NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐANG TĂNG TRƯỞNG TỐT
“Chiến lược phát triển CNTT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”
được Thủ tướng duyệt ngày 6/10/2005 đã xác định rõ “CNTT và truyền thông là công cụ hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được nhà nước ưu tiên, quan tâm hỗ trợ và khuyến khích phát triển”. Định hướng phát triển đến năm 2015 là xây dựng Việt Nam điện tử với công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử và thương mại điện tử để VN đạt trình độ khá trong khu vực ASEAN, kỳ vọng đạt tổng doanh số khoảng 15 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Do vậy, tiềm năng phát triển ngành CNTT là rất lớn trong những năm tới.
Thực hiện chiến lược trên, ngành CNTT VN nói chung đang đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Trung bình trong giai đoạn 2005-2008, ngành đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong khi thế giới chỉ đạt tốc độ khoảng 5,5%/năm.
Biểu đồ 3.2: Tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành CNTT giai đoạn 2005-2009
Theo dự báo của IDC - một tổ chức nghiên cứu thị trường có uy tín, tốc độ tăng trưởng ngành CNTT ở VN sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức 17%-20% trong các năm tới.
Biểu đồ 3.3: Dự báo tăng trưởng ngành CNTT giai đoạn 2009-2013
NHU CẦU TÍCH HỢP HỆ THỐNG CÒN RẤT LỚN
Hạ tầng và mức độ ứng dụng CNTT của chính phủ và doanh nghiệp VN còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cho nên, đây là thị trường rộng lớn để các doanh nghiệp trong mảng tích hợp hệ thống tiếp tục khai thác.
Tại kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử VN giai đoạn 2006-2010, thủ tướng đã chỉ đạo đến năm 2010 phải đưa các dịch vụ công lên mạng, trong đó ưu tiên các dịch vụ: thuế điện tử, hải quan điện tử, các thủ tục XNK điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng… Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2009 (nguồn: website Bộ Công thương) của Bộ Công thương, một số chương trình về dịch vụ công trực tuyến đã và đang được triển khai như:
- Đề án quản lý và cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (eCosys) do Bộ Công thương chủ trì.
- Dự án ứng dụng TMĐT vào mua sắm công do Bộ KH&ĐT chủ trì.
- Dự án thủ tục hải quan điện tử do Bộ Tài chính chủ trì.
- Dự án khai và nộp thuế điện tử do Bộ Tài chính chủ trì.
Trong thị trường tài chính, Bộ tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…) thống nhất sử dụng các tiêu chuẩn công nghệ ứng dụng trao đổi, tích hợp thông tin. Cho nên, thời gian qua, có rất nhiều ngân hàng lớn đã tập trung đầu tư công nghệ để theo kịp tiêu chuẩn công nghệ như Vietcombank, Viettinbank, Techcombank, Agribank, Đông Á... Kho bạc nhà nước (KBNN) đang trong giai đoạn kết thúc dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin – tin học KBNN đến năm 2010 và đang xây dựng chiến lược ứng dụng CNTT đến năm 2020. Cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2007, nhiều công ty chứng khoán lớn cũng nhanh chóng thiết lập hệ thống tích hợp để phục vụ khách hàng, nhất là từ sau khi hình thức giao dịch “không sàn” có hiệu lực từ tháng 1/2009 đối với HOSE và từ tháng 2/2010 đối với HNX. Đây là mảng thị trường được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tích hợp hệ thống tập trung phục vụ trong thời gian vừa qua. Với khoảng trên 40 ngân hàng cùng trên 100 công ty CK đang hoạt động, thị trường công nghệ phục vụ cho ngành tài chính đang là một thị trường hấp dẫn.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang ráo riết triển khai hệ thống thông tin trong quản lý để nâng cao trình độ và hiệu quả hoạt động. Kinh Đô, Vinamilk, Tân Hiệp Phát, ICP… lần lượt triển khai hệ thống ERP trong quản trị doanh nghiệp. Đây là một tín hiệu khả quan thể hiện khả năng nắm bắt xu hướng hiện đại hóa hệ thống thông tin của các doanh nghiệp, có tác dụng tạo ra xu hướng cho các doanh nghiệp còn lại.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường IDC (www.idc.com), tốc độ tăng trưởng các hoạt động dịch vụ CNTT (không bao gồm thiết bị phần cứng) trong giai đoạn 2008-2013 nằm trong khoảng 16-18%/năm.
Biểu đồ 3.4: Dự báo tăng trưởng các hoạt động dịch vụ CNTT của Việt Nam (ĐVT: triệu USD) giai đoạn 2009-2013
Trong mảng tích hợp hệ thống, về phía các công ty cung cấp dịch vụ, có thể dễ nhận thấy hoạt động này đang chiếm một tỷ trọng đáng kể trong lợi nhuận của các công ty công nghệ hàng đầu. Chẳng hạn, trong năm 2009, tập đoàn FPT đạt lợi nhuận 1.700
tỷ thì có đến 540 tỷ (~ 30%) từ công ty CP tích hợp hệ thống (nguồn: FPT công bố thông tin ngày 19/1/2010). Với CMC, đơn vị đứng thứ 2 trên thị trường công nghệ,
mảng tích hợp hệ thống (từ công ty CMC SI) cũng giúp đem lại lợi nhuận ổn định
khoảng 40-50% tổng lợi nhuận trong 3 năm qua (nguồn: Bản cáo bạch CMC, trang 36/97).
Như vậy, có thể nói, trong giai đoạn Việt Nam đang phát triển và hội nhập nhanh chóng với thế giới hiện nay, ngành CNTT nói chung và mảng tích hợp hệ thống nói riêng đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Nhu cầu tích hợp hệ thống là lớn và là cơ sở để các công ty tích hợp hệ thống tiếp tục đề ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 20-30% trong các năm tiếp theo.