NỘI TÂM QUA VÀI NÉT NGOẠI HÌNH TIÊU BIỂU:

Một phần của tài liệu một vài phương diện về kỹ thuật tự sự (Trang 26 - 28)

III. MÔ TẢ, PHÂN TÍCH TÂM LÝ NHÂN VẬT

1. NỘI TÂM QUA VÀI NÉT NGOẠI HÌNH TIÊU BIỂU:

Một nhân vật phải được xem xét đầy đủ về ngoại hình và nội tâm của nó. Không phải ngẫu nhiên mà Tạ duy Anh dành ra khá nhiều cho việc miêu tả, khắc hoạ chân dung ngoại mạo của nhân vật. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung xem xét vài nét về các chi tiết khuôn mặt, ngôn ngữ, cử chỉ và hành động “khóc” của nhân vật.

Tuy không phải là những nét nổi bật về sự cách tân độc đáo, song những chi tiết này cũng không nằm ngoài “chủ tâm” của tác giả trong việc qua một số chi tiết “đắt giá” ấy sẽ cho ta cái nhìn sâu hơn về nội tâm nhân vật. Thử làm một phép thống kê sẽ thấy trong tiểu thuyết chưa đầy 250 trang ấy, tác giả đã nhắc đi nhắc lại một số hình ảnh khá nhiều lần. Đó là khuôn mặt lão Khổ: “Nét mặt nhàu nát thảm hại” (trang 28) trong đêm cô đơn, hay “có đêm lão ngồi uống rượu và cứ cười ha ha. Vợ lão chồm dậy và thất kinh: Mặt lão như bị nhuốm bằng máu. Lão cười đầy vẻ man rợ” (trang 75); hoặc là khuôn mặt “hốc hác vì đói khát, mất ngủ

do phải chầu chực” (trang 10) sau ba hôm vác đơn đi kiện. Đó là khuôn mặt gồ ghề, góc cạnh, trên đó có cảm tưởng như ghi đậm khắc sâu dấu ấn vùng đất mà lão sống - cái “làng Đồng quỷ ám” đầy hận thù với những lời nguyền rủa độc địa, nơi bóp nghẹt mọi ước mơ ở trên đời. Có tới sáu lần nhà văn miêu tả nhân vật cùng với hình ảnh những giọt nước mắt: “Lão thấy tan nát gan ruột... Từ kẽ tay lão dân dấn bò ra những giọt nước mắt” (trang 36), “tự dưng lão Khổ ứa nước mắt khi chạm vào tay vợ, hình như lão chỉ toàn mang nỗi khổ trút lên vợ lão. Nước mắt lão lại ứa ra” (trang 148), “Nhiều đêm lão ngồi một mình bên chai rượu, để mặc nước mắt chảy lặng thầm trên má” (trang 165), “nước mắt chảy thành dòng trên mặt” (trang 183) hay chi tiết: “Lão lặng lẽ ngồi vào chỗ của lão, lặng lẽ hút thuốc, lặng lẽ vò tóc, lặng lẽ khóc thầm” (trang 189); hoặc “phải thấy là phần lớn thời gian lão ngồi như hóa đá, tay đỡ vầng trán đồ sộ. Lão đang ngẫm thế sự bằng nỗi đau thường trực. Một lần lão bảo, nếu không tin thì sống bằng gì? Cứ thế lão ôm mặt khóc rưng rức, khóc không giấu giếm.” (trang 249). Hành động “xọc tay lên mớ tóc” và “ngồi như hóa đá” cũng được miêu tả nhiều lần. Các chi tiết này xuất hiện với tần số và mật độ khá dày: “Lão xọc tay lên mớ tóc, dứt mạnh mấy cái, giơ ra trước đèn thổi phù đi” (trang 7), “lão đưa tay sục lên mớ tóc lưa thưa đỡ lấy đầu, mặt như bị vạc bằng rìu” (trang 36), “Lão Khổ đưa tay nắm mớ tóc lơ thơ trên đầu” ( trang 55), và “ngồi như hóa đá giữa mảnh vườn”, “đứng như hóa đá... lòng tan nát bởi nỗi đau không cùng”. Bằng ấy các chi tiết thuộc về ngoại mạo đã đủ làm nổi bật tính cách và cuộc đời nhân vật. Những giọt nước mắt ấy, khuôn mặt ấy, cái tư thế bất động và cử chỉ lặp lại ấy đều tập trung toát lên cái ý khắc họa tính cách, sâu hơn là tâm trạng của lão. Qua các chi tiết đó, sắc thái tình cảm và tâm trạng nhân vật phần nào được bộc lộ. Đấy là chưa kể đến hệ thống ngôn ngữ lạ lùng mà tác giả trao cho nhân vật - ngôn ngữ cộc lốc, nhát gừng, thô, tục, chát chúa, không kiềng nể bất cứ cái gì cả. Tất cả đều mang dụng ý nhấn mạnh cá tính “cá biệt” của lão già “nông dân thất học lại là hiện thân

của lịch sử” kia. Các chi tiết ấy chỉ là vài nét chấm phá nhưng lại giàu sức biểu cảm và sức gợi, thể hiện ngòi bút thông minh sắc sảo của Tạ Duy Anh trong khắc họa nhân vật.

Một phần của tài liệu một vài phương diện về kỹ thuật tự sự (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(46 trang)
w