Như ta đã biết, cơ chế ghép nhận năng lượng giữa reader và thẻ trong các hệ thống RFID trường-gần và trường-xa là khác nhau do đặc tính trường điện từ tại mỗi khu là khác nhau.
1.3.1 Trường gần
Trường điện từ tại khu gần có tính chất thụ động và gần như tĩnh. Điện trường sẽ bị thay thế bởi từ trường, và trường nào sẽ tồn tại được quyết định bởi loại anten được sử dụng: Điện trường sẽ tồn tại khi anten dipole được sử dụng, trái lại, với anten vòng nhỏ thì sẽ chỉ có từ trường tồn tại. Sự ghép ứng giữa anten thẻ và reader có thể nhận được qua giao thoa với từ trường hoặc điện trường. Trong các hệ thống RFID trường gần thì hệ thống ghép cảm ứng được dùng rộng rãi hơn cả so với hệ thống ghép dung ứng.
1.3.1.1 Ghép cảm ứng
Trong một hệ thống RFID ghép cảm ứng, cuộn dây anten reader sẽ tạo ra một từ trường mạnh cảm ứng vào cuộn anten của thẻ. Khi một phần năng lượng trường tới được hấp thụ vào anten cuộn của thẻ, sẽ tạo ra một điện áp Ui trên anten của thẻ. Điện áp này được chỉnh lưu và làm nguồn nuôi cho microchip trong thẻ.
Hình 1.6 Truyền công suất và thông tin giữa thẻ và reader trong hệ thống RFID ghép cảm ứng.
Một tụ CR được mắc song song với anten cuộn của reader, điện dung được chọn sao cho nó cùng với điện cảm anten cuộn hình thành nên một mạch cộng hưởng song song với tần số cộng hưởng tương ứng với tần số phát đi của reader.
Trên anten của reader sẽ sinh ra các dòng rất lớn với mạch cộng hưởng song song, có thể dùng để tạo ra từ trường cảm ứng cho hoạt động của thẻ.
Hiệu suất truyền giữa anten reader và thẻ tỷ lệ với tần số hoạt động, số vòng dây, diện tích ghép anten, góc của cuộn dây, và khoảng cách giữa hai cuộn dây.
1.3.1.2 Ghép dung ứng
Trong hệ thống RFID ghép dung ứng, anten sẽ tạo ra và tương tác với điện trường. Trong các hệ thống này, chính phân bố của điện tích chứ không phải dòng điện sẽ quyết định độ lớn của trường và do đó độ lớn ghép ứng (coupling strength).
Do độ lớn ghép ứng phụ thuộc vào số lượng các điện tích được gia tốc, nên các hệ thống dựa trên ghép dung ứng sẽ ít được sử dụng hơn nhiều so với các hệ thống ghép cảm ứng.
Dipole là một anten thích hợp đối với các hệ thống ghép dung ứng do điện trường sẽ tồn tại thay vì từ trường. Không chỉ các hệ thống ghép cảm ứng mới cần các mạch cộng hưởng để có hệ số ghép lớn nhất mà các hệ thống ghép dung ứng cũng vậy. Do bản thân anten có điện dung của chính nó, điện cảm được ghép vào song song với thẻ và giao tiếp với reader. Ngoài ra, cũng như các hệ thống ghép cảm ứng, thẻ có thể giao tiếp với reader bằng cách thay đổi trở kháng của nó.
1.3.1.3 Điều chế tải
Giao tiếp giữa thẻ và reader trong cả hai hệ thống RFID ghép cảm ứng và dung ứng đều được thực hiện nhờ thay đổi trở kháng tải của thẻ. Khi thẻ nằm trong khoảng đọc của reader, nó sẽ nhận được năng lượng phát ra từ anten reader qua từ trường hoặc điện trường. Kết quả phản hồi từ thẻ trên anten reader cho thấy sự thay đổi của điện và từ trường. Sự thay đổi này sẽ được reader nhận biết. Dữ liệu được truyền từ thẻ tới reader trong khoảng thời gian mà trở kháng tải hoặc dung kháng được bật và tắt theo dữ liệu. Kiểu truyền dữ liệu này được gọi là điều chế tải.
Thẻ thay đổi trở kháng của nó bằng cách bật hoặc tắt trở kháng tải hoặc dung kháng, từ đây đưa ra hai khái niệm điều chế tải điện kháng và điều chế tải dung kháng. Khi điều chế tải điện kháng, trở kháng được tắt hoặc bật trong thời gian tồn tại chuỗi dữ liệu. Tương tự đối với điều chế tải dung kháng. Reader sẽ nhận biết được những sự thay đổi này như một kiểu điều chế kết hợp giữa biên độ và pha.
1.3.2 Trường xa
Thẻ trong hệ thống RFID trường xa sẽ nhận sóng EM bức xạ từ anten của reader. Anten thẻ sẽ nhận năng lượng và biến đổi thành một điện áp trên hai cổng của microchip. Một diode sẽ chỉnh lưu điện áp này và đưa tới một tụ điện, tụ này sẽ nạp năng lượng đó nhằm cấp nguồn cho các mạch điện tử trong microchip. Thẻ có thể nằm ở các vị trí ngoài trường khu gần của reader. Do đó, trong các hệ thống RFID trường-xa giao tiếp giữa reader và thẻ thường được thực hiện nhờ sử dụng một kỹ thuật gọi là tán xạ lùi (backscattering). (Reader sẽ gửi đi một sóng điện từ tại một tần số nhất định. Sóng này sẽ được thẻ thu nhận, và thẻ sau đó sẽ phát tín hiệu trở lại cho reader tại một tần số khác với các thông tin về microchip đã được mã hoá trong các sóng đó)
Sự thay đổi của trở kháng tải (của microchip) sẽ gây ra mất phối hợp trở kháng giữa anten thẻ và tải. Sự mất phối hợp trở kháng sẽ làm biến đổi tín hiệu phản xạ từ thẻ.
Nói cách khác, biên độ của sóng phản xạ từ thẻ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trở kháng tổng của anten thẻ. Bằng cách thay đổi tải của anten thẻ theo thời gian, thẻ có thể phản xạ lại nhiều hoặc ít so với sóng tới như một kiểu mã hoá ID của thẻ.