Đối với các nước châu Á, chôn lấp chất thải rắn vẫn là phương pháp phổ biến để tiêu huỷ vì chi phí rẻ. Trung Quốc và Ấn Độ có tỷ lệ chôn lấp tới 90%. Tỷ lệ thiêu đốt chất thải của Nhật Bản và Đài Loan (TQ) vào loại cao nhất, khoảng 60-80%. Hàn Quốc chiếm tỷ lệ tái chế chất thải cao nhất, khoảng trên 40%.
Các bãi chôn lấp chất thải được chia thành 3 loại: bãi đổ lộ thiên, bãi chôn lấp bán vệ sinh (chỉ đổ đất phủ) và bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Chất lượng của các bãi chôn lấp chất thải liên quan mật thiết với GDP. Các bãi chôn lấp hợp vệ sinh thường thấy ở các nước có thu nhập cao, trong khi đó các bãi đổ hở phổ biến ở các nước đang phát triển. Tuy vậy, các nước đang phát triển đã có nỗ lực cải thiện chất lượng các bãi chôn lấp, như Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các bãi đổ hở năm 1991 và ấn Độ đã hạn chế chôn lấp các loại chất thải khó phân huỷ sinh học, chất thải trơ và các loại chất thải có thể tái chế.
Thiêu đốt là phương pháp tiêu huỷ tốn kém về xây dựng và vận hành. Trong 10 năm qua, lượng chất thải tiêu huỷ bằng phương pháp thiêu đốt chiếm tới 73-78%. Từ cuối những năm 90, Hàn Quốc và Đài Loan đã áp dụng phương pháp thiêu đốt nhiều hơn để xử lý chất thải rắn. Do tốn kém, phương pháp thiêu đốt chất thải nói chung không được chấp nhận ở nhiều nước, thậm chí trường hợp của Philipin cấm thiêu đốt chất thải rắn đô thị, chất thải y tế và chất thải nguy hại, theo quy định của Đạo luật Không khí sạch năm 1999, RA8749.
Đối với chất thải hữu cơ, ủ phân compost là phương pháp tiêu huỷ chủ yếu. Ấn Độ và Philipine ủ phân compost tới 10% lượng chất thải phát sinh. Tại hầu hết các nước, tái chế chất thải đang ngày càng được coi trọng.