Rủi ro đối với nhà nhập khẩu:
Việc thanh toán của ngân hàng cho nhà xuất khẩu chỉ căn cứ vào bộ chứng từ xuất trình mà không căn cứ và việc kiểm tra thực tế hàng hóa. Ngân hàng chỉ kiểm tra tính hợp lệ bề ngoài của chứng từ. Nếu nhà xuất khẩu chủ tâm gian lận có thể xuất trình chứng từ giả mạo cho ngân hàng chỉ định để thanh toán. Như vậy, sẽ không có sự đảm bảo nào cho nhà nhập khẩu rằng hàng hóa sẽ đúng như hợp đồng về số lượng, chủng loại và không bị hư hỏng gì. Trong trường hợp này nhà nhập khẩu vẫn phải hoàn trả đầy đủ tiền đã thanh toán cho NHPH.
Rủi ro đối với nhà xuất khẩu:
Khi nhà xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ không phù hợp với L/C thì mọi thanh toán đều có thể bị từ chối và nhà xuất khẩu sẽ phải tự giải quyết. Nhà xuất khẩu phải trả các khoản chi phí như tàu lưu quá hạn, phí lưu kho, mua bảo hiểm hàng hóa,… trong khi không biết nhà nhập khẩu có đồng ý nhận hàng hay từ chối nhận hàng vì lý do bộ chứng từ bị sai sót. Nếu NHPH hoặc NHXN mất khả năng thanh toán thì mặc dù bộ chứng từ được xuất trình có hoàn hỏa cũng không được thanh toán.
Rủi ro đối với NHPH:
NHPH là ngân hàng đại diện cho người nhập khẩu, nó cung cấp tín dụng cho người nhập khẩu. NH này thường được 2 bên nhập khẩu và xuất khẩu thỏa thuận lựa chọn và được quy định trong hợp đồng, nếu chưa có sự quy định trước, người nhập khẩu có quyền lựa chọn. Rủi ro đối với NHPH là ở chỗ NHPH phải thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng theo quy định của L/C trong trường hợp nhà nhập khẩu chủ tâm không thanh toán hoặc mất khả năng thanh toán. Vì thế, trước khi chấp nhận phát hành L/C, NH cần thẩm định một cách chặt chẽ giống như việc cấp một khoản tín dụng cho khách hàng.
Rủi ro đối với NHTB:
NHTB là ngân hàng được NHPH yêu cầu thông báo một L/C do NH phát hành mở cho người bán. NHTB phải chịu trách nhiệm về tính chân thật, hợp lệ của thư tín dụng (bao gồm cả việc xác minh chữ kí, khóa mã, mẫu điện,…) trước khi gửi thông báo cho nhà xuất khẩu. Rủi ro đối với NHTB xảy ra khi gặp phải một L/C giả (hoặc sửa đổi giả) mà không có ghi chú gì. Theo thông lệ quốc tế thì NHTB phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với các bên liên quan.
Rủi ro đối với NHđCĐ:
NhđCĐ không có một trách nhiệm nào phải thanh toán cho nhà xuất khẩu trước khi nhận được tiền từ NHPH. Tuy nhiên trong thực tế, các NHđCĐ thường ứng trước tiền cho nhà xuất khẩu với điều kiện có truy đòi (with recourse) để trợ giúp cho nhà xuất khẩu. Do đó, ngân hàng này thường phải tự chịu rủi ro tín dụng đối với NHPH hoặc nhà xuất khẩu.
Rủi ro đối với NHXN:
NHXN thường là ngân hàng lớn có uy tín hoặc ngân hàng có quan hệ tiền gửi, tiền vay với NHPH, được NHPH yêu cầu xác nhận và cam kết trả tiền cho người bán nếu NHPH không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Đối với NHXN, khi tham gia xác nhận là họ đã tự ràng buọc trách nhiệm của mình vào nghĩa vụ thanh toán L/C khi có tranh chấp giữa hai bên. Rủi ro đối với NHXN xảy ra khi có tranh chấp giữa hai bên. Rủi ro của NHXN xảy ra khi họ không nắm vững được năng lực tài chính của NHPH mà xác nhận theo yêu cầu của NHPH để rồi khi xảy ra hậu quả thì lại phải chịu trách nhiệm thanh toán thay cho NHPH hoặc có thể do NHPH không có thiện chí trả tiền hoặc NHPH đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Rủi ro đối với NHCK:
NHCK là NH được chỉ định cụ thể hoặc có thể là bất cứ ngân hàng nào nếu L/C quy định là chiết khấu tại bất cứ ngân hàng nào. Rủi ro của NHCK phụ thuộc vào thiện chí trả tiền của NHPH và của nhà nhập khẩu. Rủi ro của NHCK có thể gặp phải đó là NHPH có thể từ chối thanh toán bộ chứng từ, hoặc có thể bộ chứng từ có thể bị thất lạc trong quá trình vận chuyển tới cho NHPH.
Ngoài các rủi ro có thể xảy ra trong quy trình nghiệp vụ thanh toán chứng từ gây ảnh hưởng đến các bên như đã trình bày ở trên, các rủi ro khác có thể gặp phải trong phương thức thanh toán này là:
Rủi ro đạo đức:
Rủi ro đạo đức là những rủi ro xảy ra khi một trong các bên tham gia cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình, gây ảnh hưởng đến các bên còn lại. Rủi ro đạo đức cũng có thể xuất phát từ phía người bán, phía người mua hoặc từ phía ngân hàng.
Rủi ro chính trị, pháp lý:
Rủi ro chính trị, pháp lý trong TDCT là những rủi ro xảy ra khi có sự biến động về tình hình kinh tế, chính trị, pháp lý của các nước có liên quan. Như ta có thể thấy tại những nước đang phát triển, hệ thống pháp lý chưa ổn định, thường xuyên sửa chữa, bổ sung sẽ dễ dàng gây ra rủi ro cho các bên tham gia. Vì những thay đổi này có thể làm cho một trong các bên tham gia từ chối không thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó những sự kiện như xung đột, mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái, chiến tranh, bạo loạn, đình công, … nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh toán. Ngoài ra các biến động kinh tế, thị trường của quốc gia, khu vực hay thế giới cũng luôn đe dọa đến hoạt động thanh toán TDCT.