Đánh giá thị trường xăng dầu trong giai đoạn 2022 - 2023

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập cơ sở ngành tìm hiểu về công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 (Trang 22 - 29)

CHƯƠNG 2: TÌM HIỂU CHUNG VỀ NGÀNH KINH DOANH XĂNG DẦU TRONG GIAI ĐOẠN 2022 – 2023

2.3. Đánh giá thị trường xăng dầu trong giai đoạn 2022 - 2023

2.3.1. Trên thế giới

Năm 2022 được đánh giá là một năm “dị biệt” với đầy sự biến động về giá cả của thị trường xăng dầu khi giá tăng vọt mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm và nhìn chung có xu hướng giảm dần trong các tháng cuối năm.

Hình 2.1: Biến động giá dầu thô Brent trong năm 2022

Sau đại dịch Covid – 19, nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực khi nhu cầu về tiêu thụ và dự trữ xăng dầu tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng thì nguồn cung xăng dầu còn hạn chế do năng lực sản xuất của các thành viên OPEC+ chưa kịp phục hồi.

Kèm theo đó, các căng thẳng xung đột giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga càng góp phần làm cho tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường trở nên trầm trọng. Chính những điều đó đã khiến cho giá xăng dầu trên thị trường thế giới có những biến động tăng cao khó lường khi trong 1 ngày, giá dầu có thể biển động 10-12 USD trên một phiên giao dịch. Trong khi trước đây, chu kỳ này phải mất 15- 20 ngày thậm chí 1 tháng.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh. Trong đó giá dầu Brent bình quân đạt khoảng 106,92 USD/thùng, giá dầu WTI khoảng 101,59 USD/thùng, giá dầu OPEC khoảng 104,95 USD/thùng, tăng lần lượt 64,93%, 64,01% và 64,38%

so với cùng kỳ năm 2021.

Đến với nửa cuối năm 2022, giá dầu có xu hướng giảm dần do nhiều yếu tố tác động. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 khi xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới và chính sách cách ly phong tỏa “Zero Covid” của Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, trước sự đồng ý gia tăng sản lượng cung cấp xăng dầu của các quốc gia nhóm OPEC+ cũng góp phần khiến giá dầu giảm sâu cho tới hết tháng 9/2022. Đến tháng 10/2022, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng cung cấp dầu xuống còn 41,86 triệu thùng/ngày, từ đó đã khiến cho giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu hồi phục.

Vào những tháng cuối năm 2022, khi lệnh trừng phạt của EU với dầu mỏ Nga có hiệu lực đã khiến cho giá dầu có xu hướng suy giảm mạnh mẽ. Tuy có xu hướng giảm song giá thị trường xăng dầu thế giới trong giai đoạn cuối 2022 – nửa đầu năm 2023 nhìn chung khá ổn định và không biến động quá

nhiều. Trong những tháng tiếp theo của năm 2023, thị trường nhận được nhiều kì vọng về việc hồi phục ổn định. Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Châu Á được kì vọng sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc được OPEC dự báo sẽ tăng thêm 800.000 thùng/ngày vào cuối năm, chiếm tới hơn 30% tổng tăng trưởng toàn cầu.

Hình 2.2: Diễn biến giá dầu WTI và BRENT nửa cuối 2022 – đầu 2023 2.3.2. Tại thị trường Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, nguồn xăng dầu sản xuất trong nước chủ yếu được cung cấp bởi nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ, 20% còn lại là xăng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải cắt giảm sản lượng do khó khăn tài chính đã khiến tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên.

Theo số liệu của tổng cục hải quan, tính chung năm 2022, nhập khẩu xăng dầu các loại về Việt Nam đạt gần 8,9 triệu m3, tương đương gần 9 tỷ USD, tăng 28% về lượng và gấp gần 2,2 lần về giá trị so với năm 2021. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả xăng dầu của thị trường trong nước.

Hình 2.3: Tình hình nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam 2022 Chỉ từ tháng 2 đến tháng 6, giá xăng dầu tăng khoảng 60% - 70% so với trước đó. Từ tháng 7 trở đi, giá xăng lại giảm xuống 20% rồi sau tăng 7% - 8%, thể hiện sự biến động quá nhanh của thị trường, thậm chí thay đổi hàng ngày lên xuống rất nhanh. Điều đó đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thua lỗ và gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở nhiều nơi trên toàn đất nước.

Hình 2.4: Biểu đồ giá xăng dầu trong nước 2022

Như vậy có thể thấy rằng, giá xăng, dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền

kinh tế. Do đó, những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu Việt Nam.

Bộ Công Thương dự đoán rằng năm 2023 sẽ là một năm phục hồi cho thị trường xăng dầu Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân có xu hướng gia tăng nhằm ổn định nền kinh tế sau đại dịch Covid – 19. Dự kiến rằng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2022. Tuy nhiên với những lo sợ về tình hình chính trị thế giới chưa ổn định sẽ gây ra những bất lợi cho thị trường xăng dầu trong nước, Chính Phủ và các cơ quan điều hành sẽ cần có những giải pháp mang tính dài hạn về việc điều tiết thị trường thông qua quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế, phí,… nhằm giúp thị trường trong nước ổn định về giá cả, nguồn cung và không bị ảnh hưởng quá nhiều từ thị trường thế giới.

2.3.3. Tại địa bàn thành phố Hải Phòng

Hải Phòng được coi như một trong những trung tâm của miền bắc về vận tải hàng hóa đường bộ, với hơn 16 nghìn xe container ngày/đêm làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa đi và đến qua các cảng biển Hải Phòng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Hải Phòng luôn rất cao với lượng xăng dầu tiêu thụ lên tới 1.500m3/ngày.

Năm 2022 được ghi nhận là một năm đầy biến động với thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước, tất nhiên Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ. Rất nhiều các doanh nghiệp lớn nhỏ gặp phải khó khăn, lao đao trước tình trạng không đủ nguồn hàng để cung cấp và cuối cùng họ phải chịu cảnh “lỗ chồng lỗ”.

Công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 cũng không nằm ngoài số đó.

Năm 2022 quả thực là một giai đoạn khó khăn với công ty khi nguồn cung quá khan hiếm, điều đó khiến công ty phải chịu lỗ rất nhiều để cung ứng đủ nguồn hàng tới khách hàng của mình.

Nhận thấy sự khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại địa bàn Hải Phòng gặp phải, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã phải có

những biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm nguồn cung và giúp thị trường được ổn định. Kết quả, trải qua nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung cũng như công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 nói riêng, đã nhập được nguồn hàng từ các nhà cung cấp, nguồn cung xăng dầu đã dần ổn định.

Năm 2023 được dự báo với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng gia tăng, nền kinh tế dần hồi phục sau đại dịch Covid – 19, giá dầu không còn trồi sụt bất thường như năm 2022 và nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước ổn định, tình hình chính trị thế giới tuy còn nhiều vấn đề song cũng có những dấu hiệu tích cực khi Trung Quốc – một trong những thị trường tiêu thụ xăng dầu mạnh mẽ, mở cửa trở lại. Điều đó sẽ tạo ra những cơ hội mới giúp cho các doanh nghiệp có thể chuyển mình tốt hơn trong 2023.

2.3.4. Đánh giá chung

Như vậy, thông qua bài báo cáo, chúng ta có thể thấy thị trường xăng dầu luôn được đánh giá là một thị trường “màu mỡ”, giàu tiềm năng khai thác để phát triển bền vững nền kinh tế, song bên cạnh những giá trị mà nó mang lại, thì thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn bởi nhiều yếu tố mang lại có thể kể đến như: yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế,…

Muốn “đứng vững” trên thị trường này đòi hòi các doanh nghiệp kinh doanh cần phải nhạy bén và thấu hiểu thị trường để có thể dự đoán thật chính xác những biến động sẽ xảy ra trên thị trường, từ đó có thể xác định được chiến lược kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp. Tuy đã trải qua rất nhiều những giai đoạn khó khăn, công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 vẫn có thể “trụ vững” trên một thị trường đầy thách thức như thị trường xăng dầu sau hơn 15 năm hoạt động. Điều đó chứng tỏ rằng, quả thực công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 là một doanh nghiệp có trình độ chuyên môn tốt và thấu hiểu thị trường, luôn không ngừng cố gắng học hỏi thêm mỗi ngày để tiến bước xa hơn và đóng góp sự phát triển của mình vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Trong tương lai, công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 cần đề ra mục tiêu, chiến lược kinh doanh cụ thể và cố gắng hết sức hoàn thành chúng một cách hiệu quả, tìm thêm các giải pháp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa với chất lượng ổn định và đảm bảo an toàn cháy nổ. Đồng thời cũng cần phát triển thêm các dịch vụ mới như vận tải, bốc xếp hàng hóa để bước xa hơn trong tương lai, trở thành 1 doanh nghiệp có thể vươn xa tại thị trường nhiên liệu miền bắc không chỉ về mảng phân phối mà còn về mảng vận tải.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập cơ sở ngành tìm hiểu về công ty cổ phần thương mại và vận tải 568 (Trang 22 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(31 trang)