1973 – 1974
1. Thế và lực mới của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Pa - ri
Sau hiệp định Paris, Miền Bắc trở lại hòa bình; nhân dân miền Bắc ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh khôi phục và phát triển kinh tế; đảm bảo khả năng chi viện lớn về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Lực lượng cách mạng miền Nam đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó ở miền Nam, ngụy quân gặp nhiều khó khăn do quân đội Mĩ và chư hầu phải rút về nước, viện trợ của Mĩ ngày càng bị cắt giảm.
Như vậy, sau hiệp định Paris, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho ta.
2. Đấu tranh chống chiến dịch “bình định lấn chiếm”, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam
Ngày 29/3/1973, toán lính Mĩ cuối cùng đã rời khỏi nước ta. Tuy vậy, Mĩ vẫn còn duy trì được chính quyền tay sai (Ngụy quyền) ở miền Nam nên đã giữ lại hơn hai vạn cố vấn quân sự và tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Ngụy.
Được sự viện trợ và chỉ huy của cố vấn quân sự Mĩ, chính quyền ngụy ngang nhiên chống phá Hiệp định Paris, chúng đã huy động toàn bộ lực lượng để thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhằm đẩy mạnh hoạt động “bình định lấn chiếm” vùng giải phóng.
Trong thời gian đầu, do ta quá nhấn mạnh đến hòa bình và hòa hợp nên mất cảnh giác; để địch lấn chiếm nhiều địa bàn quan trọng.
Trước tình hình trên, tháng 7 năm 1973, Hội nghị trung ương 21 đã xác định: “bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng là con đường bạo lực. Do đó, phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao nhằm tiến lên phản công để giành toàn thắng”.
Từ cuối năm 1973, quân dân ta đã kiên quyết đánh trả những cuộc hành quân “bình định lấn chiếm” của địch để bảo vệ vùng giải phóng. Nhiều nơi còn tổ chức tấn công vào những căn cứ xuất phát các cuộc hành quân của địch, tiếp tục mở rộng vùng giải phóng, củng cố thế chủ động.
Cuối năm 1974 đầu 1975, quân ta mở hoạt động quân sự Đông - Xuân đánh vào hai hướng chính là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và đường 14 cùng với 50.000 dân và loại khỏi vòng chiến hơn 3.000 tên địch.
Từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, ta đã hợp nhất các sư đoàn chủ lực thành các quân đoàn lớn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam:
Tháng 10/1973 lập quân đoàn 1 đóng ở Bắc Bộ. Tháng 5/1974 lập quân đoàn 2 đóng ở Trị Thiên. Tháng 7/1974 lập quân đoàn 4 đóng ở Đông Nam Bộ. Tháng 3/1975 lập quân đoàn 3 đóng ở Tây Nguyên.
Đồng thời với các hoạt động quân sự, quân dân miền Nam còn đẩy mạnh tấn công địch trên các mặt trận chính trị, ngoại giao... Ở các vùng giải phóng, nhân dân tích cực khôi phục và đẩy mạnh sản xuất nhằm ổn định đời sống và tăng nguồn dự trữ chiến lược.
Câu hỏi và bài tập:
Câu 1: Khái quát tình hình địch và ta trước cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.
BÀI 24