Kiến nghị hoàn thiện các quy định chung về quyền tác giả

Một phần của tài liệu xâm phạm quyền tác giả ở việt nam – thực trạng và giải pháp (Trang 60 - 63)

Trong bài đã đưa ra một số kiến nghị về yếu tố xâm phạm quyền tác giả và một số hành vi xâm phạm quyền tác giả. Sau đây chúng tôi xin đưa ra thêm một số kiến nghị khác về việc hoàn thiện các quy định chung về quyền tác giả.

- Các văn bản pháp luật về quyền tác giả cần được xây dựng đầy đủ, đồng bộ, có tính hệ thống cao để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, các chủ thể có

thẩm quyền dễ áp dụng vào thực tế. Đồng thời, các quy định của Luật SHTT cần được cập nhật trong các văn bản pháp luật khác, ví dụ như BLHS, BLDS…

- Về thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả”, Điều 36 Luật SHTT quy định:

“Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Như vậy, theo quy định trên, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ được nắm giữ quyền tài sản mà không được nắm giữ quyền nhân thân.

Mặt khác, theo khoản 3 Điều 20 Luật SHTT: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả không chỉ có các quyền tài sản tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, mà còn có cả quyền nhân thân tại khoản 3 Điều 19 Luật SHTT nữa.

Như vậy, quy định tại Điều 36 Luật SHTT về thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” là chưa chính xác, chưa phù hợp với khoản 1 Điều 20 Luật SHTT. Chúng tôi xin kiến nghị sửa lại như sau:

“Điều 36. Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.”

- Về quyền nhân thân tại khoản 4 Điều 19 Luật SHTT: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” .

Quyền nhân thân trên thuộc về tác giả và được bảo hộ vô thời hạn theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những quyền quan trọng nhất nhưng lại hay bị xâm phạm nhất trong thực tiễn. Quy định trên có thể được hiểu là: nếu

một người có hành vi sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm nhưng lại chứng minh được hành vi đó làm cho tác phẩm đó hay hơn trước, hoặc danh dự, uy tín của tác giả không bị gây phương hại, thì người đó không xâm phạm quyền nhân thân của tác giả tại khoản 4 Điều 19 Luật SHTT. Cách hiểu như vậy là không chính xác, bởi lẽ pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ bảo hộ tính nguyên gốc của tác phẩm chứ không bảo hộ chất lượng và nội dung của tác phẩm, do đó, bất cứ hành vi nào sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc tác phẩm đều phải bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả mà không phụ thuộc vào việc hành vi đó có gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả hay không.

Mặt khác, điểm d khoản 2 Điều 738 BLDS 2005 quy định về quyền nhân thân này như sau: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.”

Vì vậy, khoản 4 Điều 19 Luật SHTT nên được sửa lại để phù hợp với quy định trên của BLDS 2005 như sau: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”.

- Về thuật ngữ “bản sao tác phẩm”, khoản 4 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định:“Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm”. Quy định này chưa hợp lý, bởi lẽ nếu bản sao chép một phần tác phẩm được hiểu là bản sao tác phẩm thì phần trích dẫn tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm. Mà hành vi trích dẫn tác phẩm và hành vi sao chép tác phẩm được pháp luật điều chỉnh không giống nhau: Quyền trích dẫn tác phẩm được quy định tại Điều 25 Luật SHTT, không thuộc nội dung quyền tác giả. Trong khi đó, quyền sao chép là một quyền tài sản của tác giả. Do đó, chúng tôi xin kiến nghị sửa quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thành: “Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ tác phẩm”.

Một phần của tài liệu xâm phạm quyền tác giả ở việt nam – thực trạng và giải pháp (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(76 trang)
w