Xác định đúng tầm quan trọng của công nghệ và việc hiện đại hoá công nghệ là một trong những điều kiện cơ bản để hướng tới việc đảm bảo các chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng là điều tất yếu phù hợp với tiềm lực tài chính của ngân hàng, phù hợp với mặt bằng chung về công nghệ của đất nước, đảm bảo xu thế chung của khu vực và quốc tế. Ngày nay, các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau theo hướng phát triển đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mà chất lượng dịch vụ ngân hàng luôn phụ thuộc và trình độ công nghệ ngân hàng. Nếu trình độ công nghệ ngân hàng không tiên tiến, hiện đại thì chất lượng dịch vụ cũng không thể nâng cao được. Do đó một xu thế tất yếu là các các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển và nâng cao chất lựong dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng cần tăng mức vốn đầu tư để trang bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, góp phần làm đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, tăng cường trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác thu thập và xử lý thông tin; tiếp tục triển khai các mô hình tổ chức và mô thức quản trị hiện đại, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; phát triển hệ thống thông tin quản trị; tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới,… Đồng thời, ngân hàng nên nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng nhằm đảm bảo dữ liệu truy xuất nhanh chóng để đảm bảo cho Ban điều hành có các quyết định kịp thời nhằm hạn chế rủi ro lãi suất.
Ngoài ra, để phòng tránh các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung cũng như rủi ro lãi suất nói riêng, ngân hàng cần phải tiếp tục nâng cao năng lực tài chính của mình. Hết quý I năm 2009, ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 1.500 lên 2.240 tỷ đồng. Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ đã đáp ứng kịp thời nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh, phù hợp với tốc độ tăng trưởng thực tế của Maritime Bank. Lượng vốn tăng lên này sẽ được sử dụng
cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng và cấp thêm nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu vay của các cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài ra, để bảo đảm tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng theo quy định, tăng vốn là điều kiện cần thiết để Maritime Bank có thể đầu tư cho các dự án trung, dài hạn cũng như tiếp cận với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngân hàng có thể nâng cao năng lực tài chính của mình bằng việc đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, điều chỉnh lãi suất tiền gửi trung và dài hạn hợp lý. Ngân hàng cũng cần cơ cấu đầu tư vốn trong điều kiện mới theo hướng, giảm dần tỷ trọng cho vay ngắn hạn, tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn, phát triển cho vay tiêu dùng đối với các cá nhân trong nền kinh tế.
KẾT LUẬN
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của các ngân hàng luôn gắn liền với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội. Các ngân hàng thương mại nước ta không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên tự khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hoạt động kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều biến động, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi ngân
hàng. Do đó, việc nghiên cứu rủi ro là một công việc tuy rất phức tạp nhưng lại mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho hoạt động ngân hàng. Vấn đề kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung cũng như rủi ro lãi suất nói riêng luôn được ngân hàng TMCP Hàng Hải quan tâm, bàn luận và đưa ra những giải pháp tích cực nhằm phân tán, hạn chế tới mức rủi ro thấp nhất. Để có thể kiểm soát rủi ro lãi suất một cách hiệu quả, trước hết ngân hàng cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất một cách linh hoạt, phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần phải xây dựng một quy trình quản lý rủi ro toàn diện đảm bảo phát hiện kịp thời, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro. Hệ thống đo lường rủi ro của ngân hàng sẽ giúp nhận biết và lượng hóa những nguồn chính dẫn đến rủi ro lãi suất của ngân hàng một cách kịp thời và công nghệ là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc đo lường và kiểm soát rủi ro lãi suất. Chính vì vậy, ngân hàng nên chú trọng đầu tư phát triển trình độ công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình để có thể xây dựng một mô hình đo lường rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, để có một hệ thống công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thì tài chính là một vấn đề không thể không bàn đến. Ngân hàng nên sử dụng các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao năng lực tài chính để có thể đáp ứng được các điều kiện cần thiết trong hoạt động kinh doanh của mình.
Với một số giải pháp được đề xuất ở trên, em hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện mô hình quản lý rủi ro lãi suất tại ngân hàng TMCP Hàng Hải, giúp cho ngân hàng có thể xây dựng được một hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả hơn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của rủi ro lãi suất đến hoạt động của ngân hàng.