3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng tiền mặt nắm giữ của công ty
Theo Mai Daher, các nhân tố chính ảnh hưởng lên lượng tiền mặt của công ty là:
3.1.1. Cơ hội đầu tư:
Một công ty có nhiều cơ hội đầu tư hơn (cơ hội tăng trưởng) thường tích luỹ một lượng tiền mặt lớn để tài trợ cho những dự án của mình, nhằm tránh phải rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ, dẫn đến phải từ bỏ những dự án có khả năng sinh lời cao do vấn đề chi phí đại diện xuất hiện giữa chủ nợ cũ và cổ đông (mối quan tâm lúc này giữa 2 nhà tài trợ cho công ty là khác nhau) hoặc nguồn tài trợ bên ngoài không sẵn có. Bên cạnh đó, lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng doanh nghiệp ưa thích nguồn tài trợ nội bộ bên trong hơn, đứng đầu là lợi nhuận giữ lại. Do đó, để tài trợ cho các dự án trong tương lai, doanh nghiệp thường có xu hướng giữ lại tiền mặt nhiều hơn. Theo Daher, đề tài sử dụng biến tăng trưởng trong doanh thu thuần theo quý nhằm đại diện cho cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Theo lý thuyết, ta có thể kỳ vọng về mối quan hệ đồng biến giữa tiền mặt nắm giữ và cơ hội đầu tư.
3.1.2. Quy mô công ty:
Công ty có quy mô lớn thì thường có lợi thế theo qui mô làm cho giá thành thấp, sản phẩm đa dạng, ... từ đó, công ty có được lợi nhuận ổn định và cao hơn so với các công ty qui mô nhỏ. Bên cạnh đó, công ty lớn có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và dễ dàng hơn (do xếp hạng tín dụng cao, uy tín, tài sản đảm bảo lớn ...). Do đó, các công ty lớn thường ít khi cần tích luỹ tiền mặt nhiều để đề phòng cho việc thiếu hụt nguồn tài trợ cho những dự án của mình. Khi cần, họ có thể vay hoặc huy động vốn một cách dễ dàng hơn so với công ty nhỏ. Do đó, về mặt lý thuyết, tiền mặt và quy mô công ty có mối quan hệ nghịch biến.
3.1.3. Khả năng sinh lời:
Một công ty có khả năng sinh lời cao thường có đủ lượng tiền mặt cần thiết để tài trợ cho các dự án của mình, tránh khỏi tình trạng phải từ bỏ dự án do nguồn vốn không đủ. Do đó, một công ty có khả năng sinh lời cao không cần thiết phải tích luỹ nhiều tiền mặt để đề tài trợ cho các dự án của mình. Lượng tiền nắm giữ của công ty và khả năng sinh lời có mối quan hệ nghịch biến. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khác lại cho thấy mối quan hệ ngược lại vì lượng tiền mặt công ty nắm giữ phụ thuộc vào độ bất ổn của dòng tiền công ty và vào những ràng buộc tài chính khác. Dự đoán ban đầu, khả năng sinh lời có mối quan hệ nghịch biến với lượng tiền mặt doanh nghiệp nắm giữ.
3.1.4. Vốn luân chuyển:
Những tài sản ngắn hạn khác như hàng tồn kho, khoản phải thu và khoản phải trả đều ảnh hưởng đến sự thay đổi trong lượng tiền mặt nắm giữ của các công ty vì các tài sản này có thể chuyển thành tiền mặt. Do đó, chúng được xem như là một sự thay thế cho việc nắm giữ tiền mặt. Mối quan hệ giữa vốn luân chuyển và tiền mặt công ty được tiên đoán là ngược chiều.
3.1.5. Chi tiêu vốn:
Không có sự nhất quán trong mối quan hệ giữa chi tiêu vốn và tiền mặt nắm giữ của công ty. Theo lý thuyết đánh đổi, một công ty khi đã dùng tiền để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều thì thường tích luỹ một lượng tiền mặt lớn nhằm đảm bảo cho khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn khác. Tuy nhiên, khi một công ty đầu tư tài sản cố định bằng cách gia tăng vay nợ thì nhu cầu nắm giữ tiền mặt có thể giảm đi vì đã có tài sản hữu hình đó làm đảm bảo cho các khoản nợ đã vay. Đề tài kỳ vọng tìm thấy được mối quan hệ nghịch biến giữa chi tiêu vốn và tiền mặt công ty.
3.1.6. Tỷ lệ nợ:
Một công ty vay nợ quá nhiều thì có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, do đó công ty đó cần nhiều tiền mặt để đáp ứng được nghĩa vụ nợ đến hạn. Bên cạnh đó nợ quá nhiều còn khiến công ty khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ khác bên ngoài khi cần vốn cho dự án của mình. Tuy nhiên, tuỳ vào chu kỳ sống và đặc điểm công ty, một số công ty có thể vay nợ với chi phí thấp để tài trợ cho những dự án của mình và dùng tiền mặt chi trả cổ tức cho cổ
đông, công ty không nhất thiết phải tích luỹ một lượng tiền mặt lớn. Tuy nhiên, theo Mai Daher, tiền mặt doanh nghiệp nắm giữ và tỷ lệ nợ có mối quan hệ nghịch biến
Ngoài những yếu tố trên, như đã tóm tắt trong chương 2, Mai Daher còn sử dụng một biến giả để so sánh giữa những công ty niêm yết và chưa niêm yết.
Tuy nhiên, đề tài chỉ lấy những công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán Việt Nam nên biến này được bỏ qua.
Từ nhận định ban đầu về mối quan hệ giữa tiền mặt và các nhân tố nêu trên cùng với kết quả nghiên cứu của Mai Daher, đề tài lập ra bảng kỳ vọng ban đầu về mối quan hệ giữa tiền mặt nắm giữ và các biến khác của công ty như bảng 3.1. Tuy nhiên, trước khi chạy mô hình hồi qui, đề tài sẽ khảo sát thông qua các thông số và đồ thị về mối quan hệ giữa tiền mặt và các nhân tố giải thích đã nêu trên, nhằm có cái nhìn chính xác hơn về mối quan hệ này ở các công ty niêm yết ở Việt Nam.
Bảng 3.1: Dự đoán ban đầu về mối quan hệ giữa tiền mặt công ty và các biến giải thích
Tương quan
CAPEXPEND -
CF -
L -
NWC -
SIZE -
SALEGROWTH +