Phong thủy trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm (Trang 28 - 35)

2. Nghệ thuật kiến trúc của nhà thờ đá Phát Diệm

2.2 Phong thủy trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm

Người Việt từ xưa tới nay khi dựng nhà hay bất cứ một công trình nào đều tính đến yếu tố phong thuỷ. Nhìn vào Tổng thể nhà thờ Phát Diệm có thể nói đây nhà thờ thiên chúa mang đậm nét nhất quan niệm quan niệm phong thủy của người Việt. Áng ngữ trước nhà thờ là một hồ lớn khoảng 400 m2, năm giữa ồ là một hòn non nhỏ khoảng rộng 40 m2 trên đó đặt tượng chúa Giêsu. Quần thể giáo đường bên trong được bố trí hợp lý với vị trí trung tâm là nhà thờ lớn thờ chúa Giêsu, hai bên là các nhà thờ thờ các Thánh Rôcô, Phêrô, phía sau nhà thờ thờ lớn có xây dựng 3 hang đá nhân tạo (hang Lộ Đức, hang Lọ Len, Núi Sọ).

Có thể nói đa số các công trình trong quần thể đều được bố trí trải dài theo một trục chính và đối xứng qua trục, tuân theo những quy luật bố trí rất phổ biến trong mặt bằng các kiến trúc tôn giáo truyền thống. Quy luật tổ hợp này đảm bảo cho mặt bằng quần thể tuân thủ được thứ tự bố cục các công trình theo chiều sâu, đồng thời vẫn có thể trải dài mặt đứng theo diện rộng. Ðây cũng còn là cố gắng nhằm giữ được phong cách xử lý mặt đứng phát triển trên phân vị ngang, một đặc trưng khác của kiến trúc truyền thống. Theo một số nhà nghiên cứu, tổ hợp mặt bằng này còn hợp cách với các quy luật tổ hợp theo Ðịa lý - Phong thủy, với cách "phân thế" theo sơ đồ sau:

Với một cách nhìn chung nhất, tổ hợp mặt bằng quần thể Nhà Thờ Phát-diệm có thể được khái quát hóa theo cách "phân thế" như ở sơ đồ dưới đây:

Hữu Bang biểu trưng cho âm tính, nghiêng về sự chuẩn bị lâu dài. Ngược lại, Tả Bang hướng về sự phát triển, thịnh đạt, và biểu trưng cho dương tính. Ðiều này lý giải cho việc các sinh hoạt đều tập trung ở phía Ðông của quần thể. Mô hình này được xem như phong cách chung, rất phổ biến trong kiến trúc tôn giáo Việt-nam.

Về hình dạng mặt bằng công trình, nếu hình dung một vạch ngang thứ nhất nối liền qua hai cổng Nhà Thờ (đi ngang qua Phương Ðình và sân trong), vạch ngang thứ hai nối Nhà Nguyện kính Thánh Rô-cô đến Nhà

Nguyện kính Thánh Giu-se, và vạch ngang cuối cùng nối từ Nhà Thờ kính Trái Tim Chúa Giê-su đến Nhà Nguyện kính Thánh Phê-rô, chúng ta có được 3 vạch ngang, hợp với vạch sổ

dọc là Nhà Thờ Lớn kính Ðức Mẹ Mân-côi, thành một chữ VƯƠNG theo Hán tự. Phải chăng đây là hàm ý của tác giả công trình muốn thể hiện lòng xác tín vào Ðức Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Vua của muôn dân, của vũ trụ?

Như đã đề cập, các giáo sĩ phương Tây thường ưu tiên chọn trục theo hướng Ðông - Tây để xây dựng Thánh Ðường. Riêng ở đây, với quần thể kiến trúc Thánh Ðường Phát-diệm, phương Nam lại là hướng của trục chính. Ðối với các kiến trúc dân gian, hướng Nam là hướng tốt để xây nhà, vì hội đủ các yếu tố tích cực về mặt thời tiết, hỗ trợ đắc lực cho đời sống và sản xuất.

Tục ngữ dân gian có câu: "Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam" hoặc "Gia sự đại an, có nhà hướng Nam" Lựa chọn hướng này đã trở thành một tập tục Việt- nam từ lâu đời.

Xét về mặt Dịch Lý, "phương Nam là lúc mặt trời lên tới đỉnh, lúc có lợi nhất, cho nên tượng trưng cho danh dự và địa vị huy hoàng, trí tuệ, sắc đẹp, cực thịnh". Hơn thế nữa, đây là hướng Ðế Vương: "Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ" (nghĩa là: Bậc Thánh nhân nhìn về hướng Nam để nghe thiên hạ trình bày).

Ðây có thể là những lý do chính đã tác động vào việc quyết định chọn hướng cho quần thể kiến trúc Thánh Ðường Phát-diệm mà không theo nghiêm lệ của truyền thống kiến trúc Nhà Thờ phương Tây.

Trục đường dẫn vào quần thể cũng là một lý do đã gây ảnh hưởng trên mặt bằng tổng thể của công trình. Trào lưu kiến trúc Gothique không những đã lưu lại cho nhân loại những di sản to lớn về nghệ thuật kiến trúc mà còn lưu tồn dấu ấn của những quy hoạch nêu cao vai trò của Thánh Ðường trong kiến trúc đô thị. Thừa hưởng kinh nghiệm từ "phong cách đô thị" này, trục đường dẫn đến quần thể Thánh Ðường Phát-diệm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ở cuối trục, giữa ao hồ là tượng Chúa Giê-su Ki-tô đang dang rộng hai tay chào đón, phía sau là những đường nét mái Phương Ðình nổi bật trên nền trời xanh, là hình ảnh sống động của một lời mời gọi, tạo được ấn tượng thị giác trên suốt trục đường dẫn đến quần thể.

Tuy nhiên, hình thức bố cục này lại rất hiếm thấy trong kiến trúc truyền thống. Trên quan điểm Triết Học Á Ðông, đây là điểm kiêng kỵ, các công trình thường

không được bố trí để cho trục đường đâm thẳng vào công trình như một lưỡi kiếm, một mũi thương dài chọc vào yết hầu. Ðể hóa giải, trục chính của quần thể Nhà Thờ Phát-diệm đã được đặt lệch một chút so với trục đường lộ. Ðiều này có thể được thấy rõ khi đứng quan sát trên lầu chuông của Phương Ðình. Tác giả còn cho đào một ao hồ lớn, khiến cho lối vào chính được chuyển sang hai cạnh bên của Nhà Thờ theo cách xử lý của đa số các các công trình kiến trúc truyền thống.

Nhìn chung, ở bố cục tổng thể khu Thánh Ðường Phát-diệm, tác giả đã bố trí các công trình chính và phụ theo một cách thức quy hoạch chịu ảnh hưởng của Triết Học phương Ðông, theo những tập quán xây dựng dân gian truyền thống, và đồng thời có sự phối hợp của những thủ pháp quy hoạch các Thánh Ðường phương Tây. Như vậy, khách quan mà nói, tính chất giao thoa văn hóa đã được nhận dạng ngay từ cái nhìn tổng thể ban đầu.

Hồ lớn tạo cho Phát diệm là quần thể có nét phong thủy hai hòa.

Kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm được nhìn theo nhu cầu văn hóa và theo nhu cầu tôn giáo thích nghi phụng vụ trong phương diện nghệ thuật . Với việc so sánh công trình kiến trúc toàn thể Khu Phát Diệm do Cha Trần Lục thực hiện, với công trình

kiến trúc của quần thể Kinh thành Huế, mà Cha đã có cảm hứng từ đó, và với việc kiến thiết các Ngôi Chùa Cổ tại Việt Nam, chúng ta đã nhận ra rằng, Cha Trần Lục đã cố gắng thỏa mãn nhu cầu văn hóa qua việc gợi hứng theo các đường nét cổ truyền trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, trong việc dùng các vật tư thường được dùng trong công cuộc kiến thiết này. Như vậy Cha đã cống hiến cho giáo hữu của Cha có được cảm tưởng là họ không phải xa lạ với văn hóa Việt Nam khi họ theo Chúa Kitô, khi họ theo Kitô Giáo, khi họ đến nhà thờ cầu nguyện . Cha đã thành công trong phạm vi này.

Tuy nhiên việc thích nghi như vậy chưa đủ, trái lại công tác này còn phải nhắm vào việc làm thỏa mãn nhu cầu thờ phượng của Kitô giáo mà các ngôi nhà này được kiến thiết. Và dung hòa hai nhu cầu văn hóa và tôn giáo của công tác xây dựng này đã làm nên cái đặc biệt của sự nghiệp Cha Trần-Lục.

Tóm lại ta có thể khẳng định rằng Nhà thờ Phát Diệm là 1 công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ nhất thuộc mảng kiến trúc Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Có sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật châu Âu và Đông Á..

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Như vậy qua nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm chúng ta nhận thấy hoài bão diễn đạt ngôi Nhà Chúa bằng những biểu tượng truyền thống, đã được Cha Trần Lục rốc sức thực hiện, bằng tất cả sáng tạo độc đáo. Ðây là cơ hội mà tác giả muốn bày tỏ "ý nghĩa đích thực của Ki-tô giáo, vốn chỉ mang đến Ðức Tin, và không làm tổn thương đến những nghi lễ phong tục tập quán dân tộc."

Ngay từ mặt bằng tổng thể, các Thánh Ðường ở Phát Diệm đã thể hiện một sự tích hợp đa văn hóa Ðông Tây trong thiết kế. Truyền thống bố cục phương Tây chỉ được giữ lại ở yếu tố gây ấn tượng thị giác trên trục vào, mọi sự bố trí khác đều dựa trên qui luật tổ hợp mặt bằng thường gặp ở kiến trúc tôn giáo Việt Nam. Ðịa lý phong thủy đã là một tác nhân tích cực góp phần vào cuộc cộng sinh và tạo nên tính trữ tình cho quần thể. Những phương thức lựa chọn phương hướng bố cục theo hình, theo chữ... đều nhằm mục đích cầu mong sự thuận hòa với Tạo Hóa, như muốn gửi gắm ý nghĩa "vương đạo" của Ki-tô giáo đến cộng đoàn giáo hữu. Tất cả đã hình thành nên một dung mạo Thánh Ðường hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên, trái ngược hẳn với hình thái "vươn cao Gothique" nổi bật và kiêu hãnh trên nền trời như ở phương Tây, là điều rất xa lạ với tâm thức người Việt.

Trong thiết kế mặt bằng Thánh Ðường, hình dạng chữ nhật basilica đã chuyển hóa nhẹ nhàng thành chữ "công" của kiến trúc truyền thống. Sự đóng kín không gian nội thất đã nhường chỗ cho sự "mở rộng linh hoạt trong ngoài". Hầu như tất cả nhu cầu phục vụ cho số đông tín hữu, khí hậu nhiệt đới và phong tục tập quán Việt Nam đã tác động trên hình thức mặt bằng, duy chỉ có lối vào ở đầu hồi theo truyền thống kiến trúc Thánh Ðường phương Tây, là điểm khác biệt chính.

Mặt cắt Nhà Thờ Lớn là một minh họa rõ nét về những sáng tạo và những linh hoạt của kiến trúc truyền thống. Ðây là sự kết tụ tinh hoa từ bộ khung kết cấu gỗ

dân gian để hình thành nên một không gian với chiều kích to lớn nhằm tái tạo hình thức cao vút của Thánh Ðường phương Tây.

Xét về mặt hình thức, sự giao thoa văn hóa đã khoác chiếc áo mới cho kiến trúc Thánh Ðường, tạo nên dung mạo đậm đà truyền thống Á Ðông, mặc dù nó chứa đựng một nội dung tôn giáo tuy bắt nguồn từ phương Ðông nhưng lại mang đậm dấu ấn phát triển của phương Tây. Xét về nghệ thuật trang trí, nền điêu khắc đá và điêu khắc gỗ dân gian đã là những phương tiện trọng yếu cho sự biểu đạt ý đồ sáng tác. Ở đây, hầu như tất cả các hình tượng Thiên Chúa giáo đều đã được khúc xạ qua lăng kính của những nghệ nhân Việt Nam với tâm hồn Việt Nam nguyên vẹn. Các sự tích Thánh Kinh, hình ảnh tập quán dân gian, và cả những biểu tượng Phật giáo truyền thống đều đã hội ngộ trên nhiều phù điêu, chạm trổ giàu sức biểu cảm. Hay nói cách khác, cài sâu dưới tất cả những hình tượng trang trí, người thiết kế đã gửi gắm vào đây thông điệp về sự hòa đồng tôn giáo và sự cộng sinh tín ngưỡng trong lòng đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Ở góc độ nghệ thuật xây dựng, Quần Thể Thánh Ðường Phát-diệm có 2 công trình tiêu biểu vượt trội: Nhà Thờ đá và Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi. Ở công trình đầu tiên, toàn bộ hệ khung kết cấu gỗ cổ truyền dân gian, tam quan, tường vách... đều được thay thế bằng chất liệu đá thuần túy. Ðây là kiến trúc đầu tiên ở nước ta sử dụng phương thức xây dựng này. Sự sáng tạo của tác giả không dừng ở mức độ biểu đạt thẩm mỹ, mà còn mang tính khoa học trong xây dựng khi bổ sung những "vách cứng" kết hợp với trang trí để chống lực xô ngang của gió, bão; hoặc lược bỏ cột để mở rộng tầm nhìn... Cách giải quyết tinh tế như vậy đã góp phần phong phú hóa hệ kết cấu lẫn phương thức xây dựng dân gian của Việt Nam.

"Tôi không thể tưởng tượng được là có thể có một kết cấu to lớn bằng gỗ ở Việt Nam, và vẻ uy nghi của Nhà Thờ Công Giáo Việt - Âu này gây ấn tượng rất sâu sắc. Nó mang tính Việt Nam về phong cách và lối bố trí sắp dặt, ở đó có một cái ao trong

sân trước và một bãi rộng ở đằng trước Nhà Thờ để cầu nguyện theo kiểu cách của Ðạo Phật. Sự diễn cảm cũng sử dụng rất nhiều cách trình bày truyền thống, và truyền thống là tất cả. Chỉ có một điểm chung với Nhà Thờ châu Âu, đó là mặt bằng của lòng Nhà Thờ dài lê thê".

Với những gì vừa trình bày có thể khẳng định nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình vô cùng độc đáo, có nhiều giá trị về nghệ thuật nói chung, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc nói riêng chính vì vậy mà ta phải biết giữ gìn và bảo vệ nó để giữ lấy những giá trị đó là một việc làm hết sức cần thiết.

DANH MỤC SÁCH THAM KHẢO

1. Tiến sĩ Phạm Thế Hùng, Sách Nghệ thuật học, nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội - 2001

2. Tiến sĩ Phạm Thế Hùng, Sách Mỹ học đại cương, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin.

3. Sách nhà thờ lớn Phát Diệm nhà xuất bản Tôn Giáo – 2001.

4. Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, nhà xuất bản TP. HCM. – 1993.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(35 trang)
w