Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn tìm tòi, thử nghiệm, áp dụng những mô hình, chiến lược CNH phù hợp với thực tiễn đất nước.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) đã đưa ra quan điểm về CNH-HĐH. Đó là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội
cao. Hội nghị nhấn mạnh quan điểm coi khoa học - công nghệ là nền tảng của CNH-HĐH; chỉ rõ việc cần thực hiện đồng thời hai quá trình CNH và HĐH: “CNH phải đi đôi với HĐH… hình thành những mũi nhọn phát triển kinh tế theo trình độ tiên tiến của khoa học - công nghệ thế giới”.
Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đặt ra yêu cầu ở chặng đường đầu của thời kỳ quá độ phải chuẩn bị đầy đủ tiền đề cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Đại hội khẳng định “Khoa học và công nghệ trở thành nền tảng của CNH-HĐH”. Đại hội IX của Đảng (năm 2001) nhận định, thế kỷ XXI, khoa học - công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật. Do đó, Đại hội chỉ rõ “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh CNH-HĐH” để từng bước phát triển kinh tế tri thức và nâng cao năng suất lao động. Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp chặt giữa hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo để thực sự phát huy vai trò quốc sách hàng đầu, tạo động lực đẩy nhanh CNH-HĐH và phát triển kinh tế tri thức”. Đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta chú trọng tiếp tục đẩy mạnh CNH- HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH, phát triển kinh tế tri thức”. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức”. Với mục tiêu “đến năm 2020 khoa học và công nghệ đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu ASEAN”, tại Đại hội này, Đảng ta xác định CNH-HĐH cần tiến hành qua 3 bước là: Tạo tiền đề, điều kiện CNH-HĐH; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng CNH-HĐH.
Nhờ thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng khoa học - công nghệ, trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được thành tựu to lớn: Đạt ngưỡng thu nhập trung bình năm 2008; nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao: giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%, giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%; quy mô nền kinh tế tăng 2,4 lần từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 271,2 tỷ USD năm 2020.
GDP bình quân đầu người tăng từ 1331 USD năm 2010 lên 2779 USD năm 2020.
Quý 3 năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, nhưng dưới lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời
quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Việt Nam đã từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các địa phương đang từng bước nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
"COVID-19 đã tạo ra áp lực nhưng đồng thời đây chính là động lực để thúc đẩy chúng ta phải thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi cách quản trị điều hành, thay đổi công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Như vậy phục hồi kinh tế sau COVID-19 thực sự là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như cho đất nước chúng ta trong việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá". “Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu”. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 19% năm 2010 lên 50%
năm 2020. Khoa học - công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước được tăng cường. Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Trình độ khoa học - công nghệ sản xuất được nâng cao, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
2. Hạn chế còn tồn đọng.
Việt nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam còn một số vấn đề chưa rõ, chưa sâu sắc hoặc chưa cụ thể. Trong những năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, song kinh tế phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thật sự bền vững, đặc biệt trong 10 năm gần đây. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hiện đại đang cản trở sự phát triển;
việc tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, nổi bật là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với khả năng và thấp hơn nhiều nước trong khu vực thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, tập trung vào các ngành công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động. Năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong
khu vực. Chỉ số ICOR ngày càng cao, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở vào thời điểm có trình độ phát triển như nước ta.
- Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả cao; tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng. Nhiều nguồn lực trong dân chưa được phát huy.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Trong công nghiệp, các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao còn ít.
Trong nông nghiệp, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường. Nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thiếu cụ thể. Chất lượng nguồn nhân lực của đất nước còn thấp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao, tỷ trọng lao động qua đào tạo còn thấp, lao động thiếu việc làm và không việc làm còn nhiều.
- Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được thế mạnh để đi nhanh vào cơ cấu kinh tế hiện đại. Kinh tế vùng chưa có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức.
- Cơ cấu thành phần kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được đầy đủ môi trường hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và khả năng phát triển của các thành phần kinh tế.
- Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý. Công tác quy hoạch chất lượng thấp, quản lý kém, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
- Nhìn chung, mặc dù đã cố sắng đầu tư, nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Hiện nay, khoa học - công nghệ chưa thực hiện đầy đủ vai trò “quốc sách hàng đầu”, chưa là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất:
“Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế”(10). Trong khi đó, trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với tất cả các nền kinh tế.
3. Giải pháp
Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nếu tích cực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số thì sẽ có cơ hội để đi cùng, vượt trước các nước trong khu vực và trên thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra động lực, tài nguyên mới cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo tiền đề cho sự hình thành bước đột phá tư duy trong đẩy mạnh CNH-HĐH tại Đại hội XIII, thể hiện ở những điểm cốt lõi sau:
Thứ nhất, thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động sáng tạo, vươn lên, làm chủ công nghệ.
Để chủ động phát triển, nước ta phải thoát khỏi sự tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp. Thực tế cho thấy, công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ nước ta còn phát triển chậm, trình độ hạn chế, nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng chưa sản xuất được nên phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; việc tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu ở nhiều sản phẩm vẫn chỉ ở công đoạn cuối cùng nên giá trị gia tăng không lớn. Đại hội XIII đánh giá: “Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc vào bên ngoài”. Do vậy, Đại hội XIII chủ trương: “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. HĐH công nghệ sản xuất là điều kiện tiên quyết để đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam lên tầm cao mới, thoát khỏi vị trí gia công, lắp ráp trong thời gian qua. Ứng dụng, tiên phong sáng tạo, phát minh công nghệ mới có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh số, nâng cao vị thế doanh nghiệp và nền kinh tế. Muốn làm được điều đó không có con đường nào khác phải dựa trên nền tảng tài nguyên trí tuệ để sáng tạo công nghệ.
Thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức.
Đây là điểm mới khác biệt so với các đại hội trước, là điểm nhấn của Đại hội XIII. Ngày nay, với sự chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại hội XIII chủ trương “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”, trong đó con người hay tài nguyên trí tuệ là nền tảng cốt lõi, doanh nghiệp phải là trung tâm nghiên cứu
phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Với lợi thế của nước đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể tiến thẳng vào những lĩnh vực mới của kinh tế số để có thể bứt tốc, tham gia quá trình đó một cách chủ động, không chờ thế giới hoàn thiện công nghệ thì ta mới chuyển đổi số. Chuyển đổi từ nền kinh tế vật lý sang nền kinh tế số là sự tối ưu hóa không giới hạn mọi khâu, mọi quy trình sản xuất. Do vậy, nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quyết định tăng năng suất lao động, lợi thế cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi quá trình CNH-HĐH sang giai đoạn mới: thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam chưa đạt trình độ CNH-HĐH như các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cơ hội để nước ta thay vì “đi sau” thì có thể nỗ lực để “đi cùng”, một số lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh, có thể phấn đấu “đi trước, vượt trước”. Đại hội XIII chủ trương
“chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao”. Chủ trương này không chỉ nhấn mạnh phát triển khoa học - công nghệ, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm, xuyên suốt trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Cùng với cơ hội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đưa đến những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Theo đó, khả năng tối ưu hóa các nguồn lực và sự kết nối cung - cầu không giới hạn của nền kinh tế số tạo ra áp lực cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư ngày càng quyết liệt, gay gắt hơn. Những năm tới, đất nước ta hội nhập sâu rộng hơn và phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong điều kiện nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là vấn đề trình độ công nghệ, năng suất lao động và mức độ chuyển đổi số.
4. Liên hệ
Thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn
là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước. Thanh niên Việt Nam trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh; trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn phát huy truyền thống của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, đi đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.
Thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt với sức khỏe dẻo dai và tinh thần nhiệt huyết. Góp phàn quan trọng trong sự nghiệp thúc đẩy đất nước phát triển.
Trước sự quan tâm, chăm lo và kỳ vọng lớn lao của Đảng và Nhà nước, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm để không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng vững chắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là một sinh viên, cũng là một công dân của nước Việt Nam để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, chúng ta cần:
- Tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp tư tưởng cách mạng trong sáng. Phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp mới. Tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn xã hội...
- Luôn học tập tốt để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề.
- Tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Tự nguyện, tự giác tham gia vào các hội của thanh niên, phấn đấu trở thành Đoàn viên, Đảng viên xuất sắc.
- Tích cực tham gia vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường sinh thái trong lành, sạch đẹp. Tích cực tham gia phòng chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tích cực tham gia các chương trình, dự án của địa phương; tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.