Nền kinh tế hỗn hợp ở châu Âu
Cuộc họp cuối cùng của các nhà lãnh đạo phe Đồng minh diễn ra vào tháng 7 năm 1945 tại một địa điểm từng là cung điện của Hoàng đế nước Đức thuộc Potsdam, ngoại ô Berlin.
Mục tiêu của cuộc họp này là lên kế hoạch cho những hành động cuối cùng của Thế chiến
thứ hai và chuẩn bị cho hòa bình. Trong số họ có một nhà lãnh đạo chưa từng trải - tân Tổng thống Mỹ Harry Truman - người mới kế nhiệm Franklin Roosevelt chưa đầy ba tháng.
Người thứ hai là nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin - Bác Joe, như phía Đồng minh vẫn gọi do bản tính rất dễ cáu kỉnh của ông. Phải nhiều năm sau thì người ta mới biết đến những hậu quả đầy đủ về con người do sự độc tài và các trại tù chính trị của ông. Vào lúc đó, mô hình kế hoạch hóa tập trung Xô Viết với những kế
hoạch 5 năm và công cuộc công nghiệp hóa quy mô lớn đã có ảnh hưởng mạnh và kéo dài trong nhiều thập kỷ. Người thứ ba là Winston Churchill, một nhà chiến lược lớn và một nhà lãnh đạo kiên định, người mà với quyết định quả cảm của mình trong bối cảnh nước Anh hoàn toàn bị cô lập, đã trở thành biểu tượng của quyết tâm chống phát-xít. Thực sự ông đã là một vị anh hùng trong lịch sử; thực khó có thể nói đến thắng lợi của phe Đồng minh mà không nói đến Churchill trong những giờ khắc
tăm tối nhất thời kỳ 1940- 1941.
Những nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị Potsdam rất khó khăn và chương trình nghị sự của Hội nghị đầy kín những vấn đề gay go căng thẳng như thời điểm Liên bang Xô Viết tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản, cơ chế tạm chiếm nước Đức, bồi thường thiệt hại chiến tranh và dĩ nhiên là cả vấn đề biên giới.
Ngoài ra còn có một vài vấn đề khác. Trong thời điểm diễn ra Hội nghị, khi biết thông tin về cuộc thử bom hạt nhân thành công tại sa mạc bang New
Mexico, Truman đã giả bộ tình cờ đến gần Stalin và cho biết nước Mỹ đã có một vũ khí mới.
“Vũ khí này rất mạnh”, Truman nói. Stalin đáp: “Tốt thôi, tôi hy vọng nước Mỹ có thể sử dụng vũ khí này”. Thông tin của Truman chẳng làm nhà độc tài Xô Viết ngạc nhiên, ông ta đã biết trước về vũ khí mới của Mỹ qua những tin tức tình báo.
Sau chín ngày đấu tranh ngoại giao là giai đoạn tạm nghỉ - một thứ nghi lễ dường như kỳ lạ của chủ nghĩa dân chủ tư sản đối với Stalin - đó là một cuộc bầu cử, trong trường
hợp này là cuộc bầu cử ở nước Anh nhằm thay thế chính phủ đã điều hành nước Anh từ tháng 5 năm 1940. Churchill rời Potsdam ngày 25 tháng 7.
Mặc dù gặp ác mộng thấy mình chết trước đó nhưng Churchill vẫn rất tự tin rằng Đảng Bảo thủ của ông sẽ chiến thắng với đa số phiếu và rằng ông sẽ sớm quay lại để tiếp tục tranh luận với Stalin. Thế nhưng do cử tri nước Anh lo sợ nạn thất nghiệp và suy thoái kinh tế lại xảy ra như những năm 30 nên kết quả là Công đảng lại thắng lớn. Với Churchill, người đã lãnh đạo
nước Anh qua thời kỳ tồi tệ của chiến tranh, sự thất bại này là một nỗi nhục nhã lớn. “Thật bẽ mặt” - đó là cách Churchill mô tả kết quả cuộc bầu cử. Một vài tuần sau, vợ ông an ủi ông về kết quả của cuộc bầu cử:
“Trong cái rủi lại có cái may”.
Churchill trả lời: “Giờ thì có lẽ là may mắn lớn”.
Nước Anh không còn được lãnh đạo bởi nhân vật kiệt xuất từng được mệnh danh là người hùng vĩ đại của lịch sử chính trị hiện đại - hậu duệ của Bá tước Marlborough, chỉ huy kỵ binh và anh hùng trong cuộc chiến
tranh Boer,[16]
tay hảo hán và chủ nhân, người có phong cách riêng, người bảo vệ đất nước đã trở thành nhà cải cách tự do của vương quốc Anh. Ông đã thất bại trước Clement Attlee, người bị thôi thúc bởi cảnh khốn cùng và sự tuyệt vọng của những người dân đang sống trong các khu ổ chuột trên nước Anh và bị ảnh hưởng bởi cái mà ông gọi là “đạo lý Cơ Đốc giáo”, đã dành 14 năm đầu trong sự nghiệp của mình để trở thành nhà hoạt động xã hội vùng cực Đông London.
Sự tương phản giữa Attlee và Churchill rất lớn. Thủ tướng Attlee, được một người cùng thời mô tả là “rất dịu dàng và ít nói”, đã rất tự hào là không đọc báo, cố gắng giữ cho các bài tóm lược tin tức trong 10 phút hoặc ít hơn (chấm dứt bằng câu
“chẳng có gì” hoặc “với tôi ý tưởng này thật điên rồ”), và lúc nào cũng cố dùng càng ít từ càng tốt. Về sau này ông được hỏi là: “Liệu ông có cho rằng ông là người theo thuyết bất khả tri hay không?” Ông đã trả lời là: “Tôi không biết”. Và khi được hỏi là: “Liệu có tồn tại thế
giới bên kia hay không”, thì ông đáp: “Có thể”.
Và chính Attlee, chứ không phải Churchill, đã trở lại Potsdam. Mặc dầu Attlee là một nhân vật thuộc phe xã hội, nhưng hầu như không có thay đổi gì trong thành phần đoàn đại biểu Anh, cũng như trong chính sách của nước Anh. Ngay cả những nhân viên phục vụ thủ tướng cũng được giữ nguyên. Vì biết là Attlee không có người phục vụ, Churchill đã cho ông mượn người của mình.
Tất cả những điều đó làm Stalin bối rối, và đã nghĩ là hẳn có
một sự thỏa thuận từ đầu nào đó giữa Churchill và Attlee. Sau cùng, V.M. Molotov, Bộ trưởng Ngoại giao của Stalin, đã gợi ra với Attlee là hẳn Churchill đã
“ấn định” kết quả bầu cử. Tại Potsdam, Attlee đã chẳng lấy gì làm bực mình khi nhà lãnh đạo công đoàn Ernest Bevin, Ngoại trưởng mới của ông, dường như đã đứng ra nói từ đầu chí cuối trong khi Attlee ngồi yên lặng, nhả khói xì gà và gật đầu. Ông giải thích: “Bạn đừng có nuôi một con chó mà bạn lại tự sủa lấy, và Ernie là một con chó rất tốt”.
Khi chiến thắng của cuộc Thế chiến thứ hai tới gần, Attlee và những đảng viên Công đảng - một sự pha trộn giữa giới trí thức Oxford, lãnh đạo công đoàn và thợ mỏ - đã đánh trúng vào tình cảm của toàn bộ cử tri, trong khi Churchill lại không làm được điều đó. Và những chương trình mà Attlee và đảng của ông hứa hẹn thực hiện đại diện cho một kỷ nguyên mới, trong đó các chính phủ - hay nhà nước - tìm cách nắm giữ và điều khiển “những đỉnh cao chỉ huy” trong nền kinh tế. Điều này trước hết xảy
ra ở các nước công nghiệp, dưới cái tên sự tái thiết, tăng trưởng kinh tế, việc làm đầy đủ và sự công bằng. Tiếp sau là ở các nước đang phát triển, dưới cái tên sự tiến bộ, xây dựng tổ quốc và chống chủ nghĩa đế quốc. Công đảng thiết lập và hợp pháp hóa mô hình kinh tế hỗn hợp, được đặc trưng bởi sự can thiệp mạnh và trực tiếp của chính phủ vào nền kinh tế cùng với chính sách nhà nước phúc lợi ngày càng mở rộng. Can thiệp của chính phủ có thể thông qua quản lý tài khóa hoặc khu vực doanh nghiệp nhà
nước - khu vực này cùng tồn tại song song với khu vực tư nhân.
Mô hình này đã tồn tại trong bốn thập kỷ. Các nỗ lực của Công đảng đã đánh dấu sự bắt đầu một trào lưu kinh tế và chính trị lan ra khắp thế giới cho tới khi đạt đến đỉnh cao vào những năm 70.
Hướng tới nền kinh tế hỗn hợp
Khắp Tây Âu, có nhiều động lực cùng tạo ra sự đồng thuận về một nền kinh tế hỗn hợp.
Thiệt hại thứ nhất hiển hiện
trước mắt mọi người là sự tàn phá ghê gớm và cảnh cùng cực do chiến tranh gây ra. Sự tàn phá này đã nhanh chóng tạo ra một cuộc khủng hoảng với quy mô chưa từng có; trong lịch sử chưa bao giờ có những biến cố lớn như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Henry Stimson đã ghi lại trong nhật ký của mình:
“Khung cảnh tồi tệ hơn bất cứ những gì có thể xảy ra trên thế giới”. Hàng chục triệu người thiếu lương thực trầm trọng, nhiều người có nguy cơ chết vì đói. Cuộc khủng hoảng có thể đo được bằng thiệt hại về mặt
con người – số người chết và bị thương, người tàn tật, sự ly tán của các gia đình. Cuộc khủng hoảng cũng được thể hiện bằng những thiệt hại vật chất – nhà cửa và các nhà máy bị san bằng thành các đống gạch vụn, công nghiệp và giao thông không thể hoạt động. Nhưng vẫn còn một sự thiệt hại nữa khó thấy hơn:
máy móc xuống cấp, lực lượng lao động của châu Âu kiệt sức, bệnh tật, rối loạn; những kỹ năng kỹ thuật mất hết. Thời tiết khắc nghiệt mà đỉnh điểm là vào mùa đông Siberia 1947 đã tạo ra một cuộc khủng
hoảng trầm trọng.
Cần phải làm gì đó và phải thật nhanh. Đời sống đã quá cùng cực. Nếu không sớm có câu trả lời cho tình huống này thì chủ nghĩa cộng sản có thể sẽ lan khắp lục địa châu Âu.
Không có một khu vực tư nhân nào có thể huy động vốn, tư liệu sản xuất và những năng lực cần thiết để có thể tái thiết và phục hồi khi thương mại và thanh toán quốc tế hoàn toàn đổ vỡ. Nhà nước phải đảm nhận nhiệm vụ này và lấp đầy chỗ trống. Có thể nói nhà nước là nhà quán quân trong việc tổ
chức và phục hồi kinh tế. Ngoài ra không còn ai khác.
Các chính sách về chương trình của nền kinh tế hỗn hợp cũng nảy sinh từ những kinh nghiệm của những thập kỷ trước. Trước hết, đó là cuộc Đại Suy thoái những năm 30 và biểu hiện nhức nhối nhất chính là nạn thất nghiệp trầm trọng.
Với thực tế nền kinh tế thế giới ngày nay, người ta sẽ không thể lý giải được những gì đã xảy ra trong suốt bốn thập kỷ tiếp đó nếu không hiểu rằng thất nghiệp là vấn đề cơ cấu trọng tâm mà tất cả các chính
sách đều phải nhằm giải quyết.
Trong thập kỷ 20, hệ thống thị trường đã tỏ ra kém hiệu quả ở nhiều nước và trong thập kỷ 30, hệ thống này đã thất bại hàng loạt. Vì thế không có gì đảm bảo rằng hệ thống này lại không thất bại thêm một lần nữa. Nhà nước, do vậy, đã đảm nhiệm một vai trò to lớn hơn nhiều nhằm tạo việc làm đầy đủ, diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây ra khủng hoảng, điều chỉnh và ổn định hoạt động kinh tế, và đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không gây ra sự suy thoái khiến cho những lời hứa
hẹn, những lý tưởng và sự hy sinh trong cuộc chiến vừa kết thúc trở nên vô nghĩa.
Khi chiến tranh kết thúc, ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đối với dân chúng đã mất uy tín đến mức ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng được. Chủ nghĩa tư bản dường như là thứ chủ nghĩa nhu nhược, không thích hợp, bất lực và người ta không thể mong đợi rằng nó sẽ mang lại sự phát triển kinh tế và một cuộc sống khấm khá hơn. “Ở châu Âu không ai còn tin vào nền kinh tế kiểu Mỹ -
tức là chỉ có các công ty tư nhân”, nhà sử học người Anh A.J.P. Taylor[17]
lúc đó đã viết như vậy. Hầu như chẳng còn ai tin vào nền kinh tế kiểu Mỹ ngoại trừ những người ảo tưởng như những người ủng hộ vua James II[18]
ở Anh sau năm 1688. Về mặt đạo đức, chủ nghĩa tư bản thật đáng phê phán vì nó thể hiện lòng tham lam, làm tăng sự bất bình đẳng, không đáp ứng được nhu cầu của công dân và đối với nhiều người, chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm trong việc gây
ra cuộc chiến tranh thế giới.
Một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi trên.
Đối với thế giới phương Tây, Liên bang Xô Viết đã tạo được thanh thế và sự kính nể về mặt kinh tế mà ngày nay khó có thể đạt lại được. Những kế hoạch năm năm trong phát triển công nghiệp, nền kinh tế “chỉ huy và kiểm soát”, sự tuyên bố không có thất nghiệp được coi là lời giải cho nạn thất nghiệp và sự thất bại của chủ nghĩa tư bản trong những năm 30. Mô hình kinh tế Xô Viết càng có uy tín hơn nữa khi đã chiến thắng cỗ
máy chiến tranh Đức Quốc Xã.
Tất cả mọi thứ đã tạo ra cho chủ nghĩa xã hội một cái tên đẹp đẽ. Sự kính nể và khâm phục không những xuất phát từ phần còn lại của châu Âu mà còn từ phe ôn hòa và thậm chí từ phe bảo thủ. Sự khốn khổ và tính tàn bạo của chế độ Stalin lúc đó vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa được xem xét nghiêm túc.
Tính giới hạn và cứng nhắc của hệ thống kế hoạch hóa tập trung - và xét cho cùng yếu điểm cơ bản sống còn của hệ thống này là không thể đổi mới - phải mất hàng thập kỷ nữa
mới chứng minh được. Mặc dù luôn ủng hộ “thử nghiệm” Xô Viết nhưng nhà sử học E.H.
Carr[19]
đã quá cường điệu khi ông viết năm 1947: “Chắc chắn nếu chúng ta đều là những nhà hoạch định chính sách thì dù có nhận thức được hay không, kết quả này chủ yếu là do ảnh hưởng từ thực tiễn của Liên bang Xô Viết và những thành tựu mà nó đạt được”. Nó đã thách thức và ám ảnh những người thuộc phe dân chủ xã hội, phe ôn hòa và phe bảo thủ; ảnh hưởng của nó đến
toàn bộ giới chính trị là điều không thể phủ nhận được.
Nước Anh: Giữ đúng lời hứa
Đối với Công đảng của Anh, giải quyết nỗi ám ảnh của nạn thất nghiệp là điểm khởi đầu, hay gần như là lý do để tồn tại.
Rốt cuộc họ cũng muốn thực hiện lời hứa của Thủ tướng David Lloyd George hồi cuối Thế chiến thứ nhất: “Các anh hùng sẽ có nhà ở”, một lời hứa đã không được thực hiện trong những năm cay đắng giữa hai cuộc thế chiến. Diễn ra trong
những năm 20 và thậm chí tồi tệ hơn trong những năm 30 là nạn thất nghiệp tràn lan và các thử thách cam go, sự đối đầu giữa chủ và thợ, sự phân biệt giai cấp mà do đó những người có khả năng và được đào tạo (họ muốn được đào tạo) từ chối cơ hội và lên án những người tiếp tục đầu tư. Khi những đảng viên Công đảng nhận ra điều này thì nước Anh đã là một quốc gia mà các nhà tư bản chắc chắn đã thất bại, họ không chịu đầu tư và không hề có động cơ đổi mới. Thay vào đó, các nhà kinh doanh cứng
nhắc và tầm thường này lại chỉ lo tích lũy lợi nhuận, trốn tránh việc áp dụng công nghệ mới, kỳ thị sự đổi mới và sa thải nhân công. Những nhà kinh doanh như vậy không thể là những người làm hồi sinh nền kinh tế được.
Phản ứng của những đảng viên Công đảng trước tình hình xã hội và nạn thất nghiệp trong những năm 30 thực ra chính là cực điểm của cao trào giải phóng trí thức đã hình thành từ nhiều thập kỷ trước của thế kỷ XIX, nhằm xóa bỏ cảnh đói nghèo và những khu nhà ổ
chuột do quá trình công nghiệp hóa gây ra, khắc phục hậu quả của các cuộc khủng hoảng cũng như những thất bại trong chu kỳ kinh doanh. Chính những điều này đã khiến Clement Attlee khởi nghiệp ở vùng cực Đông London thay cho làm việc trong văn phòng luật sư của cha. Ám ảnh bởi những cảnh khốn cùng, cũng giống như Attlee, rất nhiều người, ở những mức độ khác nhau, đều theo đuổi mục tiêu cải cách và công bằng xã hội, tìm kiếm tính hiệu quả, và luôn tin tưởng vào trách nhiệm của chính phủ đối
với công dân, cũng như đưa nước Anh theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Trong số đó, nhiều quan điểm đã được đề xướng bởi những người theo học thuyết Fabian, một học thuyết ra đời vào cuối thế kỷ XIX bởi nhiều học giả trong đó có Beatrice, Sidney Webb[20]
và George Bernard Shaw.[21]
Cộng đồng trí thức có ảnh hưởng lớn này mưu tính thay thế “sự tranh giành vì lợi ích cá nhân” bằng “sự thịnh vượng chung”, hay theo lời của Shaw, đó là từng bước hướng tới “chủ