ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHÙ HỢP VỀ MẶT CHÍNH SÁCH

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng triển khai cách tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu trong kế hoạch phát triển các vùng cà phê chè ở Tây Nguyên (Trang 50 - 68)

NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH VỚI KHÍ HẬU

3.1. Chính sách biến đổi khí hậu và nông nghiệp trên thế giới 3.1.1. Tài chính

Phần lớn các nhu cầu vốn trong nông nghiệp là từ các nguồn tư nhân nội địa (Schmidhuber, J., J.Bruinsma, G. Boedeker, 2009). Khoảng 70% nguồn tài chính nông nghiệp đến từ bộ phân kinh tế tư nhân. Dòng vốn cho các nông trại và cơ sở hạ tầng nông nghiệp được dự tính sẽ tăng hai đến ba lần trong vòng 5 năm tới, đạt 150 triệu đôla vào sau năm 2015 (HighQuest Partners, 2010).

Tài chính công nhỏ hơn nhưng vẫn là một hợp phần quan trọng trong tài chính nông nghiệp. Tài chính cho nông nghiệp chỉ là 4% ở những nước nông nghiệp so với phần đóng góp lớn của lĩnh vực này vào GDP (World Bank, 2007). Tuy nhiên, tài chính công đóng vai trò trong nghiên cứu và triển khai (World Bank, 2007) và cũng giúp kết nối, thúc đẩy các dòng đầu tư tư nhân (Schmidhuber, J., J.Bruinsma, G. Boedeker, 2009). Hơn nữa, hợp phần nông nghiệp trong ODA là khoảng 6% vào năm 2009 và đang tăng dần (FAO, 2009b).

FAO ước tính vào năm 2050 tại các nước đang phát triển, khoảng 60 tỷ đôla trong số 210 tỷ đôla sẽ là từ các nguồn tài chính công, cả ngoài nước và nội địa, cho các nội dung cơ sở hạ tầng nông thôn, tri thức, dịch vụ hỗ trợ và đảm bảo tiếp cận với lương thực và thị trường.

Các nguồn vốn công cần được sử dụng một cách chiến lược nhằm loại bỏ các rào cản đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Mặc dù tài chính khí hậu quốc tế sẽ lớn hơn trong tương lai nhưng nó chưa chắc đã đáp ứng được những yêu cầu đầu tư đầy đủ cho thích ứng và giảm nhẹ ở những nước đang phát triển. Các nguồn vốn công cần tập trung vào việc tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp và thúc đẩy vốn tư nhân.

Các cơ chế mới từ UNFCCC như CDM mở rộng và vốn cho NAPAs và NAMAs có thể giúp các quốc gia tiếp cận được tài chính cho giảm nhẹ và thích ứng trong một thời gian ngắn. Theo thoả thuận Cancun, các nước đang phát triển sẽ được cung cấp khoảng 30 tỷ đôla trong giai đoạn 2010-2012 và lên đến 100 tỷ đô la hàng năm vào năm 2020 (UNFCCC QĐ 2/COP15).

Tuy nhiên, nông nghiệp sẽ không thể có đủ vốn cho tất cả các lĩnh vực của ngành. Các kênh và cơ chế tài chính hiện tại đang rất dao động với độ không chắc chắn cao. Các khung tài chính hiện tại không xem xét chi tiết cho ngành nông nghiệp và vì thể có thể không cung cấp được sự hỗ trợ và động viên phù hợp. Do đó, việc thúc đẩy xây dựng các cơ chế tài chính mới và chuyển đổi những cơ chế cũ là rất quan trọng. Với các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, các kênh tài chính khí hậu sau cần được xem xét:

- Quỹ tín dụng - thuộc quỹ môi trường toàn cầu GEF;

- Quỹ khí hậu xanh;

- CDM sửa đổi;

- NAMAs cho các nước đang phát triển;

- REDD+.

3.1.2. Công nghệ

Phát triển và phổ biến công nghệ có thể hỗ trợ thay đổi các hoạt động nông nghiệp hướng đến tính bền vững. Những mối quan tâm về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH đã tạo ra những ưu tiên nghiên cứu và phát minh trong nông nghiệp. Trong bối cảnh nông nghiệp, các công nghệ bao gồm những giống mới và các kỹ thuật mới như quản lý đất, thu hoạch nhờ nước, tưới nước, áp dụng phân bón và làm đất.

Những trở ngại đối với việc phân phối công nghệ cần được nhận dạng và vượt qua. Những mâu thuẫn mạnh mẽ nhất thường xuất hiện ở giai đoạn chấp nhận. Các thị trường nghèo nàn về đầu vào và đầu ra, các thể chế và cơ sở hạ tầng địa phương yếu kém và các hệ thống phụ trợ không tương xứng, hoặc thiếu

các thị trường tín dụng và bảo hiểm có thể cản trở các hộ gia đình tiếp cận và sử dụng những công nghệ và hoạt động mới (Lybbert, T., và D. Sumner, 2010).

Trong thoả thuận Cancun, các bên đã quyết định tạo một cơ chế công nghệ để khích lệ sự phát triển và chuyển giao các công nghệ thân thiện với khí hậu, đặc biệt là với các nước đang phát triển, để hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH (UNFCCC QĐ 1/COP 16). Cơ chế này sẽ gồm 2 cơ quan:

(1) Hội đồng điều hành công nghệ (Technology Executive Committee - TEC) sẽ đưa ra những kiến nghị về nhu cầu công nghệ và (2) Trung tâm và Mạng lưới công nghệ khí hậu (Climate Technology Centre and Network - CTCN) sẽ cung cấp các dịch vụ cho các nước đang phát triển và hỗ trợ các trung tâm công nghệ quốc gia, vùng, ngành và quốc tế.

Có nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp trong các ưu tiên và hoạt động của Cơ chế công nghệ (Technology Mechanism - TM). Những chi tiết hoạt động của TEC và CTCN, những ưu tiên và hoạt động được tài trợ chưa được xác định cụ thể và cũng chưa chỉ rõ lĩnh vực nào. Tuy nhiên chúng có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đây sự phân phối phát minh và công nghệ. Về phương diện này, các đánh giá về nhu cầu công nghệ quốc gia (Technology Needs Assessments - TNAs) được thực hiện bởi những nước đang phát triển là một nguồn thông tin rất có giá trị (UNFCCC Secretariat, 2009).

Việc khai thác tiềm năng của TM để hỗ trợ phát triển và triển khai công nghệ cho nông nghiệp sẽ cần sự tham gia tích cực của các nhà đàm phán. Sự tham gia này cần được hỗ trợ bởi việc đưa ra những lựa chọn và quan điểm khả thi về sự can thiệp trong các thương thảo hiện tại về việc thiết lập thể chế của cơ chế.

3.1.3. Xây dựng năng lực và tăng cường thể chế

Sự yếu kém trong cấu trúc thể chế, thiếu nguồn tài chính và bảo hiểm, giao đất không đảm bảo, sự tiếp cận hạn chế đến các thị trường và dịch vụ cơ bản, và sự thiếu các cơ quan nghiên cứu có năng lực là những rào cản cho việc phổ biến và tiếp nhận các kinh nghiệm và công nghệ nông nghiệp. Xây dựng

năng lực và tăng cường thể chế là cần thiết để tạo điều kiện cho nông dân, cộng đồng, cơ quan và các thực thể khác sử dụng hiệu quả tri thức, tài nguyên và công nghệ nhắm ứng phó hiệu quả với những thách thức mà nông nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là BĐKH.

Việc thiết lập xây dựng năng lực thích ứng trong nông nghiệp được biết đến rộng rãi hơn. Những kiến thức liên quan gồm những tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH và các hiện tượng cực đoan ở quy mô địa phương. Những phương pháp sáng tạo trong cải thiện quản lý tri thức gồm: các mạng lưới quản lý tri thức vùng; tăng cường sử dụng điện thoại di động để nhận các thông tin dự báo thời tiết liên quan và các trường học thực tế để kết nối sự trao đổi trong nông dân.

Những hỗ trợ về thể chế, tài chính và kỹ thuật cũng rất cần thiết. Những hỗ trợ này gồm tạo các khung luật và chính sách có thể đảm bảo tiếp cận và cung cấp quyền sử dụng an toàn đối với tài nguyên và đất đai, bảo vệ quyền sử dụng nước, cho phép việc môi giới các vấn đề có tính hợp đồng và hỗ trợ các hệ thống thương mại và phối hợp giữa nông dân. Các khoản đầu tư trong cơ sở hạ tầng nông nghiệp để tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân với thị trường cũng rất cần thiết. Khi họ có thể tiếp cận được với những nguồn tài chính này, họ cần năng lực để sử dụng chúng một cách hiệu quả và phân phối một cách công bằng trong cộng đồng để tăng cường niềm tin của các bên liên quan.

Năng lực và khả năng phối hợp của các cơ quan quốc gia và địa phương như các bộ nông nghiệp và các cơ quan nghiên cứu, cũng cần được tăng cường.

Việc nâng cao khả năng lập chính sách nhằm giúp thiết lập các chính sách liên lĩnh vực và điều phối các thể chế chính phủ trên quy mô quốc gia. Sự trao đổi thông tin và đào tạo giữa các cơ quan nghiên cứu và những người lập chính sách và kể cả giữa những nước đang phát triễn và đã phát triển có thể là một công cụ phát triển chính sách và chương trình, hỗ trợ những yêu cầu được chỉ ra ở trên (UNEP, 2002).

Các cơ quan nghiên cứu và hỗ trợ nông nghiệp cần phải có năng lực tốt hơn để tạo thuận lợi cho việc ứng phó với BĐKH và đặc biệt là để hỗ trợ cho

nông dân. Việc nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cần nguồn vốn, trình độ nhân viên và chuyên gia phù hợp trong các lĩnh vực khí hậu và nông nghiệp liên quan đến bối cảnh địa phương cũng như trong thương mại, kinh tế và chính trị.

Việc xây dựng năng lực như vậy có thể dẫn đến việc gắn kết tốt hơn giữa xoá nghèo, định hướng thị trường, ANLT và các mục tiêu BĐKH. Sự hỗ trợ cho nông dân có thể gồm việc cải tiến các dịch vụ khí hậu và thời tiết, tạo ra các hệ thống hỗ trợ mới.

3.2. Phân tích chính sách biến đổi khí hậu và nông nghiệp ở Việt Nam

Phần này sẽ phân tích các chính sách về nông nghiệp và BĐKH ở Việt Nam ở mức độ phù hợp với các chương trình đàm phán tại hội nghị các bên về BĐKH (Conference of Parties - COPs) và các chính sách quốc tế theo ba giai đoạn: giai đoạn trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2008 (National Target Program - NTP); giai đoạn thực hiện NTP 2008 và giai đoạn thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011. Phương pháp phân tích và lồng ghép chính sách được sử dụng theo hướng dẫn của FAO (2012a).

3.2.1. Giai đoạn trước NTP 2008

COP 13 (03-15/12/2007), Bali, Indonesia:

Các bên chấp thuận “Lộ trình Bali”, thành lập một nhóm đi đàm phán về hoạt động hợp tác lâu dài trước năm 2012. Việc này bắt đầu con đường đi tới hiệp định toàn cầu dự định đạt được tại COP15.

Một trong những vấn đề cơ bản là thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nhiều diễn giả cho rằng cần đưa Quỹ Thích ứng đi vào hoạt động và đưa các nguồn lực hỗ trợ đến với các nước đang phát triển giúp họ thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Một vấn đề nữa là chuyển giao công nghệ, vấn đề này được các diễn giả kêu gọi đầu tư nhiều hơn để thúc đẩy thực hiện.

Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (01/07/08):

Một trong các ưu tiên nghiên cứu về môi trường rừng và đa dạng sinh học là “rừng với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai”.

Khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành NN&PTNT giai đoạn 2008-2020 (05/09/08):

Nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trong bối cảnh bị tác động bởi BĐKH, trong đó chú trọng đến:

- Đảm bảo ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, miền núi;

- Đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định, an ninh lương thực; đảm bảo 3,8 triệu ha canh tác lúa hai vụ;

- Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đánh giá giai đoạn trước NTP 2008:

Phù hợp với các kết quả đạt được ở thoả thuận Bali là tập trung vào các hoạt động thích ứng, ngành Nông nghiệp đã có những bước đi đầu tiên trong chính sách về BĐKH, biểu hiện cụ thể là Chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành.

3.2.2. Giai đoạn thực hiện NTP 2008 COP 14 (01-12/ 12/2008), Poznan, Ba Lan:

Hội nghị đã có một số kết quả khả quan:

- Đưa quỹ thích ứng vào hoạt động dưới khuôn khổ nghị định thư Kyoto;

- Một số bước tiến trong các vấn đề quan trọng đối với những nước đang phát triển như thích ứng, tài chính, công nghệ, REDD và quản lý thiên tai.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (02/12/08):

Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền

vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ NN&PTNT:

- Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các lĩnh vực do Bộ quản lý;

- Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý;

- Tích hợp các vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch, và quy hoạch của Bộ;

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác.

Định hướng chiến lược phát triển thuỷ lợi Việt Nam (09/10/2009):

Quan điểm 5: Quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước phải luôn gắn với đặc điểm về nguồn nước của Việt Nam là ngày càng cạn kiệt và suy thoái về chất lượng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, tác động của BĐKH đến nguồn nước ngày càng mạnh mẽ.

COP 15 (07-18/12/2009), Copenhagen, Đan Mạch:

Các nước thống nhất đưa ra Thỏa thuận Copenhagen như sau:

- Với nước phát triển: Hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực ứng phó tại các nước đang phát triển; định hướng cắt giảm phát thải đến 2020;

- Với nước đang phát triển: Thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK, đảm bảo phát triển bền vững bằng nguồn kinh phí trong nước và hỗ trợ quốc tế.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (16/09/2010):

Quan điểm phát triển 4: Phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ

và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng với tác động của BĐKH; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

COP 16 (29/11-09/12/2010), Cancun, Mexico:

Đưa ra Thỏa thuận Cancun:

- Nhất trí bắt đầu thương lượng về một thỏa thuận mới, theo đó, tất cả các nước thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý;

- Gia hạn nghị định thư thêm 5 năm, tức là đến năm 2017.

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành NN&PTNT giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến 2050 (23/03/2011):

Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của ngành NN&PTNT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do BĐKH và tham gia giảm phát thải KNK, đảm bảo được sự phát triển bền vững các lĩnh vực thuộc ngành trên phạm vi toàn quốc; bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phòng, trành giảm nhẹ thiên tai do BĐKH, nước biển dâng gây ra, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong điều kiện BĐKH, trong đó chú trọng đến:

- Ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, ven biển miền Trung;

- Sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản ổn định, ít phát thải và phát triển bền vững;

- Bảo đảm ANLT, ổn định diện tích đât lúa 3,8 triệu ha, trong đó ít nhất 3,2 triệu ha canh tác lúa 2 vụ trở lên;

- Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai;

- Giữ vững mức độ tăng trưởng ngành 20%, giảm tỷ lệ đói nghèo 20% và giảm phát thải KNK 20% trong từng giai đoạn 10 năm.

Đánh giá giai đoạn thực hiện NTP 2008:

Trong giai đoạn này, ngành NN&PTNT vẫn đi trước các chính sách quốc gia một bước, tuy nhiên, trước COP 15, các hoạt động chỉ tập trung chủ yếu vào thích ứng. Trong các giai đoạn COP 15, 16 và sau đó, với 2 thoả thuận Copenhagen và Cancun, chính sách của ngành nông nghiệp đã có tính toàn diện hơn, đặc biệt là Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành NN&PTNT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050 đã đề ra những chỉ tiêu giảm nhẹ BĐKH một cách cụ thể.

3.2.3. Giai đoạn thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu năm 2011 COP 17 (28/11-09/12/2011), Durban, Nam Phi:

Một số kết quả:

- Nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto cho giai đoạn 2013-2020;

- Thống nhất việc thành lập Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund - GCF) đề xuất từ COP15;

- Thành lập được Diễn đàn Durban về hành động tăng cường, là một trong những kết quả quan trọng của COP17;

- Đạt được thỏa thuận tích cực về Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+);

- Thống nhất về Cơ chế Công nghệ cho BĐKH, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2012.

Chiến lược quốc gia về BĐKH (05/12/2011):

Quan điểm chiến lược:

- Ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với PTBV, hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia;

- Tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm;

- Chiến lược về BĐKH có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng triển khai cách tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu trong kế hoạch phát triển các vùng cà phê chè ở Tây Nguyên (Trang 50 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)