Khi Ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng, quyền quản lý và sử dụng vốn vay hoàn toàn tuỳ thuộc vào người vay, chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn vay cao hay thấp phụ thuộc vào người sử dụng và có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu nợ của Ngân hàng. Do đó, Ngân hàng cần phải luôn luôn có những thông tin đầy đủ và xác thực nhất về khách hàng của mình để có những biện pháp ứng xử kịp thời. Để làm được việc này, một mặt Ngân hàng phải coi khách hàng của mình là bạn hàng, bình đẳng với nhau trong kinh doanh, mặt khác phải xem xét đánh giá khách hàng một cách đúng đắn về các mặt: Tình hình tài chính, tính khả thi của dự án, uy tín và người đứng đầu của doanh nghiệp. Từ đó, Ngân hàng mới có thông tin đầy đủ về khách hàng vay vốn.
Để có thể tiến hành sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải có một lượng vốn nhất định và huy động các nguồn vốn cần thiết cho nhu cầu của quá trình kinh doanh, đồng thời phải phân phối và quản lý số vốn đó một cách hợp lý, có hiệu quả nhất đảm bảo cho quá trình tái sản xuất được liên tục, giá trị vốn không ngừng được tăng lên, luôn giữ uy tín đối với chủ nợ trong quá trình thanh toán công nợ. Việc thường xuyên xem xét, phân tích đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ giúp Ngân hàng nắm được thực trạng hoạt động, xác định rõ nguyên
nhân, mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố khác nhau đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tình hình tài chính của một khách hàng bao gồm các mặt: Khả năng bảo toàn phát triển vốn, khả năng thanh toán, tình hình chiếm dụng và bị chiếm dụng vốn, kết quả hoạt động về mặt tài chính, tình hình lỗ lãi trong kinh doanh...Từ đó, đánh giá tình hình khả năng trả nợ vay Ngân hàng, tình hình chấp hành những qui định, thể lệ, nguyên tắc vay vốn tín dụng của khách hàng. Thông qua việc đánh giá các mặt hoạt động tài chính của khách hàng, Ngân hàng có thể đưa ra những quyết định đúng đắn kịp thời trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
Việc đánh giá tính khả thi của dự án cũng là một việc làm không thể thiếu được đối với Ngân hàng trước khi ra quyết định bỏ vốn đầu tư. Chất lượng đánh giá càng cao thì tính mạo hiểm và rủi ro trong cho vay càng giảm. Khi đánh giá, xem xét mọi dự án kinh doanh cần lưu ý: Nghiên cứu cơ hội đầu tư, tính khả thi của dự án...Căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng khai thác chế biến và vận chuyển chúng, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và giá cả thị trường, mối quan hệ giữa các ngành trong nước và quốc tế, trình độ trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ được áp dụng...Từ đó, nghiên cứu và dự tính được doanh thu, chi phí và lợi nhuận mà dự án mang lại, xác định thời gian thu hồi vốn, trả nợ vay và nguồn trả nợ.
Vấn đề cuối cùng đánh giá về khách hàng là tìm hiểu uy tín và trình độ của những người đứng đầu doanh nghiệp hoặc khách hàng vì người này có vai trò rất quan trọng đối với chất lượng và hiệu quả của quá trình kinh doanh. Một người có uy tín, có kiến thức kinh doanh, biết nhìn xa trông rộng sẽ lãnh đạo công việc kinh doanh thành công, tránh được mọi rủi ro. Ngân hàng có thể đánh giá khách hàng theo các tiêu chuẩn sau đây:
Thứ nhất: Năng lực kinh doanh, sự nhạy bén, ý chí, tự tin của khách hàng, khả năng và thế mạnh trong việc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.
Thứ hai: Lựa chọn khách hàng có trình độ học vấn, được đào tạo và trang bị những kiến thức cần thiết, có sự am hiểu về lĩnh vực kinh doanh và có trình độ tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh.
Thứ ba: Phải xem xét phẩm chất đạo đức của khách hàng, tránh tình trạng gian lận, lừa đảo, thất tín khi sử dụng những khoản tín dụng lớn.
Trên cơ sở những thông tin thu thập được, Ngân hàng sẽ tiến hành lập hồ sơ của khách hàng, và thường xuyên bổ sung thêm những thông tin mới. Từ đó, có thể có hai cách xử thế khi khách hàng có đơn đề nghị xin vay vốn:
- Nếu tình hình khách hàng là tốt, đáng tin cậy thì ngân hàng sẽ cho vay, thậm chí có thể có những ưu đãi như tăng mức dư nợ và không cần tăng mức đảm bảo hoặc cho vay bằng tín chấp.
- Nếu tình hình khách hàng có những dấu hiệu không bình thường như doanh nghiệp sử dụng được vốn nhưng đang ở tình trạng nợ hoặc khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường có xu hướng giảm do việc xuất hiện một loại hàng tốt hơn. Khi đó, Ngân hàng chưa vội thiết lập mối quan hệ tín dụng mà phải tìm cách trao đổi với khách hàng để làm rõ sự việc và tìm biện pháp giải quyết.
Tóm lại: Để đảm bảo khoản vay có chất lượng cao, Ngân hàng cần tiến hành những bước sau:
Thường xuyên phân tích và đánh giá hoạt động của khách hàng và những yếu tố liên quan khác tới việc cấp tín dụng tập trung vào một số các mặt sau:
- Nghiên cứu năng lực pháp lý của khách hàng.
- Nghiên cứu khả năng tài chính của khách hàng, khả năng trả nợ, xem xét qui mô hoạt động vốn cố định, trình độ kỹ thuật, năng lực sản xuất kinh doanh và cạnh tranh (số lượng và chất lượng sản phẩm thị trường tiêu thụ, thị trường cung cấp), vật tư hàng hoá...kết quả hoạt động tài chính (nguồn vốn tăng giảm, lỗ lãi), tình hình công nợ (các khoản phải thu ngắn – dài hạn, nợ khó đòi mất khả năng thanh toán, các khoản phải trả, nợ ngân sách, nợ Ngân hàng, nợ các khách hàng, nợ nước ngoài, trong đó nợ quá hạn đánh giá khả năng trả nợ).
Năng lực và phẩm chất của người điều hành: Khả năng kinh doanh, uy tín trên thị trường và với Ngân hàng.
Năng lực kinh doanh: Xem xét chiến lược khách hàng, chiến lược sản phẩm, tổ chức mạng lưới kinh doanh, khả năng sinh lời.