Khoa học luật hình sự cho rằng, trong hệ thống những quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, các quan hệ xã hội có ý nghĩa khác nhau đối với sự củng cố và phát triển của xã hội, được Nhà nước bảo vệ bằng những quy phạm pháp luật khác nhau. Khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ xã hội được Nhà nước xác định cần được bảo vệ bằng những quy phạm pháp luật hình sự. Những quan hệ xã hội đó sẽ là khách thể của tội phạm trong trường hợp chúng bị gây thiệt hại hoặc bị đe dọa gây thiệt hại ở mức độ nhất định.
Tố giác tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật khác là quyền cơ bản của công dân. Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào". Khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định: "Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm". Việc trốn tránh nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm bị coi là hành vi trái đạo đức và trái pháp luật; người không tố giác tội phạm trong những trường hợp do pháp luật hình sự quy định, phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc không tố giác tội phạm gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử.
Từ sự phân tích ở trên, có thể thấy, tội không tố giác tội phạm xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội và hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, bởi lẽ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và một số cơ
quan, tổ chức bổ trợ tư pháp có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhưng khi bị hành vi nguy hiểm cho xã hội - hành vi không tố giác tội phạm xâm phạm đến, thì chính hoạt động đúng đắn này lại trở thành khách thể bị xâm hại của tội không tố giác tội phạm.