nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc VN. Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam cũng may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng 3 Dù ai buôn bán đâu xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng 3 mồng mười”. Tương truyền rằng:
Vua đầu nước ta là Kinh Dương Vương, cháu bốn đời của Viêm Đế Thần Nông (vị thần coi về nông nghiệp của trời) Kinh Dương Vương lấy thần Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đi tuần thú, gặp Âu Cơ ở động Lăng Xương kết duyên vợ chồng, đưa về núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm con. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân nói: “ Ta giống Rồng, nàng giống Tiên không thể ở lâu với nhau được” bèn chia 49 con theo Âu Cơ lên núi, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, người con cả ở lại nối ngôi, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Văn Lang, Phong Châu, (Phú Thọ ngày nay), truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương.
Người Việt Nam nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang, nên đã xây đền thờ ở núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu (Phú Thọ) để thờ phụng. + Đền Hùng là quần thể di tích lịch sử quốc gia, ghi dấu tích các vua Hùng buổi ban đầu dựng nước, gắn với huyền thoại được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Hiện nay theo các tài liệu khoa học, nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng (thế kỉ X). Đến thời Hậu Lê (thế kỉ XV) được xây dựng hoàn chỉnh như quy mô hiện nay.
Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, cách thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Khu vực Đền Hùng nằm ngay trong địa phận kinh đô Phong Châu của quốc gia cổ Văn Lang xưa. Khu di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm ba đền chính là Đền Hạ, Đền Trung và đến Đền Thượng theo thứ tự từ chân núi đi lên.
+ Cổng đền: Được xây dựng từ năm 1917 dưới thời vua Khải Định.
+ Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con.
+ Đền Trung: Tương truyền là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn núi Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
+ Đền Thượng: Đền được dặt ở đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết, các vua Hùng thường đến tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngòaì cổng đền có dòng đại tự “Nam Việt triều tổ” có nghĩa là Tổ tiên của người Việt.
+ Lăng Hùng Vương: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía Đông đền Thượng, quay mặt theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, năm 1870 vua Tự Đức cho xây mộ, dựng lăng. Năm 1922 vua Khải Định cho trùng tu lại.
+ Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con của vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỉ XVIII.
+ Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được xây dựng vào năm 2001, hoàn thành vào năm 2004. Đền được xây dựng ở núi Ốc Sơn.
Lễ hội Đền Hùng cũng được gọi là Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên lễ hội diễn ra từ nhiều ngày trước đó và kết thúc với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Hai lễ được cử hành vào ngày chính hội:
- Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá dưới những tán lá cây để đến đỉnh núi Thiêng.
- Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên.
Phần Hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: thi hát Xoan, thi vật, thi kéo co hay bơi trải ở nga ba sông Bạch Hạc nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh.
Ngày nay cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội đền Hùng, tổ tiên người Việt luôn nhắc nhở con cháu: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỉ cương, phép nước để gia đình hòa thuận, xã hội phồn vinh.
Thông qua ngày Giổ Tổ, tổ tiên ta cũng nhắc nhở hậu thế kế sách giữ nước, an dân.
Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức "uống nước nhớ nguồn" nên giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại.
Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Trước bao biến động thăng trầm của lịch sử, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.
+ Từ năm 2007, giỗ Tổ Hùng Vương được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành quốc giỗ. + Năm 2009, Đảng, nhà nước ta tổ chức giỗ tổ Hùng Vương lần đầu tiên theo hình thức góp giỗ.