HÀNG THƯƠNG MẠ
4.3.2 Nguyên nhân
4.3.2.1 Nguyên nhân từ phía Ngân hàng Nhà nước
Nội dung giám sát chưa đầy đủ và toàn diện: Mặc dù, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng bước đầu đã có những chuyến biến tích cực về nội dung giám sát; theo đó, nội dung giám sát đã được mở rộng theo hướng tiếp cận dần với phương pháp giám sát dựa trên rủi ro. Tuy nhiên, với yêu cầu trong giám sát hoạt động của Ngân hàng thương mại ngày nay không chỉ dừng lại ở giám sát và đánh giá các loại rủi ro Ngân hàng đang đối mặt, mà phải
giám sát và đánh giá được khả năng quản trị rủi ro của Ngân hàng đó thì nội dung giám sát của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước hiện tại vẫn chưa đầy đủ. Hoạt động của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước hiện tại với nội dung giám sát trong hoạt động giám sát từ xa và hoạt động thanh tra tại chỗ được nêu ra trong các quyết định đã phân tích ở trên thì nội dung giám sát trong các quyết định này vẫn chưa đề cập đến hoạt động quản trị rủi ro trong nội bộ các Ngân hàng cũng như việc đánh giá chiến lược quản trị rủi ro của các Ngân hàng. Ngoài ra, nội dung giám sát của Ngân hàng Nhà nước hiện nay cũng chưa toàn diện do các nội dung giám sát chưa được tổng hợp và đánh giá tổng thể đối với toàn hệ thống Ngân hàng.
Phương pháp giám sát chưa rõ ràng: Khi số lượng Ngân hàng còn ít, loại hình Ngân hàng chủ yếu là Ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ tập trung vào các hoạt động truyền thống thì phương pháp giám sát mà NHNN thực hiện chủ yếu là thanh tra và kiểm tra tính tuân thủ của các Ngân hàng thương mại với các quy định pháp lý về hoạt động Ngân hàng thông qua các đoàn thanh tra trực tiếp đến Ngân hàng. Tuy nhiên, phương pháp này hiện nay tỏ ra không còn hiệu quả đối với một hệ thống Ngân hàng đã gia tăng cả về số lượng, quy mô và loại hình. Việc xác định một phương pháp giám sát phù hợp đang được đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước và vẫn chưa có quyết định chính thức về phương pháp giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ là giám sát dựa trên rủi ro hay giám sát theo CAMELS. Điều này cũng gây ra hạn chế đối với việc xác định nội dung giám sát vì nội dung giám sát cần được xây dựng phù hợp với phương pháp giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức giám sát chưa có sự phối hợp chặt chẽ: Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bộ phận thanh tra giám sát với hai chức năng chính là giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện giám sát là theo hai cấp gồm: Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố. Tại Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, thành lập Phòng Giám sát phân tích chuyên thực hiện công tác giám sát từ xa. Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, công tác giám sát từ xa chủ yếu là kiêm nhiệm. Tổ chức công tác giám sát theo hai cấp, thực hiện giám sát đối với cả các chi nhánh của tổ chức tín dụng là không phù hợp do các chi nhánh của tổ chức tín dụng không phải là đơn vị hạch toán độc lập, các chỉ số tuân theo Luật ngân hàng không áp dụng đối với chi nhánh, kết quả hoạt động ở các chi nhánh chịu sự điều hành của Ngân hàng mẹ.
Quy trình giám sát chưa thống nhất: Quy trình giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa tạo được sự phối hợp giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, các bước trong quy trình vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động thanh tra tại chỗ và cụ thể đối với các Ngân hàng thương mại mà chưa xây dựng được các báo cáo tổng thể mang tính cảnh báo trong hoạt động của Ngân hàng thương mại.
Trình độ cán bộ giám sát chưa chuyên nghiệp: Các cán bộ thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu được đào tạo các nghiệp vụ thanh tra tại chỗ, do giai đoạn trước yêu cầu của thanh tra là thanh tra tính tuân thủ của các Ngân hàng thương mại. Do vậy, các kiến thức chuyên môn về hoạt động giám sát từ xa liên quan đến tổng hợp phân tích dữ liệu tổng thể, dự đoán và cảnh bảo tình hình chưa được phổ biến và đào tạo có tính chuyên nghiệp đối với các cán bộ thanh tra.
Chế độ thông tin báo cáo còn thiếu và chưa đầy đủ: Thông tin từ trước đến nay mà bộ phận giám sát từ xa sử dụng để cập nhật và phân tích được khai thác trên cơ sở nguồn thông tin của Cục Công nghệ tin học ngân hàng. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trung ương chỉ nhận các báo cáo tài chính trực tiếp từ các Hội sở chính Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương. Còn lại, tất cả các Ngân hàng thương mại cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các quỹ tín dụng nhân dân cở sở, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh các Ngân hàng thương mại nhà nước đều thực hiện báo cáo thông qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố mới chuyển thông tin cho Cục Công nghệ tin học Ngân hàng. Điều này đã phần nào làm giảm tính kịp thời và tính chính xác của thông tin khi bộ phận giám sát từ xa của Vụ Thanh tra sử dụng và khai thác thông tin. Bên cạnh đó, các chi nhánh và các Ngân hàng thương mại cổ phần cũng như nước ngoài, các chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước,… hoạt động trên các địa bàn vẫn luôn phải thực hiện báo cáo thông tin cho Hội sở chính ngân hàng của mình. Điều này có nghĩa là các ngân hàng này luôn phải duy trì hai luồng thông tin là báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và báo cáo cho Hội sở chính của hệ thống ngân hàng của mình. Việc phải duy trì hai hệ thống thông tin báo cáo như vậy có thể dẫn đến sự lãng phí và trùng lặp.
4.3.2.2 Nguyên nhân xuất phát từ Ngân hàng thương mại
Nhận thức của Ngân hàng thương mại về hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa đúng đắn: Do Ngân hàng thương mại vẫn chịu ảnh hưởng tâm lý từ giai đoạn trước là chịu sự thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về sự tuân thủ các quy định luật pháp về hoạt động Ngân hàng. Vì vậy, các Ngân hàng thương mại vẫn cho rằng hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước là một hoạt động mang tính kiểm tra và xử phạt đối với những ngân hàng không chấp hành các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, tâm lý của Ngân hàng thương mại thường mang tính chất đối phó với các hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin của Ngân hàng thương mại còn hạn chế: Cũng xuất phát từ tâm lý và nhận thức nêu trên, mà thông thường các Ngân hàng thương mại không tự giác đối với việc cung cấp thông tin cho bộ phận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, các Ngân hàng thương mại cũng chưa xây dựng được hệ thống quản lý thông tin và quản trị dữ liệu một cách hoàn thiện và hiệu quả trong nội bộ ngân hàng.
4.3.2.3 Các nguyên nhân khác
Các quy định pháp lý chưa rõ ràng: Trong Luật Ngân hàng Nhà nước được Quốc hội thông qua, vị thế của Thanh tra Ngân hàng được xác định là tổ chức Thanh tra chuyên ngành về ngân hàng vừa làm chức năng Thanh tra Bộ (xét giải quyết khiếu nại, tố cáo), vừa làm chức năng thanh tra, giám sát hoạt động đối với các tổ chức tín dụng với mục đích là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ chính sách tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, luật pháp về Ngân hàng chưa quy định và phân biệt rõ khái niệm về hoạt động giám sát và hoạt động thanh tra. Trên thực tế, hoạt động của bộ phận thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ chú trọng đến các hoạt động thanh tra kiểm tra thực tế, mà chưa hiểu chính xác vai trò của Ngân hàng Nhà nước là phải tiến hành giám sát các hoạt động của Ngân hàng thương mại một cách thường xuyên liên tục. Điều này cũng một phần do quy định của pháp luật chỉ quy định về hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, mà chưa đưa ra khái niệm chuẩn xác về hoạt động giám sát mà Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện. Khái niệm “giám sát” là một khái niệm rộng hơn, bao trùm hoạt động thanh tra có tính chất hỗ trợ cho hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Chưa có sự phối hợp của các tổ chức thanh tra, giám sát, kiểm toán khác:Công tác giám sát tổng thể nói chung vẫn chưa xây dựng được một hệ thống hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương và các cơ quan giám sát có liên quan, chia sẻ các thông tin phù hợp giữa các cơ quan chính thức, cả trong nước và nước ngoài chịu trách nhiệm về sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính; sự hợp tác này cần được hỗ trợ bởi những cơ chế bảo vệ tính bảo mật của những thông tin giám sát và đảm bảo là các thông tin này chỉ được sử dụng cho các mục đích có liên quan tới việc giám sát hiệu quả các tổ chức có liên quan.