Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam (Trang 25 - 28)

Tất cả những hạn chế làm cho DNNN kém năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước đã nêu ở trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

- DNNN mặc dù được đầu tư nhiều nhưng năng lực cạnh tranh lại kém là do sử dụng vốn quá lãng phí. Không ai chịu lãng phí tài sản của mình còn tài sản của Nhà nước thì hoàn toàn có thể, chỉ cần làm không sai luật hoặc không bị luật pháp truy cứu. Theo số liệu thống kê năm 2007, cả nước còn gần 3000 doanh nghiệp nhà nước các loại đang nắm giữ 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư của Nhà nước, 70% tổng vốn vay các ngân hàng nước ngoài và gần 60% tổng lượng vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước…nhưng chỉ đóng góp cho 40% thu nhập trong GDP của cả nước mỗi năm.

- Chính sách tài chính tín dụng tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện và chưa đòi hỏi đúng mức để DNNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động trong sản xuất kinh doanh, tích tụ vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ; chưa hoàn thiện và phát triển được đồng bộ thị trường vốn để tạo ra sự chu chuyển vốn thông suốt trong toàn bộ xã hội, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt là vốn ban đầu, DNNN nói chung không được đầu tư đấy đủ mà chỉ đầu tư vào tài sản cố định. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được vốn lưu động tối thiểu. Bên cạnh đó thì hệ thống ngân hàng chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, thúc đẩy sức cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, vẫn chưa xóa bỏ được sự ưu tiên, ưu đãi có phân biệt giữa DNNN và DNTN về việc tiếp cận nguồn tài chính tín dụng trong ngành nghề, cùng lĩnh vực.

- Người được giao trọng trách quản lý tài sản nhà nước tại DNNN thường là hội đồng quản trị do chủ tịch đứng đầu. Những ông chủ này không có đầy đủ quyền năng bao gồm quyền sử dụng, chuyển nhượng và định đoạt. Thường thì họ không có một đồng vốn nào trong DNNN nhưng lại được tiêu tiền thật. Một trong những cách tiêu tiền quen thuộc là thông qua việc đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị để nâng giá khống. Những chuyện như thế trên thực tế diễn ra rất nhiều và điều này tất yếu sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vì thế, năng lực cạnh tranh sẽ giảm theo.

- Nhà nước thường có những chính sách ưu đãi đối với các DNNN. Chính sự bao cấp, ưu ái nhiều đã làm cho nhiều DNNN chỉ biết trông chờ vào Nhà nước hơn là phải tự thân vận động trong khi thương trường cần sự năng động, nhạy bén và quyết đoán.

- Đầu tư của DNNN còn dàn trải, doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng phát triển một số ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính của doanh nghiệp dẫn đến phân tán nguồn vốn, vốn đã ít lại chứa đựng thêm nhiều rủi ro gây ra khả năng cạnh tranh kém.

- Một nguyên nhân quan trọng hơn cả nằm ở cơ chế tổ chức và hoạt động của các DNNN mà cốt lõi là quyền lợi và nghĩa vụ của những người được giao điều hành, quản lý doanh nghiệp; vấn đề khuyến khích đối với người lao động. Bất cứ tổ chức, các nhân nào đều hành động vì lợi ích của họ. Một khi lợi ích cá nhân không trùng khớp với lợi ích tập thể thì doanh nghiệp đó hoạt động sẽ kém hiệu quả, thậm chí còn bị thiệt hại rất lớn.

- Hệ thống pháp luật chưa thực sự rõ ràng cho nên gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, do đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của DNNN.

- Ngoài ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN rất thấp, công tác xử lý nợ và giám sát tài chính còn hạn chế là do hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN thấp. Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình hình thua lỗ kéo dài. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn thì 4/19 doanh nghiệp (21%) được kiểm toán trong năm 2004 lỗ 124 tỉ đồng; 11/19 doanh nghiệp (58%) có lỗ lũy kế đến ngày 31-12-2004 lên tới 1.058 tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp được kiểm toán là rất thấp, như Tổng công ty Vật liệu xây dựng chỉ 0,18%, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là 0,42%, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 là 0,45%, Tổng công ty Dệt may Việt Nam là 0,8%.

Tóm lại, bên cạnh những thương hiệu và uy tín mà DNNN Việt Nam đã tạo dựng nên từ lâu, bên cạnh những chất lượng sản phẩm tốt được đa số người tiêu dùng bình chọn là “hàng Việt Nam chất lượng cao” thì nhìn một cách tổng thể ta thấy năng lực cạnh tranh của các DNNN ở Việt Nam hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thậm chí, năng lực cạnh tranh của khu vực DNNN còn thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các DNNN Việt Nam thì điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải đưa lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, quyết tâm thực hiện đổi mới với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

CHƯƠNG 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THÚC ĐẨY

Một phần của tài liệu Các giải pháp nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam (Trang 25 - 28)