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết.Lượng thức ăn tinh cần bổ sung khoảng 25 – 30 % hoặc cao hơn, phải cho ăn cùng để cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu sản xuất của bò. Khẩu phần thích hợp chứa 50 – 65 % thức ăn xanh. Nếu thức ăn ủ xanh chứa nhiều axit thì phải trung hoà bớt bằng dung dịch nước vôi 1,5 – 2 %, hay dùng dung dịch ammoniac 25 % với 12 – 14 lít/tấn. Ngoài ra, trong khẩu phần nên có một lượng cỏ khô khoảng 5 – 15 % (0,8 – 1 kg/100 kg trọng lượng).
Khi vỗ béo bò bằng thức ăn ủ xanh cần bổ sung thêm vitamin A vì mặc dù trong thức ăn ủ xanh có khá nhiều caroten nhưng khả năng chuyển hoá caroten thành vitamin A của bò thịt không được tốt. Ngoài vitamin A không cần bổ sung
thêm các loại vitamin khác nếu như bò được chiếu sáng đầy đủ (Vitamin D được hình thành dưới da).
Bổ sung các loại khoáng như canxi, photpho, muối, lưu huỳnh, coban, sắt… Khoáng có thể bổ sung theo một tỷ lệ nhất định trong khẩu phần hoặc cung cấp dưới dạng bò có thể ăn tuỳ thích bằng cách cho trâu bò liếm đá liếm tự do ở chuồng nuôi.
c. Vỗ béo bằng phụ phẩm
Hình thức này có thể áp dụng ở những nơi có công nghiệp chế biến: - Chế biến tinh bột: Bã bia, bã rượu.
- Chế biến thực phẩm: Rỉ mật, bã đậu phụ, bột xương, khô dầu các loại. - Chế biến rau quả: Các loại bã dứa, vỏ hoa quả.
Với các thức ăn trên có thể phối hợp với các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ khô để nuôi vỗ bò thịt. Khi dùng các phụ phẩm phải được bảo quản tốt vì đấy đều là những loại thức ăn có tỷ lệ nước cao, hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất dễ lên men chua và thối.
Thường dùng các loại phụ phẩm vỗ béo bê với thể trọng ban đầu không dưới 250 – 270 kg và qua 3 tháng vỗ béo đạt đến 340 – 360 kg. Vỗ béo bằng phụ phẩm mà trọng lượng ban đầu thấp sẽ không có hiệu quả bởi vì sẽ không cho phép nâng thể trọng của bò đến mức mong muốn, không cho độ béo cao và chất lượng thịt tốt.
d. Vỗ béo bằng thức ăn tinh
Hiện nay ở một số nơi trên thế giới người ta tiến hành vỗ béo bò bằng khẩu phần dựa trên thức ăn tinh là chủ yếu. Thức ăn tinh dùng để vỗ béo dựa trên các loại hạt ngũ cốc và họ đậu, các hỗn hợp thức ăn có thành phần đặc biệt, đồng thời đảm bảo một lượng xơ thích hợp cần cho hoạt động tiêu hoá được bình thường. Tỷ lệ thức ăn tinh so với thức ăn thô trong khẩu phần có thể là 4:1.
8.3.3. Quản lý bò vỗ béo
a. Quản lý bò mới đưa vào vỗ béo
Bò trước lúc giết thịt thường được chuyển hay mua về để vỗ béo ở một nơi tập trung. Bò mới đưa vào vỗ béo cần khoảng 2 tuần để thích nghi với môi trường mới. Có thể áp dụng các biện pháp sau đây để ổn định bò mới đưa vào vỗ béo:
- Nhốt tách riêng những bò mới đưa vào vỗ béo nhằm không cho chúng ở cạnh những con cũ đã thích ứng rồi. Khi vỗ béo trong chuồng, đàn bò vỗ béo thường được chia nhóm gồm 10 con cùng giới tính, cùng tuổi và trọng lượng ở trong cùng ô chuồng. Nên tránh thay đổi cấu trúc đàn vỗ béo hoặc di chuyển đàn bò vỗ béo đi chỗ khác vì mọi sự thay đổi này đều làm giảm mức tăng trọng của đàn bò.
- Bò mới phải được nghỉ ngơi ở những khu vực khô ráo, sạch sẽ và không được nhốt bò quá chật chội.
- Trong thời gian này cần đánh dấu, thiến (nếu chưa thiến trước đó), kiểm tra sức khỏe cơ thể, tẩy giun sán, phun ve và tiêm phòng cho bò.
- Nơi tiếp nhận bò nên làm dạng chuồng chỉ có mái che để bò có thể tự do chọn hoặc ở dưới mái hay ở ngoài trời.
- Cung cấp đầy đủ nước uống sạch có tác dụng cực kỳ quan trọng vì bò có xu