Thành phần Năng lực công chức

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự hài lòng của công dân đối với dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của ủy ban nhân dân phường mỹ an, quận ngũ hành sơn, thành phố đà nẵng (Trang 25 - 26)

Năng lực công chức được người dân đánh giá tương đối cao trong 6 nhân tố, vì vậy UBND phường Mỹ An cần quan tâm cải thiện và phát huy hơn nữa nhân tố này, cụ thể: chỉ đạo các cán bộ công chức cần tăng cường cập nhật và nắm vững các văn bản về thủ tục hành chính của Nhà nước nhằm phục vụ tốt trong quá trình thực thi công vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức với chương trình và nội dung sát hợp. Lựa chọn những cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững về thủ tục hành chính để bố trí vào các chức danh tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Tuân thủ đúng qui trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhằm đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các công dân, tránh việc nể nang hoặc các mối quan hệ thân quen mà giải quyết hồ sơ không theo thứ tự, làm cho nhân dân phải chờ đợi lâu.

KẾT LUẬN

Đề tài đã tổng hợp một số lý thuyết về sự hài lòng đối với dịch vụ hành chính công. Xây dựng được mô hình và thang đo sự hài lòng của công dân đối với dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND phường Mỹ An có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Từ những kết quả nghiên cứu tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần vào định hướng cải thiện công tác quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của công dân khi sử dụng dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh những kết quả đã được đề tài vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là:

Thứ nhất, nghiên cứu chỉ được thực hiện đối với các công dân chứ chưa khảo sát với các đối tượng khách hàng là người đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND Phường Mỹ An nên khả năng tổng quát hóa chưa cao.

Thứ hai, việc chọn mẫu nghiên cứu theo phương pháp thuận tiện và số mẫu chưa đủ lớn nên khả năng đại diện chưa cao.

Thứ ba, như tác giả được biết, thì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên có nhiều nhân tố về sự hài lòng của công dân khi sử dịch vụ hành chính công tại UBND Phường. Do đó, các khái niệm đo lường có thể còn mới mẻ với người được điều tra nên có thể làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của các câu trả lời.

Thứ tư, nghiên cứu chỉ mới tập trung đánh giá sự hài lòng của công dân sử dụng dịch vụ hành chính công chứng tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ nói chung mà chưa nghiên cứu theo lĩnh vực cụ thể với tính phức tạp khác nhau về chức năng cũng như tính chất dịch vụ tại UBND Phường.

Thứ năm, tác giả chưa tiến hành so sánh kết quả nghiên cứu của đề tài này với một số nghiên cứu trước đây của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng, cũng như của các tác giả khác để tìm ra sự khác biệt của các mô hình.

Vì vậy, trong nghiên cứu tiếp theo hướng đến nghiên cứu sự hài lòng của công dân theo từng lĩnh vực cụ thể (Địa chính xây dựng, Tư pháp hộ tịch, Văn hoá xã hội,…) với tính phức tạp khác nhau về chức năng cũng như tính chất dịch vụ tại UBND Phường nhằm phân tích sâu hơn các dịch vụ hành chính công do UBND phường cung cấp.

Những đóng góp của Luận văn này còn nhiều hạn chế, rất mong những ý kiến của Thầy, Cô và các bạn đọc để người viết tiếp tục hoàn thiện hơn và rút kinh nghiệm cho những nghiên cứu lần sau.

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự hài lòng của công dân đối với dịch vụ hành chính công tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của ủy ban nhân dân phường mỹ an, quận ngũ hành sơn, thành phố đà nẵng (Trang 25 - 26)