Truyện ngắn Việt Nam sau 1986 và những đổi mới về thể loại

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 21 - 32)

CHƯƠNG 1: TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN THỂ LOẠI

1.2. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong dòng chảy truyện ngắn Việt Nam sau năm 1986

1.2.1. Truyện ngắn Việt Nam sau 1986 và những đổi mới về thể loại

Trước 1975, do yêu cầu của lịch sử, người ta vẫn thường nói tới phong trào đi thực tế sáng tác và kết quả của những chuyến đi đó là các sáng tác được viết theo đề tài đã được khuôn định như đề tài hợp tác hóa nông nghiệp, đề tài công nhân, đề tài chiến tranh và người lính… Sau 1975, chiến tranh kết thúc. Sự trở về cuộc sống hòa bình và việc xóa bỏ cơ chế bao cấp đã làm nên những thay đổi căn bản, khiến đời sống xã hội rẽ sang một bước ngoặt mới. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng với chủ trương

“cởi trói” cho văn học nghệ thuật đã mở những cánh cửa cho nghệ sĩ. Bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu có thể coi là sự nhận thức lại, là nhu cầu tự vấn và là khát vọng được thành thật của người cầm bút, điều mà họ trăn trở lâu nay. Quan điểm về cái gọi là “văn học minh họa” của Nguyễn Minh Châu hay “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến đã trở thành một “cú hích”

cho sáng tạo nghệ thuật. Cùng với những “tuyên ngôn” là sự thay đổi về lối viết. Sau Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu đã có sự “lột xác”

với Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát: từ âm hưởng hào hùng, chất giọng lãng mạn, sử thi về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc đến giọng điệu thâm trầm, day dứt về thân phận của con người sau chiến tranh, những ám ảnh khôn nguôi về quá khứ. Một thời lãng mạn lùi về phía sau nhường chỗ cho sự chiêm nghiệm và nhận thức lại. Không ít những truyện ngắn sau chiến tranh đi vào nhiều góc cạnh của đời sống, những góc khuất của số phận con người thời hậu chiến (Cỏ lau - Nguyễn Minh Châu, Xưa kia chị đẹp nhất làng - Tạ Duy Anh, Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo…) được thể hiện với giọng điệu chiêm nghiệm, nhiều suy cảm. Đó là chưa kể đến nhiều mặt trái khác của đời sống trong xã hội hiện đại đã được các nhà văn đề cập đến trong truyện ngắn của mình. Trong truyện ngắn Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái và nhiều tác giả khác, người đọc bắt gặp nhiều trạng thái đa dạng của đời sống của con người hôm nay:

sự tha hóa nhân cách vì đồng tiền, những cách thức mưu sinh và tồn tại, những thay đổi trong quan niệm và lối sống của mỗi cá nhân, sự lai căng về văn hóa… Muôn mặt đời sống được tái hiện trên trang viết.

Truyện ngắn từ 1986 trở lại đây là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ giữa các thế hệ cầm bút. Đầu tiên là thế hệ người viết từng kinh qua chiến tranh như Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… Tiếp đó là những cây bút xuất hiện sau 1986 như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Trần Thùy Mai… Đầu thế kỉ XXI lại là địa hạt của những người viết trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh như Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp… Cùng sống và viết sau chiến tranh với ý thức đổi mới và trăn trở về lối viết nhưng ở mỗi thế hệ cầm bút lại có những nét riêng biệt trong cách tiếp cận và chuyển tải những vấn đề của đời sống. Đó có thể là chiến tranh trong cái nhìn đa chiều với những nghiền ngẫm day dứt về hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê… Cũng có thể là những trăn trở về thân phận, về cuộc sống hôm nay, những góc khuất của đời sống và tâm hồn con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh… Có thể coi truyện ngắn sau 1986 là một bản hòa âm nhiều bè, đa dạng các sắc thái và phong cách.

Những năm sau chiến tranh, trở về với quỹ đạo của cuộc sống đời thường, được tác động bởi tinh thần dân chủ trong đời sống, nhà văn có điều kiện được phát huy sáng tạo. Bước chuyển của văn học được thể hiện qua tự sự, trữ tình, kịch trong đó truyện ngắn là thể loại ghi dấu rõ rệt. Là thể loại nhạy bén và xung kích trong việc áp sát thực tế đời sống, truyện ngắn đã đi vào phản ánh cái hàng ngày, cái thường nhật.

Sự nở rộ của những cây bút mới và sự thay đổi lối viết của các cây bút từng kinh qua chiến tranh cho thấy một thực tế tất yếu của đời sống văn học sau 1986: ý thức cách tân đã trở thành nhu cầu nội tại của người cầm bút không chỉ là những người thuộc về lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh mà còn là của những nhà văn đã đi qua chiến tranh.

Ý thức về sự thay đổi lối viết là một thực tế hiện hữu trong tư duy sáng tạo của người viết truyện ngắn sau 1986. Cùng với sự thay đổi đời sống xã hội, sự đổi mới ý thức sáng tạo, một yêu cầu đặt ra từ phía người viết là họ cần có một cái gì đó mới mẻ hơn trên những trang viết, không chỉ là những câu chuyện được kể tuần tự mà còn phải là hình thức mới. Ý thức về sự đổi mới không chỉ dừng lại ở việc khai thác những đề tài trước đây còn bỏ ngỏ, phản ánh sâu sắc và đa dạng nhiều bình diện của cuộc sống con người hôm nay mà còn ở sự cách tân nghệ thuật - những trăn trở về lối viết: không

chỉ là viết cái gì (nội dung) mà là viết như thế nào (hình thức). Phiên chợ Giát, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu là những truyện ngắn cho thấy sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật và lối viết của nhà văn. Thông qua số phận và những trạng huống đời sống của nhân vật Lão Khúng (Phiên chợ Giát), Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), nhà văn đã dùng nhiều bút pháp nghệ thuật, kết hợp các mảng thời gian, không gian, ý thức và tiềm thức trong việc khắc họa thật ấn tượng con người bên trong mang ý nghĩa triết lý và nhân sinh sâu sắc. Đổi mới, cách tân đã trở thành khát vọng, là ý thức thường trực. Nhiều cây bút truyện ngắn đã mạo hiểm trong cuộc kiếm tìm lối viết, chối bỏ những cách thức cũ mòn nhằm tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn riêng của cá nhân mình.

Trong đời sống văn học sau 1986, quan niệm truyền thống về thể loại truyện ngắn đã thay đổi với xu hướng truyện ngắn xóa bỏ những ranh giới thể loại đã được mặc định trước đó. Với nhiều trường hợp truyện ngắn, sự pha trộn, tương tác thể loại được xem như sự vi phạm quy tắc có chủ ý của người viết. Tuy nhiên: “Suy cho cùng việc đi ngược quy tắc chỉ thành công trong điều kiện nó xuất phát từ chính yêu cầu của nội dung câu chuyện, khớp với nội dung ấy, là một bộ phận hợp thành chặt chẽ của nội dung ấy.” [27].

Quan sát thực tiễn đời sống văn học và sự vận động của thể loại truyện ngắn sau 1986, có thể thấy khả năng biến hóa của truyện ngắn được các nhà văn vận dụng đến tối đa: không chỉ biến hóa về dung lượng (truyện có thể dài vài ba trang hay hai ba mươi trang, thậm chí cả trăm trang); đổi mới về nội dung (tiếp cận nhiều vấn đề của đời sống, mở rộng đề tài sáng tác) mà còn ở sự đa dạng trong kỹ thuật viết, trong sự pha trộn, chồng xếp các phong cách thể loại. Có thể coi đây là tương tác thể loại - hiện tượng nhiều hệ thống thể loại tương tác, ảnh hưởng xâm nhập vào nhau tạo thành những thể loại mới mang đặc điểm kép của hai hay nhiều nòng cốt thể loại.

Theo Bakhtin, lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại. Tương tác thể loại tạo nên tính lưỡng hợp, mang đặc điểm của các phương thức phản ánh đời sống khác nhau, những hình thức kỹ thuật, chất liệu phản ánh đời sống khác nhau. Từ góc độ thể loại, có thể thấy văn học sau 1986 chứng kiến một quá trình xâm nhập, di trú của nhiều loại hình, nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm. Chúng ta vẫn thường nghe nói đến thơ văn xuôi, truyện trữ tình, tiểu thuyết tự truyện…

Sự pha trộn thể loại trong truyện ngắn, tiểu thuyết ít nhiều đã có trong văn học trước đây. Tuy nhiên, phải đến sau 1986, với sự thay đổi quan niệm văn học và quan niệm thể loại, dấu hiệu của tương tác thể loại mới được thể hiện rõ rệt và với tần suất

cao. Không ít truyện ngắn đã chạm đến ranh giới với các thể loại văn xuôi khác như tiểu thuyết, bút ký, tản văn, tùy bút…, thậm chí là cả thơ và kịch. Thực tế này làm đứt gãy những giới hạn thể loại truyền thống. Trong quan niệm của người viết, truyện ngắn không còn là thể loại văn tự sự đơn giản, mà có khả năng biến hóa với việc vận dụng thủ pháp xóa mờ lằn ranh thể loại. Với ý thức đó, họ phá bỏ rào cản về mặt thể loại, phá vỡ dạng thức tồn tại khá ổn định của truyện ngắn bằng cách thay đổi diện mạo của văn bản với sự đan xen kết hợp nhiều kiểu văn bản trong một văn bản. Đó là hiện tượng dễ dàng nhìn thấy trong nhiều truyện ngắn sau 1986.

Truyện ngắn trong quá trình hình thành và phát triển luôn biến đổi theo xu hướng thay đổi đường biên của thể loại. Một trong những sự biến đổi đó là xu hướng viết ngắn lại, nghĩa là người viết đặc biệt chú trọng đến tính chất ngắn của thể loại. Viết truyện rất ngắn (truyện ngắn mini) là một trong những cách thức mà người viết truyện ngắn sau 1986 lựa chọn, cũng là một cách tương tác với người đọc trong bối cảnh mới.

Truyện rất ngắn yêu cầu ở người đọc khả năng đồng sáng tạo, bởi một trong những đặc tính của truyện rất ngắn là tính đa nghĩa. Khuynh hướng viết ngắn lại, thao tác viết thật ngắn hiện hữu trong đời sống văn học một mặt thuộc về phong cách nhà văn, mặt khác đã cho thấy những thay đổi từ phía chủ thể sáng tạo: viết ngắn là cách thức làm mới và điều này quả nhiên là đối trọng với xu hướng viết tiểu thuyết, truyện ngắn dài ở truyền thống. Khi viết truyện rất ngắn, vấn đề đặt ra là với số lượng câu chữ được giới hạn, người viết cần phải đầu tư nghệ thuật viết sao cho tác phẩm có sức nén, có sức lan tỏa.

Viết một truyện ngắn hay đã khó, viết được một truyện rất ngắn hay lại càng khó hơn nhiều. Người viết phải chú ý đến các tiêu chí về tính cô đọng, súc tích, tính biểu tượng, giàu sức gợi. Ở đây không hoàn toàn là việc người viết chỉ làm thao tác thủ công rút ngắn lại trang viết mà là nghệ thuật xây dựng tác phẩm, sự bố trí, sắp xếp chi tiết tình huống, nghệ thuật kết cấu, khắc họa nhân vật… sao cho giá trị nghệ thuật được đạt đến tối đa, sao cho trong một khuôn khổ có hạn người viết có thể chuyển tải được nhiều ý tưởng và mang lại nhiều xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc. Cũng bởi tính dồn nén, cô đọng và giàu sức gợi nên truyện rất ngắn cũng chứa đựng cả yếu tố thơ và kịch.

Người viết truyện ngắn sau 1986 khá tự do trong việc làm thay đổi khuôn diện của truyện ngắn truyền thống, bằng cách để cho những yếu tố thuộc về phẩm tính của thơ ca hay chất thơ xâm nhập vào tác phẩm tự sự, không chỉ ở giai điệu, hình ảnh, xúc cảm - những đặc điểm của tác phẩm thơ mà còn ở bình diện hiển ngôn trên bề mặt văn bản. Tương tác thể loại truyện ngắn - thơ có thể được biểu hiện ở nhịp điệu, nhạc điệu, ở hình ảnh trữ tình, ở sự cô đọng, hàm súc và một dấu hiệu “ngoại hiện” rõ rệt nhất là sự hiện diện của ngôn ngữ thơ trong truyện ngắn.

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có ý thức rõ ràng về sự xâm nhập của thơ vào truyện ngắn, về sự mở rộng ranh giới của truyện ngắn bằng thơ. Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ thơ ca chiếm một tỷ lệ lớn. Đó có thể là những câu thơ do chính tác giả sáng tác, cũng có thể là tác giả mượn của người khác như Nguyễn Bính, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh; cũng có khi là lời hát cổ, những câu hát đồng dao, câu ca dân gian được nhà văn sử dụng nguyên văn hoặc có chỉnh sửa.

Mở đầu truyện ngắn Những người thợ xẻ là những câu hát đồng dao quen thuộc của trẻ nhỏ:

Kéo cưa lừa xẻ Ông thợ nào khỏe Thì về cơm vua Ông thợ nào thua Thì về bú tí… [45]

Chất thơ, tư duy thơ còn biểu hiện qua việc sử dụng hình thức điệp, hình thức tái lặp, ở giai điệu, ngôn ngữ giàu nhạc điệu với hình thức cấu trúc đoạn thơ lặp đi lặp lại trong Chảy đi sông ơi:

Chảy đi sông ơi Băn khoăn làm gì?

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?… [42]

Trong Con gái thủy thần, mở đầu Truyện thứ nhất, tác giả dẫn một lời hát cổ:

Cái tình chi

Mượn màu son phấn ra đi… [43]

Mở đầu Truyện thứ ba lại là một câu thơ của Nguyễn Bính:

Giang hồ sót lại mình tôi

Quê người đắng khói, quê người cay men… [43]

Kết thúc Con gái thủy thần là những câu:

Tôi cứ đi, đi mãi… Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển.

Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển… Tôi chưa biết biển… Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000.

Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi…

Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi… [43]

Trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê. Khi Quyên bảo: “Cánh đồng rộng quá… anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không?” [46], Nguyễn Huy Thiệp để Nhâm trả lời bằng một đoạn thơ:

Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng

Ðứng bên ni đồng mênh mông bát ngát Ðứng bên tê đồng bát ngát mênh mông.

Tôi làm sao quên được nơi mẹ sinh tôi Mẹ đã buộc cuống rốn tôi bằng sợi chỉ Tắm gội cho tôi bằng nước ao đầm trước Tôi biết khóc cũng vô ích vì tất cả phải chờ đợi Phải chờ đợi từ tháng giêng đến tháng chạp Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà Tôi đi qua rất nhiều bờ ngang, bờ dọc lầm lạc Ði qua rất nhiều gian khó, thô tục

Tôi phải gieo trồng, gặt hái trên cánh đồng này Phải thuộc tên nhiều loại sâu bọ

Còn cánh đồng thì khi mưa, khi nắng Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu Rồi ngày kia

(Cái ngày xung tháng hạn)

Có một người đàn bà đến làm cho tôi đau Nàng dạy tôi thói bạc tình

Bằng cách phản bội tôi như có thể phản bội một người thường Tôi lẳng lặng chôn nỗi căm ghét cuối cánh đồng.

Trong mạch đất hiểm có hình lưỡi kiếm Những bông hoa mơ ước héo trên tay Công việc trở nên nặng nề hơn trước

Tôi bán những sản vật làm ra với giá rẻ như bèo Ðã có những mùa thu hoạch lớn

Tôi cũng đã phá sản đôi lần

Khi chiều xuống, hoàng hôn tĩnh lặng Tôi không kịp xem những vết sẹo trên người Chỉ biết rằng tôi đã mang thương tích Ðêm

Những vì sao thắp nến trên bầu trời

Tôi đắp tấm vải liệm sực mùi đồng nội lên người Khi ấy, bạn ơi, bạn trẻ ơi

Bạn hiểu cho tôi

Tôi đã gắng làm cho cánh đồng phì nhiêu. [46]

Đến khi cái chết đến với hai cô em gái Nhâm quá oan nghiệt, Nguyễn Huy Thiệp khéo léo mượn lời bài thơ Đám ma trinh nữ trên đồng của nhà thơ Bùi Văn Ngọc để bộc lộ tâm trạng của các nhân vật:

Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng Cái chết trắng, cái chết trắng xoá

Những con bướm trắng, những bông hoa trắng Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng.

Ơi hời, tôi đưa đám ma trinh nữ trên đồng

Tôi đào huyệt, dài một mét tám, ngang bảy mươi phân Tôi đào huyệt, sâu một mét rưỡi

Ơi hời, tôi chôn vào đây tinh thần sơ nguyên Ơi hời, này là vật hiến tế cho đất đai

Trinh nữ vẹn tuyền, cái chết trắng xóa

Những con bướm trắng, những bông hoa trắng Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng Ơi hời, tôi lót vào ngực bài thơ trắng tinh Bẻ một cành xanh mà che mắt nhìn Gió phơ phất, hồn bay phơ phất Hồn bay lên, trên cánh đồng người Tôi đi đưa đám ma trinh nữ trên đồng Trong ngày như thế, trong một ngày dưng Trong ngày như thế, trong một ngày thường Ơi hời, tôi đi lẫn trong đám đông, trong số đông,

trong lòng người, trong nỗi đau thương, trong thê lương… [46]

Bên cạnh đó còn là lối văn xuôi sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu sức gợi như đoạn văn mở đầu truyện ngắn Chảy đi sông ơi: “Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một vòng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi phiá tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa, trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến lạ lùng. Nước lờ lững trôi, giữa tim dòng sông rạch một mũi sóng dập dồn, ở đầu mũi sóng có một điểm đen tựa

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 21 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)