I. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
2.3. Một số giải pháp thúc đẩy ĐTNN trong năm 2008.
2.3.1. Về môi trường pháp lý:
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và triển khai có hiệu quả các đạo luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, sửa đổi Luật Thuế, Luật Ngân hàng, Bảo hiểm, Sở hữu trí tuệ, Hải quan… Ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp lý về đầu tư- kinh doanh, nhất là các văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp (về quyền sử dụng đất, về huy động vốn, về lao động, về thuế, đặc biệt là cách tính thuế và thu thuế).
- Rà soát các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường để thực hiện theo đúng lộ trình. Các Bộ, ngành sớm ban hành quy định về các điều kiện đầu tư cụ thể tương ứng trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam.
- Tập trung thực hiện các công việc theo nội dung công văn số 2513/BKH-ĐTNN của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ngày 13/4/2007 về tăng cường quản lý hoạt động ĐTNN trong tình hình mới.
2.3.2. Về thủ tục hành chính:
Tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế ‘liên thông-một cửa’ ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư. Tăng cường năng lực quản lý ĐTNN của các cơ quan chức năng và cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan,... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động ĐTNN, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
2.3.3. Về kết cấu hạ tầng:
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có việc ban hành quy chế khuyến khích tư nhân, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
2.3.4. Về công tác thống kê số liệu ĐTNN :
(i) Chủ trì, phối hợp với Cục ĐTNN và Vụ Quản lý KCN-KCX ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và bên hợp doanh nước ngoài thay thế Thông tư số 01/LB ngày 31/3/1997 để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý ĐTNN địa phương và doanh nghiệp thực hiện.
(ii) Chỉ đạo các Cục Thống kê địa phương tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp ĐTNN để phục vụ việc phân tích, đánh giá và kiến nghị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
2.3.5. Về đào tạo nguồn nhân lực:
Tăng cường mạnh mẽ công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề với sự tham gia của các tổ chức trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư.
Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác XTĐT nói riêng và quản lý đầu tư nói chung. Vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý ĐTNN.
2.3.6. Về xúc tiến đầu tư:
- Tăng cường phối hợp trong XTĐT giữa trung ương và địa phương. Nhanh chóng ban hành Quy chế phối hợp và triển khai các bộ phận XTĐT ở một số địa bàn trọng điểm. Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm, tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính- công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam.
- Triển khai đúng tiến độ việc thực hiện Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình XTĐT quốc gia giai đoạn 2007-2010 để có thể bắt đầu thi hành từ ngày 01/01/2998 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Nâng cấp và duy trì trang thông tin website giới thiệu về ĐTNN đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
2.3.7. Một số vấn đề khác :
- Tiếp tục xây dựng chương trình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản giai đoạn III một cách hiệu quả; cũng như Cơ chế hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Việt Nam) và Cơ quan Phát triển kinh tế- EDB (Singapore) phù hợp với tình hình mới.
- Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (tuyên truyền về vai trò của FDI, Hội thảo quốc gia về FDI, tuyên dương các đơn vị/cá nhân có thành tích trong khu vực FDI.v.v.)
- Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự quản lý hoạt động ĐTNN các cấp đáp ứng nhu cầu tình hình mới.
- Kiến nghị việc bổ sung vốn đối ứng của dự án Jica về tăng cường năng lực điều hành hoạt động ĐTNN của Cục ĐTNN để đẩy nhanh việc triển khai phục vụ công tác thu thập thông tin FDI và quản lý hoạt động XTĐT trong bối cảnh mới.