Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về hoạt động kiểm toán độc lập (Trang 26 - 31)

2.4.1. Quan tâm đến chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo.

Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều Học viện, Trường đại học, Cao đẳng đào tạo chuyên ngành kế toán- kiểm toán. Tuy nhiên sau khi kết thúc quá trình đào tạo tại các cơ sở này, hầu hết các sinh viên đều phải đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu làm việc tại các công ty kiểm toán. Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để sau khi ra trường, các sinh viên này có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học vào trong công việc thực tế, và các bằng cấp của các cơ sở này có được sự thừa nhận rộng rãi của quốc tế? Có thể nêu ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo như sau:

• Chuẩn hóa hơn nữa khung chương trình đào tạo từ phía cơ quan chức năng ban hành;

• Xây dựng lộ trình tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới;

• Coi trọng hơn nữa việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ Giảng viên tại các cơ sở đào tạo;

• Đối tượng học phải có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với các nội dung, chương trình mới;

• Tạo nên sự gắn kết hơn nữa giữa Cơ quan chủ quản, các Hiệp hội nghề nghiệp với các cơ sở đào tạo và giữa các cơ sở đào tạo với nhau.

2.4.2. Đổi mới công tác thi tuyển cấp chứng chỉ Kiểm toán viên hành nghề

Mười bảy năm hình thành và phát triển kiểm toán độc lập cũng là mười bảy năm hình thành và phát triển của hoạt động đào tạo và thi tuyển Kiểm toán viên Việt Nam, đã góp phần hình thành một đội ngũ đông đảo những

người hành nghề kế toán, kiểm toán đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao, càng nhanh về quy mô và chất lượng của hoạt động kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, chúng ta cần đổi mới cách thức ôn, thi và cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam vốn tồn tại từ năm 1992 trở lại đây để cho đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Sau đây là một số gợi ý cho việc đổi mới cách thức ôn, thi và cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên:

• Cần cơ cấu lại số lượng và nội dung các môn thi, chia thành ba cấp độ khác nhau: Đại cương, Trung cấp, Nâng cao. Số lượng các môn thi nên nhiều hơn, về nhiều lĩnh vực khác nhau như Tài chính, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Thuế, Luật Kinh tế, Đầu tư…

Về đối tượng dự thi: Mở rộng đối tượng dự thi cho những người tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh hoặc kinh tế có thời lượng học các môn chuyên ngành (kế toán, kiểm toán, tài chính, phân tích hoạt động kinh tế) chiếm tỷ lệ lớn. Những người tốt nghiệp chuyên ngành khác có thời lượng học các môn chuyên ngành thấp thì cho học chuyển đổi thêm các môn chuyên sâu về Kế toán tài chính, kế toán quản trị, tài chính doanh nghiệp, phân tích hoạt động tài chính để có đủ điều kiện dự thi.

Về biên soạn tài liệu học: Phải lựa chọn một cơ sở đào tạo đảm trách về việc biên soạn và xuất bản tài liệu học thi KTV. Bộ Tài chính hoặc VACPA đưa ra chương trình học và yêu cầu giảng dạy từng môn. Chương trình học phải gắn liền với thực tiễn và hướng dẫn tới phần thực hành nhiều hơn. Cần cập nhật các kiến thức mới trong các tài liệu nước ngoài để dần xóa bỏ sự khác biệt giữa phương pháp tiếp cận của Việt Nam và quốc tế.

Về tổ chức học ôn: Thời lượng ôn từng môn nhiều hơn và thời gian học dài hơn, học dãn cách ngoài giờ hành chính và tận dụng những ngày nghỉ.

Về tổ chức và quản lý thi tuyển và cấp chứng chỉ KTV: Cần được Bộ Tài chính chuyển giao hoàn toàn cho Hội Kiểm toán viên hành nghề đảm

trách. Tham gia thành viên Hội đồng thi vẫn có đại diện của Bộ Tài chính, trường Đại học, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng thi bằng hệ thống văn bản pháp lý và các quy chế.

2.4.3. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên.

Trong mọi nghề nghiệp, để người hành nghề có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và phục vụ tốt nhất cho khách hàng, các cơ quan chức năng, phải thiết lập các quy định cho người hành nghề. Kế toán, kiểm toán là nghề mang tính chuyên nghiệp cao, vì vậy, càng cần phải chịu sự chi phối bởi các quy định có liên quan.

Trong những năm gần đây, việc nhiều công ty bị phá sản do lỗi của công ty kiểm toán không còn xa lạ. Sở dĩ có tình trạng này là một nguyên nhân hết sức quan trọng, không giải quyết được các xung đột lợi ích trong quá trình hành nghề, một vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức của người hành nghề kiểm toán. Để khôi phục lòng tin của công chúng, IFAC cũng như hội nghề nghiệp kiểm toán ở nhiều quốc gia trên thế giới đã hiệu đính chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã có những thay đổi về luật pháp để điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm bảo vệ cho lợi ích của công chúng và nền kinh tế.

Không nằm ngoài xu hướng chung của quốc tế, tháng 12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán, kiểm toán. Nhìn chung, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì để chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được các thành viên tôn trọng chấp hành đúng đắn, không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy. Như vậy, để các quy định về đạo

đức nghề nghiệp đi vào thực tế, cần phải có một cơ chế giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó, tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định.

Thành lập Ban đạo đức nghề nghiệp

Để hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp và đưa ra những hướng dẫn chi tiết cần thành lập một Ủy ban phụ trách về đạo đức nghề nghiệp. Do nhiều nội dung của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp không phải là vấn đề của luật pháp, vì vậy, việc ban hành và giám sát không nên giao phó cho các cơ quan nhà nước mà nên giao cho hội nghề nghiệp đảm nhận. Nhưng trong giai đoạn đầu, Uỷ ban này nên là bộ phận tư vấn cho Bộ Tài chính để hiệu đính chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi hội nghề nghiệp đủ mạnh, sẽ đảm nhận vai trò cập nhật, sửa đổi các quy định đạo đức nghề nghiệp và lúc đó, Uỷ ban này sẽ trực thuộc Hội.

Thành lập Ủy ban kỷ luật

Để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật, cần thành lập Ban phụ trách về kỷ luật. Do Bộ Tài chính đã giao cho VACPA việc hướng dẫn và kiểm tra thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề nên Uỷ ban kỷ luật nên trực thuộc VACPA. Uỷ ban này sẽ có trách nhiệm điều tra về bất cứ trường hợp nào được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, Uỷ ban này cũng sẽ mở các cuộc điều tra riêng nếu nhận được các thông tin về vấn đề được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn thông qua đơn khiếu nại hay các phương tiện thông tin đại chúng.

Thành lập Uỷ ban Giám sát chất lượng kiểm toán đối với các công ty kiểm toán.

Việc thành lập Ủy ban Giám sát chất lượng kiểm toán đối với các công ty kiểm toán là rất cần thiết để đảm bảo các công ty kiểm toán hoạt động theo đúng chuẩn mực, chế độ. Ủy ban này phải liên kết với Uỷ ban Chứng khoán và thực hiện chương trình kiểm tra kết hợp giữa Hội nghề nghiệp và Ủy ban Chứng khoán

Đối với các công ty kiểm toán cho các công ty không niêm yết, cần có sự kiểm tra hoạt động kiểm toán đều đặn theo định kỳ ít nhất 3 năm một lần. Việc kiểm tra này chủ yếu sẽ do hội nghề nghiệp thực hiện nhưng do Bộ Tài chính phê chuẩn danh sách công ty được kiểm tra cũng như thành viên ban kiểm tra.

Đối với các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán cho các công ty niêm yết, cần có sự kiểm tra đều đặn theo định kỳ 3 năm 1 lần bởi một Uỷ ban có thành phần gồm đại diện của Hội nghề nghiệp và Uỷ ban chứng khoán theo quyết định của Bộ Tài chính.

2.4.4. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm toán. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Từ khi hoạt động kiểm toán bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định về kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đã ban hành khoảng 25 quyết định, thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán và của kiểm toán viên, về đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán, về quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán, về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, đã hỗ trợ sự ra đời của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và đặc biệt là đã xây dựng và ban hành hệ thống 38 chuẩn mực kỹ thuật nghiệp vụ cho hoạt động kiểm toán. Do nhu cầu về dịch vụ kiểm toán ngày càng tăng lên và dần trở thành nhu cầu tất yếu trong xã hội, rất cần thiết phải có những quy định cụ thể, bắt buộc đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Xuất phát từ yêu cầu đó, hiện nay Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo Luật Kiểm toán độc lập, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2010. Đây sẽ là điểm đột phá cho hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt

Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần phải tiến hành đôn đốc công việc soạn thảo Luật, để Luật được ban hành đúng thời hạn. Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật, cần phải kịp thời đưa ra các hướng dẫn cụ thể để Luật nhanh chóng đi vào thực tế.

Hệ thống chuẩn mực kiểm toán của Việt Nam, được ban hành từ năm 1999 đến 2005 tới nay đã có nhiều điều khoản bị lạc hậu, chưa cập nhật kịp thời với hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã thay đổi. Do vậy, yêu cầu đặt ra trước mắt là phải cập nhật hệ thống 38 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cho phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã thay đổi và thực tế nền kinh tế thị trường Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhằm đạt được sự công nhận quốc tế về chất lượng thong tin đã được kiểm toán, nhất là trong điều kiện các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến đầu tư vốn vào thị trường.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về hoạt động kiểm toán độc lập (Trang 26 - 31)