Theo quy định hiện hành, các hộ nông dân được giao đất sử dụng lâu dài khi vay trên 10 triệu đồng phải thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này chỉ có giá trị trên lý thuyết vì trên thực tế khi người vay không trả được nợ thì tài sản là đất nông nghiệp rất khó phát mại và gần như là không thể được. Mặt khác, nông dân được giao đất với thời hạn rất dài thường là trên 20 năm. Do vậy nếu bị Ngân hàng phát mại thì sẽ kiếm sống như thế nào khi mà sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất phi nông nghiệp còn rất hạn chế, gây hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Vì vậy NHNo&PTNT VN cần tìm một hình thức bảo đảm có khả năng thực thi cao nhằm hỗ trợ công tác cho vay của Ngân hàng cũng như việc sản xuất của hộ nông dân.
NHNO&PTNT Việt Nam cần nghiên cứu, tổng kết và cải tiến phù hợp hơn về cơ chế cho vay qua tổ, nhóm, cơ chế giải ngân, thu nợ, mô hình tổ chức cho vay lưu động, xác định rõ hình thức cho vay trang trại để nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tạo thành hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, thuận lợi, mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng với hộ sản xuất.
Về thủ tục cho vay, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cần nghiên cứu thu gọn lại hồ sơ cho vay, để phù hợp với trình độ dân trí ở nông thôn.
Về biện pháp cho vay, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam nên có hướng dẫn cụ thể về cho vay đối với kinh tế trang trại, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và Ngân hàng cho vay.