CHƯƠNG : KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 4.1 KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO SỬ DỤNG HÓA CHẤT NÔNG NGHIỆP TRONG CANH TÁC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Trang 26 - 28)

4.1. KẾT LUẬN

1/ Tại các tỉnh thuộc ĐBSCL, với 3 nhóm đất chính có đặc điểm là cần ít nhu cầu dinh dưỡng về đạm nhưng nông dân tại đây lại bón thừa đạm, thiếu lân và thiếu kali. Chính vì vậy, việc tăng cường hơn nữa tỷ lệ bón lân và kali, giảm lượng đạm, tăng phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh để cải thiện điều kiện dinh dưỡng cây trồng ở vùng ĐBSCL, cũng như cải thiện được chất lượng nước mặt ở những nơi đang có dấu hiệu phú dưỡng hóa được nghiên cứu sinh tập trung đề xuất.

2/ Thuốc trừ sâu đang được sử dụng trong canh tác ở ĐBSCL khá đa dạng về thành phần và thay đổi về tỷ lệ các loại thuốc. Ngoài ra, thời gian dừng thuốc trước khi thu hoạch đối với các vườn cây ăn quả là từ 7-10 ngày và đối với rau màu là từ 3-5 ngày.

3/ Thông qua việc phun xịt quá liều lượng và tần suất cao hơn mức bình thường, nghiên cứu sinh đã đề xuất việc hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sử dụng HCNN, tần suất sử dụng, cũng như liều dùng để đạt hiệu quả mong muốn, tránh lãng phí lượng HCNN, tiết kiệm chi phí đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho môi trường.

4/ Với tỷ lệ bón đạm cao, lân và kali thấp, phân hữu cơ thấp như trong kết quả điều tra chứng tỏ nông dân còn thiếu hiểu biết về dinh dưỡng cây. Riêng đối với phân vi sinh, tuy người dân ở ĐBSCL có nhận thức tốt về tính năng bảo vệ môi trường của loại phân này nhưng hiện nay rất ít nông dân sử dụng do giá cả chưa hợp lý và nhiều người vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả do loại phân này mang lại nên kết quả điều tra chưa thấy xuất hiện.

5/ Việc lạm dụng HCNN, nhất là các HCNN không có nhãn mác, nguồn gốc trôi nỗi đã làm tích lũy một lượng lớn các thuốc thuộc họ Chlor hữu cơ và Phosphor hữu cơ trong nước mặt. Ngoại trừ Dimethoate đang được phép sử dụng, còn lại các thuốc được phân tích là những thuốc nằm trong danh mục cấm sử dụng từ những năm 1997 và 1998 nhưng vẫn phát hiện sự tồn dư trong nước mặt, chứng tỏ môi trường ở đây vẫn đang tiếp nhận các thuốc cấm sử dụng này.

6/ Luận án cũng tập trung vào việc phân tích, đánh giá sự tồn dư của HCNN trong các loại hình canh tác nông nghiệp chủ yếu với kết quả nghiên cứu thể hiện sự tồn dư của các thuốc cấm thuộc cả 2 họ Chlor hữu cơ và Phosphor hữu cơ ở nhiều điểm vượt quá giới hạn cho phép của QCVN 15 - 2008. Sự tích lũy này một mặt là do trong quá trình sản xuất nông dân thiếu hiểu biết về độc tính của các thuốc cũng như cách thức sử dụng, mặt khác là do việc quản lý kém hiệu quả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ thực vật.

7/ Kết quả phân tích Enzyme Cholinesterase trong huyết tương động mạch một số mẫu điển hình đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đều có sự giảm về hoạt độ ở những tỷ lệ khác nhau nhưng nhìn chung họ đang có dấu hiệu bị ngộ độc với đa phần là ở cấp độ nhẹ và một số đang bị nhiễm độc ở cấp độ vừa phải.

8/ Đối với sự tồn dư của phân bón trong môi trường nước, đa số các mẫu nước mặt phân tích được đều phát hiện đã bị ô nhiễm hoặc đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số dinh dưỡng. Đặc biệt là các thông số có liên quan đến phân đạm thường ở mức rất cao, đây là hệ quả của việc sử dụng phân bón thiếu hợp lý.

9/ Nghiên cứu sinh đã xác định được mối quan hệ giữa HCNN trong đất và nước thông qua các phân tích hồi quy đơn biến, đa biến, xây dựng phương trình hồi quy tuyến tính quan hệ giữa hàm lượng HCNN đưa vào đất và hàm lượng HCNN trong nước mặt, nước ngầm và xác định được độ tin cậy của phương pháp phân tích.

10/ Thông qua kế quả nghiên cứu của luận án, một số giải pháp mang tính tổng hợp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiến tới một nền nông nghiệp sạch theo quan điểm phát triển bền vững cũng được nghiên cứu sinh tập trung đề xuất.

4.2. KIẾN NGHỊ

- Cần tiếp tục nghiên cứu sự tồn dư của HCNN trong nông sản thực phẩm (đặc biệt là các nông sản xuất khẩu) ở ĐBSCL.

- Tiếp tục nghiên cứu về chu chuyển của HCNN trong các các thành phần môi trường và trong cơ thể sinh vật.

DANH MỤC CÁC BÀI BÁO VÀ CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC NGHIÊN CỨU SINH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN NGHIÊN CỨU SINH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

Một phần của tài liệu Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO SỬ DỤNG HÓA CHẤT NÔNG NGHIỆP TRONG CANH TÁC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Trang 26 - 28)