- Quy trình thẩm định QH tổng thể phát triển KT-XH của Sở KH & ĐT Sơn La đảm bảo các tiêu chí được quy định tại tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Do vậy, với những chủ đầu tư còn hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực sẽ gặp khó khăn khi áp dụng quy trình này. Các QH do chủ đầu tư xây dựng chưa đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải được sửa chữa nhiều lần, thời gian thẩm định QH sẽ bị kéo dài gây ảnh hưởng tới thời gian thực hiện QH.
- Cán bộ làm công tác QH trình độ chuyên môn còn có những hạn chế nhất định, sự am hiểu tình hình thực tế chưa thực sự sâu sắc, do đó khó trách khỏi những yếu kém khi thẩm định QH; hiện tượng QH thiếu tầm nhìn dài hạn, chất lượng chưa cao, chưa sát với thực tế, QH chồng chéo, QH “ treo”, QH thiếu sự chú ý đến yếu tố môi trường và xã hội, thiếu sự phù hợp giữa các loại QH, vẫn còn tồn tại. Mặt khác, do trình độ chuyên môn còn hạn chế nên chất lượng thẩm định QH chưa thực sự đảm bảo, nhiều QH yếu kém vẫn được thông qua.
- Khi tham gia thẩm định QH , một số Sở, ban, ngành có liên quan mới chỉ tham gia góp ý ở mức độ “ hoàn toàn nhất trí” hoặc tham gia một cách hời hợt, thiếu tích cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.
- Sự tham gia của cộng đồng vào công tác thẩm định QH mới chỉ dừng lại ở mức độ tham vấn đa ngành, còn tham vấn quần chúng vẫn chỉ mang tính hình thức. Tuy thời gian và địa điểm họp thẩm định QH đã được chủ đầu tư thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (như truyền thanh, truyền hình) nhưng hầu hết các cuộc họp đều không nhận được sự tham gia của
người dân địa phương. Thẩm định QH vẫn chỉ là công việc của những cán bộ làm QH và những Sở, ban, ngành có liên quan.
- Hiện tại, việc thẩm định QH không chỉ là nhiệm vụ của phòng Quy hoạch. Một số QH như QH phát triển ngành nông nghiệp, QH hệ thống mạng lưới chợ, QH thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ... vẫn do phòng Kinh tế ngành thẩm định. Việc thẩm định này không tuân theo quy trình thẩm định đảm bảo các tiêu chuẩn ISO 9001:2000, nhưng sau khi thẩm định vẫn phải qua phòng Quy hoạch xác nhận.
- Trong quá trình thẩm định, mỗi lần giải quyết công việc, phòng Quy hoạch luôn phải chờ xin xác nhận của Ban giám đốc sở vào "phiếu giải quyết công việc". Đây là một thủ tục không cần thiết mà chỉ làm chậm tiến độ thẩm định quy hoạch của phòng.
- Chưa có sự đồng bộ trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các loại QH, gây ra sự chồng chéo trong quá trình lập, thẩm định, tổ chức thực hiện. Hiện nay, có 3 loại QH được điều chỉnh bởi 3 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau: QH xây dựng được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn; QH sử dụng đất được điều chỉnh bởi Luật Đất đai; QH phát triển được điều chỉnh bởi Nghị định 92, Nghị định 04. Ngoài ra, các QH còn chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược QH.
3.3.3. Kiến nghị
- Đề nghị Sở và Tỉnh tạo điều kiện cho các cán bộ, chuyên viên làm công tác quy hoạch nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sự am hiểu thực tế thông qua các hình thức như:
Mở các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn chuyên về nghiệp vụ QH, các phương pháp và công cụ mới áp dụng trong việc xây dựng, thẩm định QH và tiến hành tham vấn cộng đồng. Đối tượng tham dự các chương
trình, các lớp tập huấn không chỉ có cán bộ làm công tác QH mà nhất thiết phải có thành phần lãnh đạo cấp tỉnh, UBND các cấp. Ngoài ra, những cán bộ nòng cốt và cán bộ lãnh đạo của tỉnh cần được đào tạo, tham quan, chia sẻ và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Đào tạo thông qua công việc lập và thẩm định QH trên thực tế. Năng lực của người dân và cán bộ các cấp sẽ được nâng lên khi tiếp xúc thực tế với các công cụ, các phương pháp lập và thẩm định QH.
Tư vấn trực tiếp để chuyển giao kỹ thuật: chuyên gia (có thể bao gồm cả chuyên gia địa phương sau khi đã được chuyển giao kỹ thuật) tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định QH của các đối tượng (từ cấp tỉnh đến xã). Việc tham gia trực tiếp của các chuyên gia vào quá trình lập, thẩm định QH được coi như một chu trình học tập cho người lớn, qua đó chuyển giao kiến thức, kỹ năng, thông tin...
- Đề nghị Sở KH & ĐT chuyển toàn bộ việc thẩm định các lơại QH phát triển cho phòng quy hoạch, để tránh tình trạng "một người làm, một người chịu trách nhiệm" làm ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định quy hoạch.
- Đề nghị Sở KH & ĐT bỏ thủ tục "Phiếu giải quyết công việc" khỏi quy trình thẩm định quy hoạch để giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm nhẹ khối lượng công việc cho các chuyên viên phòng Quy hoạch.
- Đề nghị Chính phủ ban hành Luật Quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ trong việc điều chỉnh các loại quy hoạch.
KẾT LUẬN
Hiện nay, tuy công tác quy hoạch đã có nhiều tiến bộ so với trước và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng về cơ bản công tác này vẫn nổi lên nhiều hạn chế: Công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, thiếu tầm nhìn chiến lược, tính định hướng còn yếu; nhiều quy hoạch còn mang tính chủ quan, chưa gắn với việc nghiên cứu quy luật thị trường; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các loại quy hoạch; việc thẩm định quy hoạch thủ tục còn rườm rà, chất lượng chưa cao, thời gian kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện quy hoạch… Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục cải tiến và đổi mới quy trình lập, thẩm định quy hoạch cho phù hợp với thực tế và phát huy được hiệu quả, hiệu lực cao hơn, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.