Khám phá các nghiên cứu về mối liên hệ giữa thuế và tăng trưởng kinh tế. Ban đầu, các nghiên cứu tập trung vào việc xác định ảnh hưởng của các yếu tố đến sự phát triển kinh tế, chủ yếu là kiểm tra tác động của thuế và chi tiêu công. Tuy nhiên, thường chỉ sử dụng dữ liệu tổng thể về thuế. Các nghiên cứu nhấn mạnh rằng tác động của thuế đến tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng trong chính sách kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt về dữ liệu, cách đo lường và phương pháp nghiên cứu, các kết quả từ các nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy những kết luận trái ngược về tác động của thuế đối với tăng trưởng kinh tế.
Adefolake và Omodero (2022), đã nghiên cứu đánh giá tác động của nguồn thu thuế đối với tăng trưởng kinh tế của Nigeria, sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian kéo dài từ năm 2000 đến năm 2021. Cụ thể của nghiên cứu là đánh giá tác động của thuế môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đối với nền kinh tế của
Nigeria. Kết quả cho thấy thuế bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng có tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng, nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngược lại.
Trong với phạm vi nghiên cứu ở Nigeria, Etim và cộng sự (2021), đã so sánh tác động của thuế trực tiếp và gián tiếp đối với sự tăng trưởng kinh tế, đã chứng minh rằng thuế gián thu có tác động bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Mukolu và Ogodor (2021) đã xem xét tác động của thuế giá trị gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế từ năm 1994 đến 2018 bằng phương pháp phân tích Augmented Dickey Fuller. Nghiên cứu cho thấy có tác động tích cực đáng kể của thuế giá trị gia tăng đối với tổng sản phẩm quốc nội. Điều đó cũng cho thấy thuế giá trị gia tăng đã góp phần rất lớn vào tổng thu ngân sách quốc gia và góp phần ngăn ngừa việc tránh thuế của người nộp thuế. John và Dickson (2020) sử dụng mô hình Error Correction Models phân tích ảnh hưởng của nguồn thu thuế đối với tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng cả GDP chưa điều chỉnh và đã điều chỉnh từ năm 1984 đến năm 2018. Khi GDP không được điều chỉnh theo lạm phát, thuế bảo vệ môi trường có tác động nhỏ nhưng có lợi đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động lớn nhưng tiêu cực đến GDP. Tuy nhiên, thuế bảo vệ môi trường có tác động tiêu cực và không đáng kể đến GDP được điều chỉnh, nhưng thuế giá trị gia tăng có tác động tích cực và đáng kể, còn thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động tiêu cực và đáng kể. Abomaye và cộng sự (2018) đã thực hiện phân tích hồi quy đa biến để tiến hành đánh giá thực nghiệm tác động của nguồn thu từ thuế đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1980 - 2015. Phân tích chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, thuế lợi tức xăng dầu và thuế thu nhập doanh nghiệp không có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, mặc dù thuế ở khâu hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngược lại.
Suna và cộng sự (2019) đã nghiên cứu tác động của thuế trực thu và gián thu đối với tăng trưởng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng phương pháp ADRL. Nghiên cứu cho thấy thuế gián thu có tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng kinh tế, thuế trực thu thì có kết quả trái chiều. Nghiên cứu cũng biện luận rằng việc tăng thuế trực thu làm giảm thu nhập khả dụng, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, từ đó cũng dẫn đến giảm thuế gián thu, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp được thu ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong khi thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt thì có ảnh hưởng tích cực.
Tosun và Abizahed (2005) đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách thuế và tăng trưởng kinh tế ở 21 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ năm 1980 đến 1999 bằng cách sử dụng mô hình hiệu
ứng ngẫu nhiên (REM). Kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra rằng có một liên kết rõ ràng giữa việc áp dụng các loại thuế khác nhau và tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp. Orcan (2009) đã tiến hành một nghiên cứu về tác động của chính sách tài khóa đối với tăng trưởng kinh tế ở Nam Phi bằng cách sử dụng mô hình hồi quy tự động (VAR) vector. Kết quả cho thấy doanh thu thuế có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nhưng cần một khoảng thời gian đáng kể để thấy rõ ảnh hưởng này. Canavire và cộng sự (2013) đã chỉ ra rằng nền kinh tế của các quốc gia châu Mỹ Latin phụ thuộc lớn vào thuế thu nhập doanh nghiệp và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Babatundel và cộng sự (2017) đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa thuế và tăng trưởng kinh tế ở châu Phi từ năm 2004 đến 2013. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy doanh thu thuế có mối liên hệ tích cực với GDP và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.
Các chuyên gia đã nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh nghiệm của các nước OECD và đã phân tích thông tin một cách chi tiết. Họ đã tìm ra mối quan hệ phức tạp giữa việc áp dụng thuế thu nhập luỹ tiến và sự phát triển kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng thuế doanh nghiệp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Nghiên cứu của Lee và Gordon (2005) đã phát hiện ra một mối liên hệ đáng chú ý giữa thuế suất doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong giai đoạn từ 1970 đến 1997. Barro và Redlick (2011) đã xây dựng một chuỗi thời gian để theo dõi thuế suất thu nhập cận biên trung bình của Mỹ từ năm 1912 đến năm 2006. Họ đã ước lượng ảnh hưởng của việc thay đổi thuế suất hàng năm đối với tăng trưởng GDP bình quân đầu người của năm sau. Kết quả cho thấy rằng việc giảm thuế suất trung bình có thể giúp tăng GDP đầu người mỗi năm khoảng 0,5%.
Eyisi và cộng sự (2017) đã tiến hành phân tích, so sánh thuế giá trị gia tăng của các nước phát triển và đang phát triển. Trong trường hợp này, Vương quốc Anh là đại diện cho nền kinh tế phát triển và Nigeria là nền kinh tế đang phát triển. Nghiên cứu sử dụng hồi quy bình phương tuyến tính thông thường để phân tích dữ liệu. Kết quả chỉ ra cho thấy thuế giá trị gia tăng của Vương quốc Anh có ý nghĩa nhỏ so với Nigeria trong tác động đến tăng trưởng kinh tế nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế.
Mdanat và cộng sự (2018) đã kiểm tra tác động của cấu trúc thuế đối với tăng trưởng kinh tế ở Jordan trong giai đoạn 1980 đến 2015 bằng cách sử dụng mô hình Error Correction Model. Đã kết luận rằng, thuế tiêu dùng và thuế xuất nhập khẩu tác
động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, thuế thu nhập tác động tiêu cực.
Chính phủ nên tập trung vào công bằng xã hội hơn là tăng nguồn thu và chuyển từ thuế thu nhập sang thuế tiêu dùng và thuế quan để giúp tăng trưởng bình quân đầu người trong tương lai.
Cũng có một số nghiên cứu chứng minh không có mối quan hệ nào, hoặc mối quan hệ ngược chiều giữa thuế và tăng trưởng kinh tế (Myles, 2000; Xing, 2012;
Ojong và cộng sự 2016). Myles (2000) đã kiểm tra tác động của thuế đối với tăng trưởng kinh tế ở Anh từ giai đoạn 1950 đến 1998 bằng mô hình tăng trưởng ngoại sinh và mô hình tăng trưởng nội sinh. Các kết quả cho thấy mối quan hệ giữa thuế và tăng trưởng kinh tế là rất yếu và trong thực tế thuế không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu tương tự đã được bắt đầu bởi Xing (2012) để kiểm tra mối liên hệ giữa thuế và tăng trưởng kinh tế ở 21 quốc gia OECD trong giai đoạn 1970 đến 2004. Nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại thuế có ảnh hưởng khác nhau đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân có xu hướng làm giảm tăng trưởng kinh tế, trong khi thuế tiêu dùng có ảnh hưởng ít hơn đến tăng trưởng. Ojong và cộng sự (2016), phân tích tác động của chính sách thuế đối với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia thuộc khu vực Sub-Saharan Africa. Các tác giả xem xét ảnh hưởng của các loại thuế khác nhau như thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp và thuế tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế. Kết quả chỉ ra rằng thuế doanh nghiệp có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng thuế doanh nghiệp thường làm giảm đầu tư và hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Thuế thu nhập cá nhân cũng cho thấy tác động tiêu cực, nhưng ảnh hưởng này không mạnh mẽ bằng thuế doanh nghiệp và thuế tiêu dùng có tác động ít hơn đến tăng trưởng kinh tế so với các loại thuế khác.
Tại Việt Nam, Phạm Đình Thi (2020) đã nghiên cứu và đánh giá kết quả của việc cải cách chính sách thuế nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ 2011 đến 2018. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng chính sách thuế đã đóng góp vào việc đảm bảo việc huy động nguồn thu nhập cho ngân sách một cách bền vững hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn chiến lược, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ, khuyến khích việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển các hoạt động văn hóa - xã hội.
Nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành (2018) về tác động của thuế giá trị gia tăng đến tổng thể nền kinh tế đã xây dựng các kịch bản điều chỉnh thuế giá trị gia tăng.
Trong kịch bản thứ nhất, việc tăng thuế suất được áp dụng với giả định rằng người tiêu dùng sẽ phải chịu toàn bộ gánh nặng của thuế và họ không thay đổi cơ cấu tiêu dùng dù giá cả có thay đổi do thuế. Kết quả cho thấy rằng việc tăng thuế suất theo phương án này sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng khoảng 0,9%. Trong kịch bản thứ hai, việc thống nhất thuế suất ở mức 10% cũng sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng (trên 0,3%), chỉ bằng 1/3 so với tác động của phương án 1. Tăng thuế sẽ giúp tăng thu nhập ngân sách thêm 2%, và nếu chính phủ sử dụng số tiền thu thêm để đầu tư vào phát triển, tổng đầu tư xã hội sẽ tăng thêm gần 1,8%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm khoảng 1%, dẫn đến ảnh hưởng đến sản lượng.
Nguyễn Hữu Hiếu (2019) đã xem xét tác động của thuế trực thu và thuế gián thu đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bằng phương pháp hồi quy tuyến tính thông thường từ năm 2003 đến năm 2017. Thuế gián thu được cho là có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nó được cho là có tác động tích cực và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi tác động của thuế trực tiếp là chưa rõ ràng.
Phạm Quỳnh Mai (2021) sử dụng dữ liệu giai đoạn 2003-2020 phân tích ảnh hưởng của 3 sắc thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Kết quả hồi quy cho thấy, cả 3 sắc thuế có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thuế giá trị gia tăng có ảnh hưởng mạnh nhất tới sự tăng trưởng của GDP.
Trong nền kinh tế Việt Nam, thuế đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các loại thuế như thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, và các loại khác đều được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong số các loại thuế này, thuế gián thu chiếm tỷ trọng lớn, với đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng qua các năm. Việc điều chỉnh từng loại thuế ở mỗi giai đoạn và thời kỳ có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn thu của Chính phủ. Ngoài ra, các nghiên cứu trên có một số kết quả trái ngược nhau về tác động của các loại thuế đối với tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu được đề cập như trên cho thấy nhiều công trình được thực hiện về chủ đề số thu thuế và tăng trưởng kinh tế trong nhiều không gian và thời gian khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dường như vẫn chưa có nghiên cứu nào xem xét tác động của thuế ở khâu nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đến tăng trưởng kinh tế từ năm 2004 đến 2023. Do vậy, nhóm tác giả nhận thấy cần thiết phải có thêm bằng chứng thực nghiệm về tác động của các khoản thu thuế quan trọng đến tăng trưởng đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam là một điển hình. Để từ đó
cung cấp bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách thuế trong định hướng cải cách cấu trúc thuế cho các mục tiêu kinh tế, xã hội thời gian tới.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, các thuật ngữ của nghiên cứu đã được giải thích một cách chi tiết, từ đó chỉ ra được lý thuyết cơ bản quan trọng để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa thuế và tăng trưởng kinh tế. Trong chương, nhóm tác giả cũng đã tiến hành tổng hợp và đánh giá các nghiên cứu liên quan đến chủ đề nghiên cứu của họ. Các lược khảo này được phân loại theo ba nhóm vấn đề chính: Thuế có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, thuế có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thuế không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều này giúp đọc giả hiểu rõ hơn về các quan điểm và kết luận từ các nghiên cứu trước đó, từ đó làm nền tảng cho việc nghiên cứu và phân tích trong chương sau.
CHƯƠNG 3