Nghệ thuật

Một phần của tài liệu Giáo trình những nền văn minh thế giới (Trang 44 - 45)

Âm nhạc thời cận đại thế kỉ XVIII với sự đóng góp của những nhạc sĩ lớn như Bách, Môza, thì đế thế kỉ XIX có sự đóng góp vĩ đại của Bêtôven (Ludwig van Beethoven - Đức), Sôpanh (Fréderic Chopin - Ba Lan)...

Hội hoạ theo xu hướng lãng mạn thường đi tìm những phương trời xa lạ. Danh hoạ Pháp Đơlacroa (Delacroix) thường vẽ những kị sĩ Arập, những cuộc đi săn. Đến cuối thế kỉ XIX, danh hoạ người Tây Ban Nha là Goya đã vẽ những cảnh tàn khốc trong cuộc chiến tranh chống Napôlêông.

Điêu khắc thế kỉ XIX không để lại nhiều tác phẩm như thời Phục hưng. Nhà điêu khắc Pháp Bactônđi (Bartholdi) đã hoàn thành bức tượng Nữ thần tự do để chính phủ Pháp gửi tặng nước Mĩ. Khải hoàn môn ở Pari và nhiều dinh thự ở Pari cũng còn giữ lại được một số tác phẩm điêu khắc giá trị của thế kỉ XIX.

Kiến trúc Âu - Mĩ thế kỉ XIX rất đa dạng, thể hiện một sự giao lưu văn hóa rộng mở. Nét mới về kiến trúc giai đoạn này là quan điểm hiện thực xâm nhập vào kiến trúc qua các vật liệu mới như thép, bê tông, kính dày. Một nhà kiến trúc Mĩ là Lui Sulivan (Louis Sulivan) đã đưa vào các công trình kiến trúc tư tưởng công năng. Theo ông, các công trình kiến trúc phải được thiết kế phù hợp với chức năng của chúng. Chẳng hạn một ngân hàng hiện đại không thể giống một đền đài tôn giáo, một thương xá không thể giống một lâu đài trung cổ. Đặc biệt là kiến trúc hành chính thời kì này thể hiện một phong cách rõ rệt mà tiêu biểu là tòa nhà Quốc hội Mĩ (1793-1851) và tòa nhà Quốc hội Anh (1840-1865).

Thời cận đại, đặc biệt là giai đoạn thế kỉ XIX đã đánh dấu bước ngoặt căn bản chuyển từ lao động bằng tay sang lao động bằng máy. Loài người đã chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Nền văn minh công nghiệp đã tạo ra cách nhìn mới, kéo theo những biến đổi lớn về chính trị, văn hóa, xã hội. Loài người bước vào một giai đoạn mới của văn minh nhân loại.

VĂN MINH THẾ GIỚI THẾ KỶ XXI- Văn minh thế giới nửa đầu thế kỷ XX: I- Văn minh thế giới nửa đầu thế kỷ XX:

1. Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Liên Xô

Đầu thế kỉ XX, nước Nga là nơi chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt của thế giới: mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản, giữa địa chủ với nông dân, giữa chế độ của đế quốc Nga hoàng với các dân tộc thuộc địa, giữa đế quốc Nga với các đế quốc khác. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy các mâu thuẫn đó tới cực điểm.

Tháng 2-1917 đã nổ ra cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Nga. Cuộc cách mạng tháng 2/1917 đã lật đổ chế độ chuyên chế của Nga hoàng, nước Nga trở thành một nước Cộng hòa tư sản. Thắng lợi này có ý nghĩa rất to lớn đối với lịch sử nước Nga.

Tháng 4-1917 Lênin từ nước ngoài trở về đã viết bản “Luận cương tháng Tư”. Bản Luận cương tháng Tư đã vạch ra con đường đưa nước Nga từ một chế độ cộng hòa tư sản tiến tới chế độ Xô Viết.

Đảng Bônsêvích và V. I. Lênin đã lãnh đạo giai cấp công nhân Nga cùng nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Mười (theo lịch chung toàn thế giới là 7-11-1917). Cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nước Nga mà còn ảnh hưởng sâu đậm tới lịch sử thế giới.

Ngay trong đêm thắng lợi đầu tiên của Cách mạng, chính quyền Xô Viết do Lênin đứng đầu đã ban hành Sắc luật về hòa bình và Sắc luật về ruộng đất. Tới tháng 3-1918 chính quyền Xô Viết đã được thiết lập trong cả nước.

Chính quyền Xô Viết đã ban hành một loạt những sắc lệnh quan trọng khác như, xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp và mọi tươc vị phong kiến; tuyên bố quyền bình đẳng nam nữ; Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc; tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng.

Từ năm 1917 đến 1920, Nước Nga Xô Viết đã phải chống lại nạn ngoại xâm và nội phản. Sau khi đẩy lùi nạn ngoại xâm và nội phản, ngày 30-12-1922 Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã được thành lập (gọi tắt là Liên Xô). Liên Xô lúc đầu gồm có 4 nước cộng hòa Liên bang (Nga, Ucraina, Bêlarutxia và Capcadơ), 13 nước cộng hòa tự trị và 6 tỉnh tự trị. Sau khoảng nửa thế kỉ phát triển, tới giữa thế kỉ XX Liên Xô đã gồm 15 nước cộng hòa liên bang và 20 nước cộng hòa tự trị, 8 tỉnh tự trị và 10 khu dân tộc.

2. Những thành tựu chủ yếu trong công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô

Một phần của tài liệu Giáo trình những nền văn minh thế giới (Trang 44 - 45)