Chương 2. Thực trạng hệ thống đào tạo công nhân kỹ thuật trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá
2.3. Đánh giá chung về hệ thống đào tạo công nhân kỹ thuật ở Việt Nam
Có thể nói rằng hệ thống đào tạo nghề Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm khác nhau nhưng hiện nay đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm khiến cho hệ thống đào tạo nghề đã có những bước khởi sắc và ngày càng hoàn thiện. Chúng ta đã hình thành được mạng lưới các trường dạy nghề đa dạng, phong phú và đang phát triển mạnh góp phần đào tạo đội ngũ lao động Việt Nam đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Quy mô đào tạo của hệ thống dạy nghề ngày càng tăng nhanh; số lượng các trường dạy nghề, loại hình đào tạo, cơ cấu đào tạo ngày càng hoàn thiện cũng như số lượng người học ngày càng gia tăng khẳng định vai trò của việc đào tạo nghề đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Chất lượng đào tạo nghề cũng từng bước được nâng lên rõ rệt. Tỉ lệ người ra trường có việc làm và khả năng tự tạo việc làm ngày càng cao. Đội ngũ giáo viên ở các trường ngày càng được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng, cơ sở
vật chất được đầu tư với quy mô ngày càng lớn, công tác quản lý nhà nước được củng cố và tăng cường.
2.3.2. Những vấn đề đặt ra
Tuy đã thu được nhiều thành tựu nhưng hệ thống đào tạo nghề Việt Nam hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần phải khắc phục và hoàn thiện.
Thứ nhất, đó là cơ cấu hệ thống đào tạo công nhân kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cả về chất lượng và số lượng của đội ngũ công nhân. Chất lượng đào tạo nghề trong những năm qua tuy có được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao đối với lao động kỹ thuật trong sản xuất. Yếu kém này là do các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng thiếu thiết bị dạy nghề cả về số lượng và chất lượng đang là tình trạng chung của nhiều cơ sở dạy nghề, nhất là cơ sở dạy nghề của các địa phương:
+ Bình quân, tổng diện tích mặt bằng của các trường dạy nghề là hơn 24,4 nghìn m2. Diện tích mặt bằng của các trường Trung ương cao gấp 4 lần so với các trường địa phương. Diện tích mặt bằng của các trường công lập cao gấp 20 lần các trường ngoài công lập. Diện tích xây dựng cho các trường dạy nghề là rất thấp, đặc biệt là diện tích phòng học/1 học sinh. Đáng chú ý nhất là diện tích phòng học/1 học sinh của các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc là quá hẹp (1,0 và 1,2m2). Chất lượng phòng học, nhà xưởng của các trường dạy nghề nhìn chung đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn khoảng 31% số phòng học và 50,7% số xưởng thực hành là nhà cấp 4, nhà tạm.
+ Về trang thiết bị giảng dạy và thực tập, qua khảo sát cho thấy khoảng 50% số trang thiết bị được sản xuất trước 1995, trong đó có 6% số thiết bị được sản xuất trước 1975 và đa số chỉ đạt ở mức công nghệ trung bình (64,3%), chỉ
khoảng trên 20% là hiện đại. Có một số nghề mà trang thiết bị sử dụng cho thực hành nghề rất lạc hậu như nghề in, vận hành thiết bị hoá, luyện kim, sửa chữa thiết bị chính xác...
+ Chương trình đào tạo phù hợp, hiện đại là yêu cầu không thể thiếu đối với hoạt động đào tạo nghề. Chương trình đào tạo phù hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt là một trong các yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo. Theo thống kê, trong tổng số 142 nghề mà các trường dạy nghề trong nước hiện đang đào tạo thì có 13 nghề trong đó 93,0% số trường dạy nghề có chương trình đào tạo. Ngược lại có 10 nghề được đào tạo ở nhiều trường không có chương trình đào tạo. Trong số này, nghề có tỉ lệ trường không có chương trình lớn là: gò (gần 90%), vận hành quản lý đường dây (20%), bê tông cốt thép (18,75%), các loại nghề: khảo sát đại hình, rèn, lắp đạt cầu, vận hành máy xúc, lái cẩu... Đối với các trường nghề có chương trình đào tạo thì đa số chương trình do cấp có thẩm quyền ban hành nhưng cũng có trường có một số nghề mặc dù có chương trình nhưng do nhà trường tự biên soạn, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm 18,3%).
+ Hiện nay cả nước có khoảng 18.000 giáo viên dạy nghề, trong dó có 7.500 giáo viên trong các trường dạy nghề. Qua số liệu điều tra bình quân trong một cơ sở dạy nghề có 58 cán bộ, giáo viên, riêng ở các trường dạy nghề có khoảng 51 người. Nếu tính bình quân trên 1.000 học sinh ở các trường dạy nghề công lập có 86 cán bộ, giáo viên và ngoài công lập có 78 người. Ở một số trường ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên hoặc đồng bằng sông Cửu Long, số cán bộ giáo viên bình quân trên một cơ sở rất thấp như ở Duyên hải miền Trung chỉ có 25 người, Tây nguyên 35 người… Tính chung lại số giáo viên, cán bộ trong các trường dạy nghề chỉ bằng 48,57% so với trường Cao đẳng, Trung học có dạy nghề và gấp 2,13 lần so với số cán bộ, giáo viên của một trung tâm dạy nghề.
Trong số cán bộ, giáo viên dạy nghề thì số giáo viên chiếm 55,32%, như vậy, bình quân mỗi trường dạy nghề có từ 30 đến 40 giáo viên. Số giáo viên trong các trường dạy nghề còn rất thiếu về số lượng, còn xa chúng ta mới đạt chuẩn 1 giáo viên/15 học sinh. Về chất lượng, đa số giáo viên trong các trường dạy nghề tuổi đời còn trẻ và có thâm niên công tác từ 10 năm trở xuống (chiếm gần 40%), trong đó có đến 23,94% số giáo viên có thâm niên dưới 5 năm.
Qui mô đào tạo, nhất là quy mô đào tạo nghề dài hạn còn nhỏ so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Mặc dù qui mô tuyển sinh đào tạo nghề, nhất là quy mô tuyển sinh đào tạo nghề dài hạn trong những năm gần đây đã tăng với tốc độ khá nhanh, nhưng năm 2004 tuyển sinh đào tạo nghề dài hạn cũng chỉ phấn đấu đạt được 198.000 học sinh. Trong lúc đó nhu cầu lao động qua đào tạo nghề hiện nay rất lớn để cung cấp cho các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông nghiệp. Qua các hội chợ việc làm ở các địa phương cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề dài hạn khá lớn nhưng số người đăng ký xin việc lại ít. Điều đó cho thấy cung về nhân lực qua đào tạo nghề dài hạn vẫn còn chưa đáp ứng được cầu của thị trường lao động.
Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy đã được sắp xếp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề của các vùng nhất là khu vực nông thôn: Mạng lưới trường dạy nghề trong những năm qua phát triển nhanh, nhưng đến nay số lượng trường dạy nghề cũng chỉ mới đạt được 2/3 số trường dạy nghề vào thời điểm cao nhất (năm 2004 có 226 trường dạy nghề trong khi năm 1980 có 336 trường dạy nghề). Mặt khác nhiều trường dạy nghề đã được thành lập trong những năm gần đây nhưng lại đang trong giai đoạn xây dựng do thiếu vốn. Nhiều khu công nghiệp khi hình thành chưa chú ý đến việc thành lập các trường dạy nghề để cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực. Việc thực hiện mục tiêu đến 2010 mỗi
huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề là rất khó khăn vì trong số hơn 600 quận, huyện trong cả nước đến nay mới có khoảng 100 quận, huyện có trung tâm dạy nghề. Số trường dạy nghề ngoài công lập tuy có phát triển nhưng vẫn chiếm một tỉ lệ thấp (11%).
Có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế của hệ thống đào tạo nghề là do:
+ Yếu tố nhận thức và tâm lý xã hội: vì người Việt Nam nói chung đều có nguyện vọng muốn học để có bằng cấp, không thích làm "thợ" mà thích làm
"thầy", làm "cán bộ" để có biên chế và địa vị trong xã hội. Mức thang đo giá trị con người đang được xã hội đo bằng cấp. Trong xã hội nhiều người "có chữ",
"có học", có bằng cấp cao được coi trọng hơn mặc dù nhiều khi công việc đang làm không liên quan gì đến bằng bằng cấp, chuyên môn nghề nghiệp được đào tạo. Thực tiễn đó nảy sinh tâm lý bằng mọi giá vào được đại học để có bằng đại học. Một học sinh vào được đại học là cả họ hàng, làng xóm liên hoan, chúc tụng còn những người lao động có tay nghề cao, có bàn tay vàng, làm việc có hiệu quả cao nhưng không có bằng Đại học ít khi được đề cao trong xã hội. Xã hội, gia đình và người học chưa nhận thức đầy đủ vai trò của nghề nghiệp đối với sự phát triển của cá nhân và sự hưng thịnh của đất nước. Vì vậy, hệ thống đào tạo nghề từ lâu chỉ chủ yếu tiếp nhận những học sinh sau khi đã thi trượt cao đẳng, đại học.
+ Thiếu tính liên thông trong đào tạo: xu hướng chung của các nước trên thế giới là xây dựng xã hội hoá học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời bằng chính sách liên thông trong đào tạo. Nhưng ở nước ta chưa có chính sách liên thông trong đào tạo, nhánh phân luồng đi vào nghề nghiệp chưa có sự liên thông về nội dung chương trình, hình thức đào tạo để người học có
điều kiện học tập suốt đời. Thức trạng đó đã dẫn đến một số bất cập nảy sinh trong quá trình đào tạo như đã vào học nghề là ít có cơ hội học lên ở bậc học cao hơn. Muốn học nghề khác hoặc học tiếp các trình độ khác phải quay lại học từ đầu. Những kiến thức và kỹ năng đã được học ở nghề khác hoăc ở bậc học dưới không được tính mà vẫn phải học lại dẫn đến sự lãng phí cho cá nhân người học, cho xã hội và tính kém hấp dẫn của dạy nghề.
+ Vấn đề tiền lương và việc làm của người lao động đã qua đào tạo nghề:
Như chúng ta đã biết đa số những người học nghề là những người có điều kiện kinh tế khó khăn, mong muốn của họ là sau khi học nghề sẽ kiếm được việc làm và tự tạo được việc làm. Qua thực tế cho thấy những trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề có tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm cao thì có nhiều học sinh xin vào học nghề như các trường bưu chính viễn thông, điện lực, may mặc... Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố cơ bản là kế hoạch đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động tức là nhà trường đào tạo những nghề và với số lượng mà nhu cầu thị trường lao động cần chứ không đào tạo các nghề mà nhà trường có khả năng đào tạo. Hiện nay giữa đào tạo và sử dụng vẫn còn chưa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cung và cầu không gặp nhau. Kết quả tất yếu của tình trạng đó là có nghề sẽ thiếu và có nghề sẽ thừa so với nhu cầu của thị trường lao động làm co số học sinh học những nghề vượt cầu của thị trường lao động sẽ khó tìm được việc làm.
+ Chính sách khuyến khích học nghề của nhà nước ta hiện nay còn yếu và thiếu: cho đến nay chính sách khuyến khích cho học sinh học nghề nằm trong chính sách chung đối với học sinh - sinh viên, nhưng trong chính sách chung đó lại có sự phân biệt đối xử với học sinh học nghề. Theo quy định tại Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg ngày 22/12/1997 về học bổng và trợ cấp đối với học sinh,
sinh viên đối với các trường đào tạo công lập và Thông tư Liên tịch số 53/1998/TTLT- Bộ Giáo dục và đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 25/ 8/1998 thì mức học bổng khuyến khích học tập các loại khá, giỏi, xuất sắc đối với học sinh dạy nghề đều thấp hơn so với mức học bổng loại tương ứng của học sinh sinh viên các khối trường khác.
Hiện nay có những nghề đào tạo rất khó tuyển sinh, đó là những nghề làm việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại, như nghề khai thác hầm lò, nghề đúc.v.v… Đối với những nghề này cần có chính sách riêng để thu hút người học.
Người học nghề sau khi tốt nghiệp sẽ đi vào thị trường lao động theo hai hướng: Hướng thứ nhất là tìm việc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;
hướng thứ hai là sử dụng các kiến thức, kỹ năng đã học trong trường để tự tạo việc làm trước hết cho bản thân mình và cho nhnững người khác. Những người đi theo hướng thứ hai thường gặp khó khăn về vốn để mở cơ sở sản xuất kinh doanh của mình. Vì vậy, đối với những người này cần có chính sách ưu đãi về vay vốn.
Cơ chế, chính sách của Nhà nước về dạy nghề chưa tạo được động lực đủ mạnh cho các cơ sở dạy nghề, đội ngũ giáo viên dạy nghề và người học nghề.
Bên cạnh đó là mức tăng đầu tư cho dạy nghề không gắn với mức tăng chỉ tiêu đào tạo nghề. Mức kinh phí cho dạy nghề dài hạn tuy đã được tăng lên, nhưng cũng chỉ mới đạt bình quân khoảng 3,2 triệu/học sinh/năm (bằng 74% mức quy định năm 1998). Một nguyên nhân nữa là quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề chưa được chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động chưa thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong công tác đào tạo nghề.
Tóm lại, hệ thống đào tạo nghề nước ta hiện nay đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đầu tư cho đào tạo nghề ngày càng nhiều và có hiệu quả.
Nhận thức của người dân về nghề nghiệp ngày càng tích cực; chất lượng, số lượng đào tạo nghề ngày càng tăng, chúng ta lại có nhiều những cơ hội để phát triển, hội nhập và hoàn thiện. Nhưng bên cạnh đó chúng ta đang gặp không ít các khó khăn như tâm lý phân biệt công nhân và cử nhân đại học, đầu tư vốn ít, cả số lượng và chất lượng giáo viên dạy nghề đều chưa được đáp ứng, cơ sở vật chất còn lạc hậu… Vì thế trong những năm tới chúng ta cần phải chú trọng tập trung vào công tác đào tạo nghề để phát triển và hoàn thiện số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Chương 3