4. ĐỀ XUẤT VỀ CHÍNH SÁCH CHO SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNHMÂY TRE ĐAN VIỆT NAM
4.2. Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Sản phẩm của ngành mây tre đan chủ yếu phục vụ xuất khẩu do vậy để tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất cần tìm hiểu nghiên cứu thị trường để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Các doanh nghiệp luôn phải thay đổi mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm đồng thời có chiến lược lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường thích hợp. Dù thâm nhập bằng cách nào cũng phải đề cập đến các yếu tố sau: Dung lượng thị trường, thị hiếu tiêu dùng, kênh phân phối, đối thủ cạnh tranh giá cả.Các yếu tố có thể xét tới:
• Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng. • Hạ giá thành sản phẩm.
• Đảm bảo thời gian giao hàng. • Duy trì chất lượng sản phẩm.
+ Thị trường rất đa dạng, đối tượng khách hàng phong phú, cần tìm hiểu và nêu ra được đặc trưng, sở thích tiêu dùng từng khu vực, quốc gia, vùng miền, để đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Đây là điều rất khó nhận ra, đòi hỏi doanh nghiệp có tính chủ động trong mọi hoạt động.
4.2.1. Thị trường trong nước
Củng cố hệ thống bán buôn bán lẻ tại các trung tâm, tăng cường sự đan xen giữa các công ty lớn và các trung tâm đó. Lựa chọn một hệ thống kênh phân phối trong thị trường tiềm năng tuỳ thuộc vào quy mô cũng như dung lượng thị trường.
Tạo mối quan hệ giữa công ty lớn và các hộ sản xuất, để công ty trở thành cơ sở thu gom sản phẩm của hộ sản xuất quy mô nhỏ được thuận lợi; điều này tập trung cho các làng nghề quy mô nhỏ.
4.2.2. Thị trường nước ngoài
nội lực của doanh nghiệp: Chất lượng sản phẩm, quản lý chất lượng…
Chất lượng hàng mây tre đan thông qua các tiêu chí: bền, đẹp, phù hợp với môi trường của sản phẩm, hợp thẩm mỹ về mẫu mã, tính văn hoá, tính nghệ thuật. Đồng thời cần quan tâm tới khâu thiết kế mẫu mã, các thị trường Nhật, hay châu Âu đều rất quan tâm tới sản phẩm vừa mang tính hiện đại nhưng phải kết hợp truyền thống Á Âu, khách hàng khó tính còn đòi hỏi sản phẩm phải thể hiện phong cách cá nhân của người sáng tác.
+ Cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đây là việc cần phải làm khi muốn thâm nhập vào thị trườngNhật Bản, Hoa Kỳ hay khu vực thế giới một cách vững chắc. Khi sản phẩm được đăng kí với nhãn mác “Made in Viet Nam” sẽ làm sản phẩm nâng cao vị thế, và đây cũng chính là cách để quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dù kinh doanh với quy mô nào cũng cần phải thấy rằng: thương hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, thương hiệu là một tài sản vô giá, giá trị mà nó đem lại không chỉ dừng lại ở cấp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất mà còn tác động tới người lao động, họ sẽ nhận được mức thù lao mà họ tạo ra sản phẩm xứng đáng và cao hơn khi sản phẩm không có thương hiệu.
+ Tập trung nâng cao chất lượng tay nghề trình độ chuyên môn cho đội ngũ lao động. Bảo tồn và duy trì, đào tạo được các nghệ nhân của các làng nghề là điều tất yếu phải làm. Tạo dựng được môi trường làm việc tốt để giữ lại những nhân tài cho một nghề trong xu thế hội nhập là điều rất khó nếu như họ không thực sự yêu nghề. Các làng nghề thủ công cần có chính sách khuyến khích, đào tạo chuyên sâu tạo được nhiều nghệ nhân, giúp họ có cơ hội phát huy hết khả năng.
+ Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật.
Phối hợp nhịp nhàng giữa lao động chân tay và máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng đồng đều bảo đảm. Phải tận dụng được sự đầu tư của nhà đầu tư, đối tác, nhanh chóng học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm tạo sự đa dạng đáp ứng nhu cầu.
+ Áp dụng công nghệ thông tin Internet trong sản xuất, thiết kế, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, các đơn đặt hàng được nhanh chóng rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Đồng thời nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trên Internet. Đây là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn vốn kinh doanh chưa thật mạnh để có thể có nguồn thông tin thị trường nhiều về các nước.
+ Thực hiện sự liên kết, phải liên kết thì mới tồn tại trong hội nhập. Sự liên kết trong nội bộ ngành, các bộ phận sản xuất, tiêu thụ. Liên kết để nói lên tiếng nói chung cho ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, khắc
phục hiện tượng làm ăn manh mún nhỏ lẻ. Thể hiện cho sự liên kết là cần thiết, cấp bách: thành lập Hiệp hội mây tre đan cho toàn ngành. Chúng ta sẽ được gì khi có hiệp hội? Có một tổ chức chung sẽ có những quy định, ràng buộc, sự giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động của ngành tránh được những rủi ro… Tuy nhiên cần có sự đánh giá đúng về ý nghĩa hoạt động của hiệp hội, tránh tình trạng lập lên mà không phát huy được tác dụng.
Luôn luôn nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội thông qua việc tăng cường nguồn lực có trình độ cao về pháp luật quốc tế, kinh doanh quốc tế tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào các tổ chức hoặc hiệp hội ngành hàng quốc tế. Sự liên kết không chỉ dừng lại ở nội bộ ngành mà còn có sự liên kết thương mại giữa các ngành hàng khác trong thủ công mỹ nghệ nói chung, nhằm tận dụng khả năng trong xuất khẩu và sử dụng nguồn nguyên liệu. Các cơ quan, bộ phận nhà nước phối kết hợp với các tổ chức quốc gia khác trong ngành tạo hành lang pháp lí thuận lợi trong giao thương.
+ Cơ sở sản xuất cần tuyển chọn được vùng nguyên liệu có chất lượng để đảm bảo đầu vào cho quá trình sản xuất và tiêu thụ các doanh nghiệp. Để làm được điều này nên có liên kết, phối hợp từ cơ sở bảo tồn cây giống, vùng quy hoạch trồng nguyên liệu tạo nên chuỗi giá trị về chất lượng từ những khâu đầu tiên của chất lượng sản phẩm.
Từ những thực tế trên cho thấy ngành nghề mây tre đan của chúng ta còn rất nhiều khó khăn và nan giải, chưa có lời giải cụ thể nào hiện nay. Xét trên góc độ từng phía không thể làm tốt những yêu cầu đặt ra. Trước xu thế hội nhập, kinh doanh trong ngôi nhà chung WTO đòi hỏi sự phối kết hợp đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hay các hộ gia đình nhỏ lẻ. Cùng nhau hoạt động vì mục đích chung là tạo ra sản phẩm “Made in Viet Nam”, nâng cao vị thế quốc gia trên thế giới, bằng việc tận dụng cơ hội, thách thức mà thị trường mang lại.
KẾT LUẬN
Trước những cơ hội đặt ra thì hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải xem xét. Thực tế trong cái nhìn toàn cảnh đã cho thấy tiềm năng của ngànhmây tre đan nhưng để tồn tại, phát triển bền vững gây dựng những thương hiệu và tạo được vị thế trên thương trường vẫn là những thách thức lớn đòi hỏi có sự chung tay góp sức và cách nhìn khách quan của toàn xã hội. Bước chân vào hội nhập, vào ngưỡng cửa WTO cũng là một cơ hội lớn đối với các ngành nghề thủ công trong nước. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức đặt ra, đặc biệt đối với ngành mây tre đan - ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để giải quyết những khó khăn, làm thế nào để phát triển - phát triển trong “cái hồn” của dân tộc. Tạo được vị thế thương hiệu trên thị trường và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, đó còn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp tốt nhất. Đảng và Nhà nước đã và đang có chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề này nhưng cần phải có những bước chuyển mình lớn hơn, những mối liên kết chặt chẽ hơn để đứng vững trước những thách thức và tận dụng tốt những cơ hội của thị trường.
Những nghiên cứu trên đây của chúng tôi hy vọng có thể đóng góp một phần nào đó cho công cuộc tìm kiếm những giải pháp của các nhà hoạch định, giúp các nhà hoach định nhìn nhận vấn đề và có những giải pháp tối ưu cho sự phát triển ngành nghề mây tre đan ở Việt Nam.