Phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp:

Một phần của tài liệu Một số khuyến nghị đối với Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh hóa qua phân tích tình hình tài chính (Trang 27 - 28)

Trên thực tế, để tiến hành phân tích tài chính doanh nghiệp, các nhà phân tích thường sử dụng kết hợp rất nhiều phương pháp khác nhau để có thể hiểu rõ tối đa các khía cạnh trong bức tranh hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai phương pháp cơ bản và phổ biến nhất hiện nay là phương pháp so sánh và phương pháp phân tích tỷ lệ.

Phương pháp so sánh: Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong phân tích tài chính nói riêng và phân tích kinh tế nói chung. Mục tiêu của phương pháp này là xác định mức biến động tuyệt đối và tương đối cũng như xu hướng biến động của các chỉ tiêu tài chính. Tuy nhiên về nguyên tắc, để áp dụng được phương pháp này cần phải đảm bảo các điều kiện có thể so sánh được, đó là: Các chỉ tiêu phân tích cần phải thống nhất với nhau về không gian, thời gian, nội dung và tính chất kinh tế, đơn vị và phương pháp tính toán.

Nội dung so sánh bao gồm:

So sánh số thực hiện kì này và số thực hiện kì trước về cả số tuyệt đối và số tương đối để thấy được xu hướng biến động về tài chính của doanh nghiệp.

So sánh số thực hiện trong kì với số kế hoạch nhằm đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp.

So sánh với số liệu của các doanh nghiệp khác trong ngành để thấy được tình hình và vị thế tài chính của doanh nghiệp đang nghiên cứu trong lĩnh vực mà nó hoạt động.

So sánh theo chiều dọc để xem xét tỷ trọng và mức độ ảnh hưởng của từng chỉ tiêu riêng biệt đối với chỉ tiêu tổng thể.

Phương pháp phân tích tỷ lệ: Đây là một phương pháp truyền thống trong phân tích tài chính doanh nghiệp. Các tỷ số được thiết lập giữa các chỉ tiêu có mối quan hệ tài chính với nhau và sự biến động của tỷ lệ đó chính là sự biến đổi của các chỉ tiêu tài chính. Tuy nhiên, sau khi tính toán các tỷ số thì vấn đề quan trọng đặt ra là phải xác định được các ngưỡng, các định mức để có thể rút ra được nhận xét, đánh giá, kết luận về tình hình tài chính của doanh nghiệp trên cơ sở so sánh các tỷ lệ này và các tỷ số tham chiếu.

Như vây, phương pháp tỷ số luôn phải sử dụng kết hợp với phương pháp so sánh. Trên thực tế, cũng giống như các chỉ tiêu tài chính, các tỷ lệ tài chính cũng được phân thành các nhóm có chung nội dung phản ánh như: Nhóm tỷ số thanh toán, nhóm tỷ số về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhóm tỷ số về cơ cấu vốn và nhóm các tỷ số về khả năng sinh lời. Tùy theo mục đích phân tích, các đối tượng quan tâm có thể lựa chọn một hay nhiều nhóm tỷ lệ chủ đạo khác nhau.

Ngoài ra, một số phương pháp khác cũng hay được sử dụng hiện nay như: Phương pháp phân tích Dupont, phương pháp này tách các chỉ tiêu tài chính thành một chuỗi các tỷ số có mối quan hệ nhân quả với nhau, từ đó giúp các nhà phân tích nhận biết được nguyên nhân dẫn đến sự biến động của các chỉ tiêu, nguyên nhân của các hiện tượng tốt, xấu trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đánh giá được mức độ và tính chất ảnh hưởng của từng nhân tố lên chỉ tiêu tổng hợp.

Phương pháp dự đoán, đây là phương pháp sử dụng các số liệu trong quá khứ của doanh nghiệp để thiết lập các phương trình hồi qui, các bài toán qui hoạch hay các mô hình kinh tế lượng, qua đó biết được mối quan hệ giữa các hiện tượng kinh tế đang xảy ra trong doanh nghiệp và đưa ra được những dự đoán mang tính qui luật trong tương lai. Phương pháp phân tích nhân tố, phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp cân đối, …

Một phần của tài liệu Một số khuyến nghị đối với Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh hóa qua phân tích tình hình tài chính (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w